Những ngày qua, bọ đậu đen tấn công vào 2 làng Kép Ram và Plei Chor thuộc xã Hòa Bình khiến hàng trăm hộ dân khốn đốn. Chúng ào ào bay vào nhà, tạo thành một luồng đen kịt. Mỗi sáng ngủ dậy, trên sàn nhà, vách tường bọ đậu đen bu thành từng lớp đen kịt. “Gặp lúc trời mưa, bọ đen từ dưới đất bay lên sàn nhà giống như những tia nước phun lên” - chị Y Mơn (25 tuổi, ngụ tại làng Plei Chor) cho biết.
Bọ đậu đen bò đầy vào nhà.
Trời mát, bọ đậu đen bám đậu khắp tường, trần nhà. Trời nắng nóng, chúng hạ xuống sàn nhà, giường tủ, chăn nệm như… nhảy dù, cuộn thành từng cục đen bò lúc nhúc và phát ra tiếng kêu giống như tằm đang ăn lá dâu.
“Hôm qua, mình trải bạt nhựa xuống sàn nhà, quét hốt được hai bao tải lớn bọ rồi bảo con dâu nấu thật nhiều nước sôi đổ lên, chờ cho chúng chết rồi đem đi vứt”, già làng A Gip ở làng Plei Chor nói.
Bọ đậu đen là loại bọ cánh cứng, bay ra từ những rừng cao su và sinh sản ở các lớp lá cây mục ẩm ướt, chúng thường bay vào nhà dân vào ban đêm, đặc biệt ở các nhà sàn lợp mái ngói, vách gỗ, hoặc lồ ô. Chúng sinh sản và hoạt động mạnh khi trời chuẩn bị mưa, lúc khí hậu nóng ẩm.
Theo trung tâm y tế TP.Kon Tum, bọ đầu đen không gây, truyền bệnh trực tiếp hay gián tiếp cho con người, nhưng với mật độ, số lượng lớn đeo bám trong nhà, chúng phát sinh mùi hôi khó chịu, có thể gây dị ứng ở những vùng nhạy cảm và đặc biệt gây ra nhiều phiền toái, khó khăn trong sinh hoạt. Trước sự “khó ăn, khó ở” của người dân, trung tâm đã hướng dẫn người dân dọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh nhà, tổ chức tẩm màn (mùng) bằng hóa chất…
Còn theo ông Lưu Dung, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bình, người dân đã dùng mọi biện pháp diệt trừ nhưng vẫn không diệt hết loại bọ này. Cứ vài ngày chúng lại xuất hiện trở lại.
“Dùng biện pháp phun thuốc, tẩm hóa chất vào màn thì chúng có chết, nhưng thuốc này hiếm lắm. Vì vậy người dân chủ yếu gom chúng lại đốt, hoặc nấu nước sôi dội vào chúng nhưng cách này thì làm không xuể”, ông Dung cho hay.
Theo Thanh Niên