Bóng đá 2013-04-29 13:11:23

Những thăng trầm của đội hình 3 hậu vệ


[justify]Được chính thức khai sinh và tích cực rèn luyện từ trước đó 2 năm, nhưng đội hình 3-5-2 của HLV Carlos Bilardo người Argentina, sau chiến thắng vang dội ở World Cup Mexico 1986, mới được toàn thể thế giới biết đến và học tập làm theo. 
[/justify]
[justify]1. Đội hình 3-5-2 ra đời là hệ quả tất yếu của luật việt vị

Với luật việt vị cải tiến, cầu thủ tấn công không được phép đứng dưới cầu thủ thấp nhất của đối phương (trừ thủ môn), các hàng hậu vệ luôn có khuynh hướng dồn lên cao, để đẩy lui các nhân tố đe dọa xa khỏi khung thành. Một hệ quả nhức đầu là lực lượng hai bên đều co cụm hết về khu vực giữa sân chật chội, khiến vai trò của các tiền vệ, đặc biệt là các tiền vệ biên càng lúc càng trở nên quan trọng hơn: Ai khống chế được khu vực trung tâm sẽ là kẻ chiến thắng.
Đội hình 3 trung vệ của Bilardo, Argentina 1986
Một hậu vệ trong đội hình 4-4-2 được tinh giản để tăng cường cho hàng tiền vệ: 3-5-2 ra đời. Trong đó vai trò của 2 tiền vệ biên là rất linh hoạt và cơ động. Khi lùi xuống, họ là 2 hậu vệ biên, bảo đảm hàng thủ luôn đông đúc về mặt quân số. Khi cần tranh chấp ở khu vực giữa sân, họ là những tiền vệ biên thực thụ. Và khi cần tấn công áp đảo, họ trở thành những tiền đạo biên ảo. Những tiền đạo biên cổ điển chính thức bị loại trừ ra khỏi đội hình.

Mấu chốt của đội hình 3-5-2 ấy là khái niệm sử dụng 3 trung vệ, thay vì 2 như trước đó. Trung lộ được đan ken dày đặc hơn sẽ khó bị đánh trực diện hơn. Đương nhiên, 3 trung vệ hẳn là phải dễ kiểm soát chặt 2 tiền đạo của đối phương hơn.

2. Đội hình 3-5-2 cổ điển ấy chỉ thọ được 10 năm

Với sự cơ động lên xuống theo trục dọc của các cầu thủ trấn biên, đội hình 3-5-2 cổ điển ấy đã thành công vang dội với Argentina giành World Cup 1986. Tiếp theo đó là Đức (1990), Brasil (1994) và lại Đức (ở Euro 1996), thành công đến mức có lúc đã có ý tưởng đưa ra đội hình 3-6-1 gia cố hàng tiền vệ vững chắc hơn nữa. Nhưng rồi sau đó 3-5-2 nhanh chóng đi vào thoái trào.

Nguyên nhân của sự thoái trào này nằm ở chỗ đội hình 3-5-2 với 3 trung vệ đã trở nên hết sức mỏng manh, mỗi khi đối thủ mở bóng xuống biên, đặc biệt là những khi phản công bất ngờ ở tốc độ cao. Các tiền vệ biên ham lên cao không kịp lui về, khiến 2 hành lang 2 bên trở nên vô cùng trống trải, mặc sức cho các cầu thủ đối phương bứt tốc, công phá khung thành từ 2 góc.

Từ sau năm 1996, các đội hình chiến thuật lại trở về với cơ cấu 4 hậu vệ như cũ. 3-5-2 cổ điển bị khai tử một cách lặng lẽ, không kèn không trống. Để giải đáp cho bài toán cần tăng cường hàng tiền vệ, thay vì đôn một hậu vệ lên, người ta đã tìm ra cách giảm bớt đi 1 tiền đạo: Đội hình 4-5-1 với các biến tướng 4-3-2-1 hình cây thông của Ancelotti (AC Milan), 4-2-3-1 của Rafa Benitez (Valencia, Liverpool), Jose Mourinho (Chelsea, Inter Milan). Thậm chí có cả đội hình 4-2-1-2-1 như của Del Bosque (đội tuyển TBN) với Xavi là trung tâm của quân xúc xắc điểm ngũ.

3. Sự trở lại của đội hình 3 hậu vệ cận đại

Khi Pep Guardiola nắm quyền HLV trưởng Barcelona, giúp đội bóng này trong 4 năm liên tiếp giành được tổng cộng 14 danh hiệu, đội hình ra sân của ông luôn được mô tả và trình bày là dạng thức 4-3-3. Nhưng đó chỉ là một đội hình biểu kiến, hoặc giả hiệu, hoặc chỉ tồn tại trên  lý thuyết. Thực tế cho thấy Guardiola và binh đoàn Barcelona của ông luôn chiến đấu và chiến thắng với đội hình thật gồm 3 hậu vệ.

3 hậu vệ của Guardiola đều là 3 trung vệ, hoặc bao gồm những tiền vệ phòng ngự thứ thiệt (như Mascherano, Busquetz), hay những hậu vệ biên (như Abidal, Adriano) không những biết chơi vai trò trung vệ, mà còn biết chơi cả vai trò của các hậu vệ cánh. Lúc thường, 3 trung vệ này (chẳng hạn Puyol-Pique-Abidal) dàn ra như cánh cung ngay trung lộ thủ chắc chính diện. Tùy theo hướng lên bóng của đối phương ở bên trái hay bên phải mà cánh cung này xoay theo về hướng đó. Lúc đó một trung vệ sẽ ra biên thành hậu vệ biên, 2 người còn lại xoay vào trung lộ.

Hàng phòng thủ của Barcelona nhiều năm trời được tiếng là vững chắc, chính nhờ cấu trúc 3 trung vệ xoay qua xoay lại đó. Điều này hạn chế được tình trạng các cầu thủ chơi biên (như Alves) lên quá cao, không về kịp. Thực tế Alves dù mang danh nghĩa là hậu vệ biên, nhưng anh này luôn chơi vai trò tiền vệ biên trong đội hình 3-4-3 hoặc tiền đạo biên trong đội hình bạo công hơn nữa, là đội hình 3-3-4.

4. Vỏ quýt dày, móng tay nhọn

Ngay ở lúc cao trào chiến thắng của Guardiola và Barcelona, đã có những con mắt chiến lược tinh tường (cụ thể như Mourinho, như Di Matteo), nhìn ra điểm yếu của đội hình 3 hậu vệ xoay qua xoay lại này, và lập tức tìm ra cách khoan thủng.
Đội hình 3 trung vệ của Barcelona (trong trận gặp Mallorca)
Đơn giản chỉ cần 3 chống 3, thậm chí 2 chống 3 cũng đủ để thành công. Và giải pháp triệt để nhất là khởi đầu bằng một cú đòn nghi binh: Mở ra một đường bóng xuống biên (thí dụ là cho Ronaldo bên cánh trái), dụ cho tấm khiên của Barcelona xoay theo, để hổng phía biên bên kia. Một đường phất bóng chéo của Ronaldo từ biên này sang biên kia (cho Maria chẳng hạn), Nhận bóng ngay chỗ hổng mới tạo ra đó, không có người kèm, Maria hoặc trực tiếp ghi bàn, hoặc mồi bóng cho nhân tố thứ ba đang băng lên ở chính diện (Oezil, Benzema chẳng hạn). Không khó để anh này ghi được bàn thắng. Đòn đánh này giới cờ tướng giang hồ gọi tên là cú đòn “QUÂY BÊN NA”, nghĩa là … QUA BÊN NÂY! Đang từ cánh nọ chuyển hướng cấp kỳ sang cánh bên kia, làm đối phương hụt hẫng không thể chống đỡ.

Càng về sau này, đặc biệt là sau khi Guardiola đã ra đi, Barcelona càng nhiều lần thua thảm vì những đòn đánh đó. Jordi Alba là hậu vệ biên thuần túy, giỏi công hơn thủ, y hệt như Alves, chứ không hề giỏi chơi trung vệ, hơn nữa chiều cao của anh này không tốt. Do đó, dưới thời Tito Vilanova, tấm khiên 3 trung vệ có Alba xem như tự thân nó đã rạn nứt, chưa tính đến trường hợp Mascherano và Puyol liên tục chấn thương.

Trường hợp Juventus ở bên nước Ý, HLV Conte đã cho chơi đội hình 3-5-2, giành được chức vô địch, khiến nhiều đội bóng (như Napoli, Palermo) cũng cải cách theo phương pháp này. Thậm chí ngay đội tuyển Ý của Prandelli cũng chơi 3-5-2 và thảm bại 0-4 trong trận chung kết Euro vừa qua. 3-5-2 của Ý chỉ là 3-5-2 cổ điển mà thôi, khác hẳn đội hình 3 hậu vệ của Barcelona vậy.

5. Liệu sẽ có đội hình 3 hậu vệ hiện đại ở Đức?

Guardiola ra đi, nghỉ ngơi một năm trên đất Mỹ, ngay khi chính ông phát hiện ra cách chơi 3 hậu vệ của mình bị …”bể mánh”. Tiếng là nghỉ ngơi, không có hoạt động gì liên quan đến bóng đá, nhưng thật ra liệu ông có chịu thực sự nghỉ ngơi?

Có lẽ ông “diện bích tham thiền”, “khổ luyện nội công”, quyết tâm tìm ra bí kíp mới cho đội hình 3 hậu vệ thì có lẽ đúng hơn. Người như ông, nếu đã vắt óc suy nghĩ, hẳn là không sớm thì muộn, cũng sẽ tìm ra giải pháp chống lại cú đòn “Quây bên na” nói trên. Vài tháng nữa, khi ông tái xuất ở Bayern Munich, bí kíp mới ấy hẳn là sẽ được áp dụng vậy.
 
[/justify]
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)