Lâu nay, người Việt thường nghĩ Campuchia nghèo và lạc hậu. Hơn chục năm trước, rủ đi du lịch Campuchia, có người còn nói: 'Bộ khùng hả? Campuchia có gì đâu mà đi', hay: 'Nghe nói Angkor chỉ toàn đá'. Nhiều hướng dẫn viên Việt Nam còn tưởng tắm biển Campuchia là tắm ở Biển Hồ…
Đền Bayon (Siem Reap, Campuchia) luôn đông khách du lịch - Ảnh: Đoàn Xuân Hải |
Tư duy này phổ biến từ các cấp lãnh đạo cho đến dân thường. Là người gắn bó xương máu với Campuchia từ những ngày còn họa diệt chủng, đặc biệt khoảng 15 năm nay, tôi không nghĩ như vậy. Dù đi sau nhưng nhiều việc họ đã vượt qua mình từ lâu. Năm 2014, kinh tế Campuchia tăng trưởng dẫn đầu ASEAN. Gạo Campuchia chưa thể cạnh tranh với Việt Nam về số lượng nhưng hơn hẳn về chất lượng, số lượng thị trường, cả những thị trường khó như châu Âu. Gạo Campuchia trước đây đổ về Việt Nam để xuất khẩu thì nay đang xảy ra chuyện ngược lại.
Sau thời gian tăng trưởng ngoạn mục, dẫn đầu ASEAN, Việt Nam đang ngày càng tụt hậu. Năm 2014, tăng trưởng kinh tế Việt Nam xếp sau cả Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines. Chỉ riêng về du lịch, năm 2014, Campuchia có 15 triệu dân; đón 4,5 triệu khách quốc tế; tính theo đầu dân số; tỉ lệ là 3,3/1. Tỉ lệ này ở Việt Nam là 11,6/1 (91 triệu dân và 7,9 triệu khách). Bộ Du lịch Campuchia trực thuộc Thủ tướng, Bộ trưởng hiện nay là Thong Khon, từng là Đô trưởng Phnom Penh. Toàn bộ ngành du lịch Campuchia là kinh tế tư nhân, nhà nước chỉ làm nhiệm vụ quản lý, không ôm đồm và cũng không có nhiều loại hình doanh nghiệp như Việt Nam. Thế mạnh của du lịch Campuchia là văn hóa Angkor, ẩm thực Khmer và cảnh quan chưa bị phá vỡ.
Từ năm 2008, du khách Việt luôn dẫn đầu lượng khách vào Campuchia. Năm 2014, trong tổng số 4,5 triệu khách nước ngoài đến Campuchia, khách Việt chiếm hơn 21%. Xếp sau là Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Hàn Quốc… Cứ 6 tháng một lần, Bộ Du lịch có báo cáo thống kê số lượng khách cụ thể, chi tiết cả thời gian lưu trú và chi tiêu bình quân để hoạch định chiến lược phát triển ngành. Vì khách Việt đông nên tiếng Việt được ưu tiên đào tạo cho hướng dẫn viên. Các khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi và điểm tham quan hầu hết đều có người nói tiếng Việt, có cả chữ Việt để quảng cáo. Vào các sòng bài, các chợ, cứ tưởng ở Việt Nam. Chỉ riêng cửa khẩu Mộc Bài, mỗi ngày có 78 lượt xe liên vận quốc tế, loại 45 chỗ, ngược xuôi Sài Gòn – Phnom Penh; chưa kể xe các công ty lữ hành, xe cơ quan và cá nhân.
Từ năm 1999 đến nay, đồng riel luôn ổn định ở mức trên dưới 4.000 riel/1usd. Giá vé tham quan không thay đổi. Giá các dịch vụ khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, hướng dẫn viên… chỉ có giảm nhưng chất lượng không giảm. Vì giá dịch vụ giảm liên tục, kể cả mùa cao điểm nên giá tour ngày càng rẻ so với Việt Nam. Do Campuchia chưa có lưới điện quốc gia, phải chạy máy phát riêng nên giá điện rất đắt, giá xăng cao hơn 25 - 30% nhưng giá phòng chỉ gần bằng nửa, giá ăn vẫn rẻ hơn so với Việt Nam.
Vào khách sạn, chẳng ai hỏi passport. Đi ăn buffet cũng không phải dán vé lên ngực (vì sợ ăn gian). Các dịch vụ, nhiều nơi không cần đặt cọc, bởi chữ tín là hàng đầu. Khi gặp sự cố thì cùng chia sẻ khó khăn và trách nhiệm với đối tác. An ninh xã hội, quà tặng, quà lưu niệm… của bạn đều “ăn đứt” Việt Nam. Ngay cả giao thông và nhà vệ sinh cũng hơn hẳn; đặc biệt là nhà vệ sinh trong quần thể Angkor. Cả nước chỉ có 2 trạm thu phí giao thông ở quốc lộ 6 và quốc lộ 4. Không thấy những trụ sở cơ quan hoành tráng. Rất hiếm gặp cảnh sát, trừ cảnh sát du lịch tại các điểm tham quan.
Tài nguyên du lịch của Campuchia chưa thể sánh với Việt Nam nhưng toàn hàng độc, chủ yếu là nhân tạo. Cả nhân tạo và tự nhiên đều được bảo tồn và phát triển bền vững. Quần thể Angkor; đền thờ Preah Vihear; dòng sông ngàn Linga, các cố đô Sambor Preikuk; biển Campuchia… tất cả đều hoang sơ, dân dã nhưng khách vẫn nườm nượp.
Campuchia chỉ có mỗi cao nguyên Thansur Bokor là phức hợp nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp nhưng giá rẻ, lúc nào cũng nhộn nhịp khách nước ngoài và khách Việt. Bokor sang trọng, vẫn cho dân và khách lẻ vào tham quan mà không hề thu phí. Đến Siem Reap, du khách nào cũng đòi phải được ăn buffet và xem ca múa cung đình Khmer, giá rẻ như một bữa ăn thường ở Việt Nam. Lẩu băng chuyền ở Phnom Penh cũng vậy, cực rẻ. Còn Smile of Angkor show quá hoành tráng, chi hoa hồng cho hướng dẫn viên rất cao nên khách lúc nào cũng kín chỗ. Chợ đêm Siem Reap, lớn nhất ASEAN, với đủ thứ dịch vụ, luôn tấp nập như festival. Mua sắm ở Campuchia, chỗ quen thường không nói thách, hàng mua rồi có thể trả lại. Chỗ lạ, trả giá vô tư, không sợ bị mắng, nguýt, đốt phong long. Chợ Mới (Phsar Thmey) cuối tuần khách nước ngoài và khách Việt đông hơn… quân Nguyên, hối hả mua đồ như sợ hết, nghĩ mà tủi cho chợ Việt Nam. Campuchia là tour duy nhất mà một số công ty du lịch Việt Nam dám cam kết : An ninh – Ăn ngon – Không đưa khách vào shop – Không hài lòng hoàn lại tiền…
Nhìn lại du lịch Việt Nam mà không khỏi lo âu. Khách Campuchia vào Việt Nam cũng hơn nửa triệu nhưng cả nước chỉ có duy nhất 1 hướng dẫn viên tiếng Khmer được cấp thẻ. Có nơi còn không thống kê số liệu khách Campuchia vào danh mục khách quốc tế, vì xem họ như khách nội địa. Khách Trung Quốc vào Việt Nam gần 2 triệu lượt nhưng hướng dẫn viên tiếng Trung chỉ bằng nửa hướng dẫn viên tiếng Anh… Quản lý thì lỏng lẻo, tệ nạn xã hội còn nhiều, các doanh nghiệp thì “mạnh ai nấy làm” nên kinh tế Việt Nam nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng cứ mãi lẹt đẹt như “chim cánh cụt”.
Dù chưa thể bì với top đầu như Malaysia, Thái Lan, Singapore nhưng chỉ cần so sánh với nhóm dưới như Campuchia, Lào, Myanmar đã thấy mình tụt hậu quá nhiều. Nếu không thay đổi, coi chừng mấy năm nữa, du lịch Việt Nam chỉ còn hơn Brunei và Đông Timor.