Thời gian gần đây, hình ảnh các lễ hội truyền thống ngày một trở nên nhếch nhác và gây ra nhiều bức xúc trong dư luận.
Lối vào đền chùa, lễ hội tràn ngập các dịch vụ đổi tiền lẻ, quầy hàng bày bán, tranh giành, lôi kéo khách,… Các điểm đền chùa, ngập ngụa khói hương, vàng mã, người sì sụp khấn vái cầu may, ném đầy tiền lẻ lên bàn thờ thần, Phật. Họ đang biến thế giới tâm linh trở nên phàm tục và dường như tư duy mua bán, hối lộ cũng được áp dụng ngay cả ở những chốn linh thiêng.
Chẳng dừng lại ở đó, những người tham gia còn chen lấn, xô đẩy, tranh giành và thậm chí giẫm đạp lên nhau. Nào là cướp lộc tre ở Hội Gióng (Sóc Sơn), tranh ấn đền Trần (Nam Định), nào là cướp Phết ở Vĩnh Phúc, rồi lễ hội nào cũng chen chúc xô đẩy nhau như Hội Lim (Bắc Ninh), Lễ hội Đền bà chúa Kho (Bắc Ninh), bán rủi cầu may trong phiên chợ Viềng (Nam Định)…
Tất cả những hiện tượng này phản ánh một thực tế: người ta đổ xô đi đền, chùa, lễ hội để cầu may cho bản thân chứ không hiểu gì về giá trị văn hóa, ý nghĩa thực sự của lễ hội đó.
Một hiện tượng đáng buồn khác đó là sự lãng phí, tốn kém, chạy theo hình thức trong việc lập kỉ lục. Nào là cặp bánh chưng to nhất, nào là tô hủ tiếu và đòn bánh phồng tôm lớn nhất tại Sa Đéc, rồi huy động người để lập Kỷ lục quốc gia "Nhiều người mặc trang phục quan họ và cùng hát dân ca quan họ Bắc Ninh”, ly cà phê lớn nhất, bánh xèo to nhất…
Trong Về vấn đề tìm đặc sắc văn hóa dân tộc, Trần Đình Hượu đã chỉ rõ: Với người Việt “Cái đẹp vừa ý là xinh, là khéo. Ta không háo hức cái tráng lệ, huy hoàng, không say mê cái huyền ảo, kì vĩ. Màu sắc chuộng cái dịu dàng, thanh nhã, ghét sặc sỡ. Quy mô chuộng sự vừa khéo, vừa xinh, phải khoảng giao tiếp, ứng xử chuộng hợp tình hợp lí. Áo quần, trang sức, món ăn đều không chuộng sự cầu kì. Tất cả đều hướng vào cái đẹp dịu dàng, thanh lịch, duyên dáng và có quy mô vừa phải”
Như vậy việc đua nhau xác lập kỷ lục hay xây dựng tượng đài kì vĩ có đúng với tư duy văn hóa Việt không? Nếu như hiểu bản sắc nằm ở việc lựa chọn kiểu giá trị sống thì bản sắc của dân tộc Việt phải là kiểu lựa chọn những cái đẹp thanh, nhã, vừa vặn như Trần Đình Hượu đã chỉ ra. Điều đó có nghĩa lập kỷ lục trên chỉ gây tốn kém, lãng phí và không có giá trị văn hóa nào. Thậm chí nó còn làm biến tượng, méo mó văn hóa dân tộc.
…Việc tu sửa cẩu thả, làm biến dạng và mất đi các giá trị lịch sử, văn hóa của các công trình đang trở thành vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong dư luận. Các vụ việc như tu sửa sai chùa Trăm Gian, xây dựng khu di tích Đền Hùng và gần đây là việc sai phạm trong tôn tạo chùa Một mái và Am Dược tại Yên Tử làm biến dạng di tích, mất mỹ quan và giá trị lịch sử các kiến trúc.
Ngoài các công trình lớn này, nhiều chùa, đền khác cũng bị tu sửa sai quy cách như đền Và, đền Đô, chùa Bổ Đà, đình Thổ Hà (Bắc Giang)..v..v. Vấn đề đáng nói đây không phải là việc làm sai có thể sửa mà một khi đã “lỡ sai” là sẽ hủy hoại giá trị văn hóa, lịch sử; chưa kể đến việc “sai ở đâu sửa ở đấy” gây ra tốn kém lãng phí vô cùng.
Có thể nói đời sống văn hóa tâm linh nước ta đang bị biến tướng đáng lo ngại….Người ta đến chùa, đền, lễ hội không phải với tấm lòng thanh tịnh, hướng về thần Phật, tổ tiên hay trời đất nữa mà chỉ mong bằng mọi cách xin được những điều tốt lành cho bản thân mình.
Một thực tế kì lạ đến trớ trêu là cuộc sống, kinh tế càng phát triển thì dânViệt càng có xu hướng mê tín, đổ xô vào việc tạ lễ đền chùa, cầu khấn, tìm mua các đồ vật phong thủy một cách thiếu hiểu biết.
Có lẽ nào cứu cánh cuối cùng cho niềm tin trong xã hội Việt giờ đây chỉ có ở những thứ siêu nhiên, không thực?