Vì sao Singapore từ một đất nước nghèo với đa số người dân mù chữ lại trở thành một quốc gia có nền giáo dục phát triển hàng đầu thế giới?
Vì sao Singapore từ một đất nước nghèo với đa số người dân mù chữ và không có tài nguyên lại trở thành một quốc gia có nền giáo dục phát triển hàng đầu thế giới? Bài viết này sẽ đề cập đến tầm ảnh hưởng của người lãnh đạo đầu tiên của Singapore - ông Lý Quang Diệu đến sự phát triển vượt bậc của quốc gia này.
Singapore là một câu chuyện thành công phi thường. Chỉ trong vòng chưa đầy 50 năm, quốc đảo nghèo không có tài nguyên và đa phần dân số mù chữ đã trở thành một quốc gia 4,7 triệu dân và nằm trong top những quốc gia có nền công nghiệp phát triển nhất trên thế giới.
Ảnh minh họa - ST
Ngay từ đầu, Lý Quang Diệu - Thủ tướng đầu tiên của Singapore đã dẫn dắt đất nước phát triển để đạt được những thành tựu rực rỡ trên và ông đã hiểu rằng giáo dục là một phần quan trọng để tạo ra một quốc gia có nhiều chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ trở thành một lực lượng lao động có tầm cỡ thế giới. Lấy giáo dục là mục tiêu để phát triển kinh tế, Lý Quang Diệu đã thiết lập được một nền giáo dục hiệu quả. Kể từ khi ông đảm nhiệm vai trò là thủ tướng Singapore từ năm 1959, thu nhập hàng năm của đất nước từ con số 400 USD và hiện nay là 60.000 USD/năm.
Tầm cỡ giáo dục và tài năng của người lãnh đạo
Theo Trung tâm Giáo dục và Kinh tế quốc gia Hoa Kỳ (NCEE), có 3 lý do chính để giáo dục Singapore phát triển trở thành nền giáo dục tầm cỡ thế giới. Trước tiên, từ phía bộ máy lãnh đạo nhà nước, Lý Quang Diệu đã lựa chọn được một đội ngũ những người tài năng phục vụ cho Chính phủ. Nhiều cán bộ công chức của Singapore đã được học tại những trường đại học tốt nhất thế giới và được trả lương xứng đáng với khả năng của họ. Tiếp đó, ông đã thành công trong việc thực thi các chính sách giáo dục quốc gia theo tiêu chuẩn toàn cầu. Vậy nên, hệ thống giáo dục của Singapore trở nên phổ thông và đáp ứng được yêu cầu chung của nhiều nước trên thế giới. Cuối cùng, Lý Quang Diệu đã chèo lái đất nước mình theo đúng định hướng chính trị rõ ràng của đất nước và thực hiện các chính sách giáo dục ở trên một cách cân nhắc và kiên định.
Các giai đoạn phát triển của giáo dục Singapore
Giáo dục Singapore đã trải qua 3 giai đoạn để phát triển như ngày hôm nay. Ở giai đoạn đầu tiên, trọng tâm giáo dục của đất nước là giải quyết nạn mù chữ và đảm bảo rằng tất cả mọi người dân đều có khả năng đọc và viết. Ở giai đoạn này, Singapore đã phải bán sức lao động của mình với giá rẻ mạt nhưng đó là giai đoạn quan trọng để Singapore bước sang giai đoạn tiếp theo để cạnh tranh trong thị trường lao động toàn cầu. Ở giai đoạn thứ 2, chính phủ Singapore đã chuyển lợi thế cạnh tranh của mình trên thị trường lao động quốc tế từ chi phí lao động thấp đến chất lượng lao động cao và lương tốt. Vì vậy, trọng tâm của chính sách giáo dục quốc gia chuyển từ xóa mù chữ sang học tập tiến tới tiêu chuẩn toàn cầu. Bên cạnh đó, Viện Phát triển Các chương trình giảng dạy của Singapore cũng được thành lập để hỗ trợ sự phát triển nhu cầu học tập của các đối tượng khác nhau.
Trong những năm 1990, chính phủ Singapore đã thực hiện chương trình “Nhà trường tư duy, quốc gia học tập” (Thinking Schools, Learning Nation). Đây cũng là giai đoạn thứ phát triển thứ 3 của giáo dục Singapore. Chính phủ đã nhận ra rằng, hội nhập kinh tế toàn cầu không chỉ cần giáo dục mà còn cần có sự hình thành về tư duy, thái độ, kỹ năng để phát triển đa dịch vụ, đa ngành nghề. Do đó, trong giai đoạn này, Singapore đã tập trung vào củng cố chất lượng giáp dục, chú trọng vào việc giảng dạy, truyền thụ kỹ năng nghề nghiệp và phát triển khả năng tư duy của học sinh. Vào năm 2004, chính phủ Singapore tiếp tục thực hiện một chương trình khác mang tên “Dạy ít, học nhiều” (Teach less, learn more). Chương trình này được thực hiện nhằm mục đích khích lệ học sinh hiểu rõ được vấn đề học phải gắn liền với thực tiễn chứ không phải học chống chế.
Hệ thống giáo dục tiên tiến của Singapore
Hệ thống các cấp học của Singapore cũng vô cùng linh hoạt với 3 cấp học (1) tiểu học, (2) trung học, và (3) tiền đại học. Trong đó, chỉ có tiểu học kéo dài trong 6 năm là cấp học bắt buộc , gồm 4 năm học cơ sở và 2 năm học định hướng. Bậc trung học kéo dài từ 4 đến 5 năm và được chia thành các chuyên ban khác nhau. Giai đoạn tiền đại học diễn ra trong 2 đến 3 năm tại những Học viện sơ cấp hoặc trường cao đẳng.
Thông qua các giai đoạn phát triển của hệ thống giáo dục quốc gia, Singapore đã đặt trọng tâm ngày càng cao vào chất lượng giáo viên, giảng viên và những người đứng đầu ngành giáo dục.
Ảnh minh họa - ST
Singapore không ngừng học tập và áp dụng các mô hình giáo dục hiệu quả của thế giới vào giáo dục nước nhà. Singapore đã thí điểm nhiều hình thức giáo dục khác nhau. Ví dụ, trong năm 1986, Bộ Giáo dục nước này đã tham khảo mô hình hoạt động giáo dục của top 25 trường đại học tốt nhất ở Anh và Mỹ và áp dụng vào giáo dục Singapore một cách linh hoạt và mềm dẻo. Bên cạnh đó, giáo dục Singapore cũng chú trọng vào việc chủ động điều hành các chương trình giảng giạy, biên soạn tài liệu và tập hợp các trường làm nòng cốt hay làm trường điểm.
Trong giai đoạn đầu, các trường Đại học Singapore thực hiện việc chi trả nhiều tiền ra để thuê những người quản lý giỏi để đảm nhiệm công việc quản lý, tiếp đó là bổ nhiệm những người có đủ năng lực để làm việc và sau đó là chuyển giao toàn bộ công việc cho người kế nhiệm.
Một nền giáo dục mang tầm quốc tế
Singapore ngày nay tự hào là một quốc gia có nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới và là hình mẫu cho nhiều quốc gia khác học tập theo với các trường đại học nổi tiếng như Trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS) được thành lập vào năm 1905, Trường Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) được thành lập vào năm 1981 và Trường Đại học Quản trị Singapore được thành lập năm 2000. Bên cạnh đó, Singapore cũng là nơi nhiều trường đại học quốc tế từ các quốc gia có nền giáo dục phát triển bậc nhất thế giới chọn để đặt trụ sở, ví dụ như Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) với tên Singapore MIT Alliance tại Singapore hay Trường Đại học Stanford (Mỹ) với tên Singapore Stanford Partnership tại Singapore.
Sau 31 năm trong cương vị là Thủ tướng của nước Cộng hòa Singapore cho đến nay, Lý Quang Diệu vẫn là một chính trị gia có tầm ảnh hưởng lớn bậc của đất nước. Trong một bài báo được đăng tải trên trang web của Trung tâm Belfer Center thuộc của Đại học Harvard, Giám đốc dự án toàn cầu về Khoa học và Công nghệ, Giáo sư Calestous Juma đã trích dẫn thông điệp của Lý Quang Diệu về sự thành công của một đất nước Singapore nhỏ bé nhưng giàu mạnh: “Chất lượng nguồn nhân lực chính là yếu tố quan trọng quyết định khả năng cạnh tranh của quốc gia. Đó là sự sáng tạo, mô hình kinh tế, kinh doanh, khả năng làm việc nhóm và nguyên tắc làm việc”.
Ông cũng nhấn mạnh vào sự quan trọng của kiến thức trong việc chuyển nền kinh tế và bác bỏ sự tách bạch trong việc học thuật và thực tiễn. “Những người có tư duy tốt cần phải đào tạo họ thành những nhà phát minh, nhà sáng chế, nhà đầu tư, và doanh nhân giỏi; họ cần phải sáng tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới cho thị trường và làm đời sống của con người trên thế giới trở nên tốt đẹp hơn”, Ông nói.
Thành công trong cải cách giáo dục của Singapore có phần công lao to lớn của người lãnh đạo, cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu.
Nguyễn Mai
tccl.info