Báo cáo Minh bạchmới được đưa ra hôm 25/4 của Google nói chính phủ Việt Nam đã từng yêu cầu gỡ bỏ từ khóa liên quan đến tài liệu diễn tả 'không tốt' về các cựu lãnh đạo nước này.
Yêu cầu này được Google ghi rõ là đưa ra trong khoảng thời gian từ tháng 7 tới 12 năm 2010.
"Chúng tôi đã nhận được yêu cầu của chính phủ Việt Nam đề nghị gỡ bỏ các kết quả tìm kiếm một từ cụ thể mà khi gõ vào có thể mở ra nhiều tài liệu bị cáo buộc là đã miêu tả không tốt các cựu lãnh đạo của Việt Nam," trích phần chú thích bản báo cáo.
"Chúng tôi đã bác bỏ đề nghị này." Google cho biết.
Tăng cường kiểm soát
Cũng theo báo cáo của Google, chính phủ các nước đang có xu hướng tăng cường kiểm soát những gì được tung lên mạng.
Không chỉ có Việt Nam mà một số chính phủ các nước khác cũng đã từng gửi yêu cầu gỡ bỏ tài liệu tới Google.
"Từ tháng Bảy tới tháng 12 năm 2012, chúng tôi đã nhận được tổng cộng 2.285 yêu cầu gỡ bỏ 24.179 nội dung, cao hơn 1811 yêu cầu so với mức 18.070 của nửa đầu năm 2012," Susan Infantino, giám đốc mảngpháp lý của Google nói trên trang blog chính thức của công ty.
Lượng yêu cầu gỡ bỏ nội dung trên mạng từ Brazil đã tăng đáng kể, theo Google, từ 191 lên đến 697, tức khoảng 3,5 yêu cầu một ngày.
Hết một nửa những yêu cầu này là đề nghị gỡ bỏ các nội dung blog phỉ báng những ứng viên trong đợt bầu cử cấp thành phố. Những lời đả kích ứng viên tranh cử bị cấm bởi Luật Bầu cử của Brazil.
Chính phủ Mỹ đã từng bị Google bác yêu cầu gỡ bỏ các video liên quan đến sự bạo hành của cảnh sát trong thời gian tháng 1 tới tháng 6 năm 2011.
Một ủy ban về đất đai của Trung Quốc trong năm 2012 đã yêu cầu gỡ các kết quả tìm kiếm dẫn đến một trang blog có nội dung phỉ báng một quan chức chính phủ. Yêu cầu này cũng bị bác bỏ.
Yêu cầu từ phía Nga cũng tăng từ 6 lên đến 114. 107 trong số này đòi xóa các tài liệu vi phạm điều luật mới thông qua nhằm vệ trẻ em khỏi "nội dung độc hại trên Internet."
20 nước đã gửi yêu cầu tới Google đòi xóa những phiên bản của video "Innocence of Muslims", nguyên nhân làm nổ ra bạo lực hồi đầu năm nay ở khu vực Trung Đông.
"Những thông tin chúng tôi chia sẻ trong Báo cáo Minh bạch chỉ là một phần nhỏ của những gì diễn ra trên Internet," Infantino viết.
"Tuy nhiên chúng tôi đang công bố thêm thông tin và sẽ mở rộng dần. Chúng tôi hy vọng điều này sẽ hướng sự chú ý vào những luật pháp trên thế giới tìm cách kiểm soát tự do thông tin trên mạng," bà Susan Infatino cho biết.
Việt Nam vẫn là một trong những nước bị cáo buộc đàn áp tự do ngôn luận trên Internet