[justify]Đặt sớm giá rẻ[/justify]
[justify]Mặc dù tháng rưỡi mới đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ nhưng nhiều người dân thành thị đã rục rịch đặt hàng chuẩn bị cho gia đình ăn Tết.[/justify]
[justify]Vừa gọi điện nhắc lại chủ hàng về số lượng giò chả đã đặt phải qua ngày Tết ông Công ông Táo mới lấy, chị Lê Ngọc Minh ở Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy, Hà Nội) nói rằng số giò chả đó chị đặt cách đây hơn một tháng để chuẩn bị cho gia đình nội ngoại ăn Tết.[/justify]
[justify]Chị Minh kể, mặt hàng này đến sát Tết giá thường tăng mạnh. Một cân giò có thể tăng giá từ 30.000-40.000 đồng so với ngày thường. “Tôi đặt hàng trước, tiền cũng thanh toán cho chủ hàng luôn còn hàng đến sát Tết mới lấy”, chị Minh nói.[/justify]
Những mặt hàng dùng trong dịp Tết Nguyên đán được người dân đặt mua
từ rất sớm để có giá rẻ
[justify]Gia đình chị Đặng Thị Vân (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) cũng lên kế hoạch và đặt hàng Tết từ rất sớm. Chị Vân cho hay, kinh tế khó khăn, lương thưởng ngày càng teo tóp khiến mọi người cũng phải “thắt lưng buộc bụng”, giảm khoản này bớt khoản kia để có thể cân bằng chi tiêu. Tuy nhiên, cả năm mới có một cái Tết nên không thể cắt giảm hết như ngày thường.[/justify]
[justify]“Ngồi làm kế hoạch đặt quà Tết cho cán bộ nhân viên trong công ty, nếu đặt và thanh toán trước thì giá thành hàng hóa ở thời điểm đặt rẻ hơn được với thời điểm cận Tết rất nhiều”, chị Vân chia sẻ.[/justify]
[justify]Giờ chị đã đặt xong nhiều loại hàng, từ giò chả, bánh chưng cho đến bia rượu, bánh kẹo…[/justify]
[justify]Ngoài ra, chị Vân cho biết: “Đầu tháng 11 âm vừa rồi, tôi có nhờ người quen ở quê đặt cho tôi 5 con gà ta. Tôi chấp nhận trả cao hơn 2 giá ngoài thị trường, tiền thanh toán đầy đủ lúc đặt để giữ gà đến lúc Tết. Từ lúc đặt gà đến khi lấy, gà sẽ được cân lại một lần nữa, tăng bao nhiêu thì tôi trả thêm bấy nhiêu. Đảm bảo không ai thiệt”.[/justify]
[justify]Trao đổi với PV, bà Hoài, chủ một cửa hàng giò chả trên phố Đại Từ (Hoàng Mai, HN), cho biết đặt hàng có hai loại: Một loại đặt và thanh toán ngay thì giá cả được tính vào thời điểm đặt, lấy hàng bao giờ tùy ở người mua. Còn loại đặt hàng và trả tiền sau thì giá sẽ được tính vào thời điểm nhận hàng chứ không được tính vào thời điểm đặt.[/justify]
[justify]“Năm nay, người dân đặt hàng rất sớm. Có người đặt giò chả ăn Tết trước cả vài tháng rồi thanh toán luôn để lấy giá rẻ”, bà Hoài cho hay.[/justify]
[justify]Cả ngõ phố chung tiền mua đào quất[/justify]
[justify]Ngoài chiêu đặt hàng sớm thì chiêu góp chung tiền mua hàng tận gốc lấy giá buôn cũng được người dân áp dụng một cách triệt để.[/justify]
Thậm chí, để sắm Tết tiết kiệm họ còn chung tiền ra tận vườn đào, vườn quất
đặt mua với giá gốc.
[justify]Chị Hà Linh - kế toán một công ty trên đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội) than thở, chị ở với bố mẹ chồng nên Tết đến không thể mua sắm quá tiết kiệm. Tuy nhiên, sắm đủ những mặt hàng cần thiết phục vụ Tết với chị là cả một vấn đề do năm nay thu nhập kém đi.[/justify]
[justify]Nhiều chị em trong công ty cũng trong hoàn cảnh tương tự chị Linh nên mấy chị em nảy ra ý tưởng chung nhau tiền, lên kế hoạch cần mua những thứ gì rồi đến thẳng đại lý sắm hàng Tết cho rẻ.[/justify]
[justify]“Ở đại lý, hàng bán với giá rẻ hơn vì bán theo giá sỉ (bán buôn). Tuy nhiên, mình phải mua nhiều thì mới có giá đó”, chị cho hay.[/justify]
[justify]Vậy là cuộc vận động chị em trong công ty chung tiên đi mua hàng Tết bắt đầu. Liệt kê xong loại hàng, số lượng cần mua, đến cuối tuần, mấy chị em tranh thủ chạy ra các đại lý.[/justify]
[justify]“Tuần trước chúng tôi mua bia, nước ngọt, mỗi thùng rẻ hơn mua lẻ vài chục nghìn đồng. Tính ra mua hơn 20 thùng cũng rẻ được hơn gần triệu bạc chứ không ít. Lần lượt rồi đến miến, mộc nhĩ hay nước mắm, bột nêm… ”, chị Linh chia sẻ.[/justify]
[justify]Anh Nguyễn Văn Cường ở đường Láng (Đống Đa, Hà Nội) cũng cho biết, ngoài những mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết có thể góp tiền mua chung trên cơ quan, ngõ phố nhà anh còn tổ chức chung tiền về tận vườn đào, vườn quất ở ngoại thành để đặt hàng mua với giá gốc.[/justify]
[justify]Theo anh Cường, để không ảnh hưởng đến “túi tiền tiêu Tết” đồng thời vẫn có đào quất đầy đủ như những năm trước, trong lần họp tổ dân phố vừa rồi, anh Cường đã bàn với mọi người việc chung tiền cùng nhau ra mấy vườn đào, vườn quất ở ngoại thành đặt mua với giá gốc. Nhà anh có sẵn xe tải sẽ chở về cho mọi người.[/justify]
[justify]Anh Cường cho hay: “Đầu tháng 11, mấy anh em đại diện đi đặt hơn 70 cây quất vào gần 50 cây đào. Giá mỗi cây tại vườn trung bình chỉ khoảng 350.000-500.000 đồng/cây đào, quất loại đẹp. So với giá mua ở ngoài phố những ngày cận Tết thì cũng rẻ được ối, mà lại đẹp nữa”.[/justify]
[justify]Trước Tết nửa tháng, đào quất sẽ được vận chuyển về nhà.[/justify]