[size=6]Hôm qua, người ta đã được thấy những HLV ở Premier League cài biểu tượng của một bông hoa anh túc lên áo. Đó là loài hoa của sự tưởng nhớ quá khứ và ở Old Trafford, có hai người, họ từng là một cặp thầy trò, cũng cùng chung một nỗi niềm như vậy.[/size]
Ngày 11/11 hàng năm ở ở nhiều nước trên thế giới được gọi là “Ngày tưởng niệm” (Remembrance Day). 94 năm về trước (11/11/1918), một nỗi kinh hoàng trong lịch sử nhân loại mang tên Chiến tranh thế giới thứ nhất khép lại nhưng nó cũng đã tước đi sinh mạng của hơn 10 triệu người. Chuyện kể lại rằng sau những trận chiến đẫm máu thời đó, có một loài hoa đã mọc đầy trên những ngôi mộ của các chiến binh tử trận.
Đó là hoa anh túc, một loại có lớp vỏ khá cứng và khó nảy mầm trong điều kiện bình thường nhưng dưới những gót giày của các binh sĩ và chính những giọt máu đã đổ thành sông của họ, thậm chí cả một cánh đồng đầy hoa đã mọc lên (như ở xứ Flander, Bỉ). Bông hoa mà người Anh cài trên ngực vào dịp tháng 11 này chính là hoa anh túc đỏ, một loài hoa mang ý nghĩa của sự tưởng nhớ quá khứ.
Sự khắc nghiệt của cuộc sống: Hai thầy trò cũ nhưng ở Old Trafford đã ở bên hai chiến tuyến với mục tiêu đánh bại nhau
Ở Old Trafford hôm qua, cả Arsene Wenger và Sir Alex Ferguson đều cài hoa anh túc lên trên ngực nhưng chắc chắn, chỉ có “giáo sư” mới là người có nhiều chuyện để nhớ hơn đồng nghiệp của mình. Ông sẽ nhớ rất nhiều đến Robin Van Persie, cậu học trò cũ vừa chia tay Arsenal trong mùa hè và giờ đã ở bên kia chiến tuyến để làm một nhiệm vụ mà anh không thể làm khác: sút tung lưới The Gunners.
Hơn 2500 ngày ở Highbury và Emirates đã chắp cánh cho “người Hà Lan bay” lên đẳng cấp như hôm nay nên khi phải chứng kiến Percy tỏa sáng nhưng là trong màu áo khác và đích ngắm của những cú sút từ chân anh là khung thành Mannone chẳng khác gì một nỗi đau lớn về mặt tinh thần dành cho Wenger cùng những CĐV Arsenal.
Cảm giác đó có thể ví như những mũi kim châm vào trái tim họ khi một người từng là thần tượng, từng là thủ quân hay cậu học trò cưng nhất bây giờ đã phải chống lại Arsenal. Trong sự nghiệp cầm quân nhiều chông gai nhưng cũng lắm vinh quang của mình, Arsene Wenger đã từng trải qua nhiều giây phút khó khăn nhưng câu chuyện ở “nhà hát” hôm qua thì chưa từng.
1 bàn thắng vào lưới Vito Mannone chưa nói lên hết sự xuất sắc trong màn trình diễn của ngôi sao 29 tuổi trong ngày tái ngộ những cố nhân mà chỉ 3 tháng trước thôi, anh vẫn còn sát cánh bên họ. Nếu may mắn hơn, chắc chắn Van Persie còn có thể nâng cao thành tích ghi bàn của mình, dù hiện tại anh cũng đã dẫn đầu danh sách làm bàn tại Premier League rồi.
Càng đáng buồn hơn cho Wenger khi trong ngày Van Persie lung linh như một viên ngọc quí thì tiền đạo mà chiến lược gia 63 tuổi đưa về để thay thế anh là Olivier Giroud lại hoàn toàn mất hút. Chỉ nhìn vào những con số thống kê thôi cũng đủ để thấy được khoảng cách một trời, một vực giữa hai chân sút này: trong khi Van Persie có tỉ lệ chuyền bóng chính xác lên tới 87% thì với Giroud chỉ là 72%.
Van Persie không ăn mừng bàn thắng vào lưới Vito Mannone để thể hiện sự tôn trọng của anh dành cho Arsenal
Percy chiến thắng 50% số pha không chiến còn cầu thủ cao kều kia chỉ có 22% và quan trọng nhất, trong khi ngôi sao của MU có 1 bàn thắng hôm qua cùng 7 bàn thắng khác từ đầu mùa ở Premier League thì Giroud tịt ngòi và tổng cộng mới chỉ ghi 1 bàn. Người mài dũa nên “kiệt tác” mang tên Robin Van Persie đó chính là vị “giáo sư” đáng kính nhưng Chúa ơi, ông đâu thể giữ anh ở lại với Emirates được.
Ngày Van Persie dứt áo ra đi sang Old Trafford, có người đã từng nói rằng lí do ra đi của anh cũng chỉ là vì mức lương khủng 240.000 bảng/tuần mà thôi. Tuy nhiên, báo giới xứ sương mù đã khiến những kẻ “độc miệng” đó nghĩ lại bởi nếu vì tiền, đích đến của cựu cầu thủ Feyenoord phải là Man City chứ không phải MU, nơi các ông chủ giàu sụ đến từ Ả Rập mời gọi anh bằng mức lương 300.000 bảng/tuần.
Van Persie không hề giống như Adebayor, kẻ đã quay lưng lại với Emirates vì mức đãi ngộ hấp dẫn để rồi khi gặp lại và ghi bàn vào lưới Arsenal, anh ta ăn mừng như thể đã trả được một mối thù. Những lời chân sút 29 tuổi tâm sự khi quyết định đến MU là sự thật, rằng anh ra đi theo tiếng gọi trong mình, vì giấc mơ tìm kiếm những danh hiệu mà nếu ở lại Emirates, sẽ rất khó cho Percy được toại nguyện.
Và có vẻ như “đứa bé trong lòng Van Persie” đã cho anh lời khuyên đúng đắn khi “sát thủ” người Hà Lan đang thi đấu thăng hoa trong màu áo đỏ. Tuy nhiên, “đứa bé” đó còn giúp Van Persie giữ lại những tình cảm tốt đẹp với nơi đã dìu dắt và cưu mang anh mà hành động không ăn mừng bàn thắng mở tỉ số là một minh chứng.
Chưa hết, những hành động, cử chỉ trên sân của anh với các đồng đội cũ, hay chuyện tặng áo đấu cho Andre Santos cũng thể hiện sự tôn trọng tuyệt đối mà Percy dành cho họ. Dĩ nhiên, khi đã ra sân thì những sự va chạm như với Sagna, Wilshere hay Mikel Arteta là khó tránh khỏi song đó là chuyện tất yếu trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp.
Nụ cười rạng rỡ của Percy bên cạnh một “giáo sư” Wenger với ngổn ngang nỗi lòng
Hôm qua, các máy quay cũng đã bắt được những hình ảnh rất xúc động về giây phút tái ngộ giữa Van Persie với ông thầy Arsene Wenger. Vẫn là một nụ cười và sự thân thiện, kính trọng của Van Persie với vị HLV mà anh xem như người cha thứ hai. Wenger cũng cười, nhưng nụ cười của ông có nét gì đó gượng gạo, pha lẫn chút dư vị buồn và tiếc nuối.
Trước trận đấu, chính “giáo sư” đã lên tiếng kêu gọi các CĐV Arsenal hãy tôn trọng Van Persie chứ đừng thù ghét hay xúc phạm anh bởi vì trong sâu thẳm của đáy lòng, ông chưa quên được những gì đã trải qua cùng cậu học trò xuất sắc ngày nào và tất nhiên, Van Persie cũng vậy.
Trong cái dịp mà cả nước Anh đeo những bông hoa anh túc lên ngực để tưởng nhớ về quá khứ, có hai người dù có hoa cài trên áo hay không thì họ cũng có lí do để mà nhớ. Nỗi nhớ đó không đến từ một dịp kỉ niệm mà xuất phát từ những tình cảm trong trái tim họ.
Dẫu sao đi nữa, trái tim vẫn luôn có những lí lẽ rất riêng của nó…