Không tính tiền vận chuyển, công đào một gốc cây xà cừ đường kính 120 cm là 10 triệu đồng, công cưa chặt là 25 triệu đồng.
Theo đơn giá thanh toán sản phẩm dịch vụ công ích đô thị năm 2015 cho lĩnh vực duy trì công viên cây xanh, được áp dụng từ ngày 1/1, các chi phí cho việc cắt tỉa cây, giải tỏa cây đổ, chặt hạ, đào gốc cây xà cừ có đường kính trên 120 cm đều ở mức trên 10 triệu đồng.
Cụ thể, để chặt hạ một cây xà cừ có đường kính trên 120 cm, ngân sách thành phố sẽ chi 25 triệu đồng tiền chặt, 10 triệu đồng tiền đào gốc. Cũng với đường kính như trên, nếu chỉ cắt tỉa không sử dụng xe nâng thì chi phí là 13,3 triệu và trường hợp giải toả cây gãy đổ là trên 10 triệu đồng.
hacay-2427-1427083860.jpg
Theo đơn giá của Hà Nội, việc đào gốc xà cừ có đường kính 120 cm được tính phí 10 triệu đồng. Ảnh: Quý Đoàn.
Tại cuộc họp cuối tháng 1 của Sở Xây dựng Hà Nội về việc chặt hạ cây xanh trên tuyến đường Nguyễn Trãi - Trần Phú để phục vụ thi công đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, đại diện Sở Xây dựng, Công ty TNHH MTV công viên cây xanh khẳng định quy trình chặt hạ, đo đếm củi gỗ, đấu giá rất chặt chẽ và không có thất thoát.
Khi được hỏi về quy trình, giá một mét khối củi gỗ, ông Trần Trọng Hiếu, Trưởng phòng quản lý Hạ tầng, môi trường và công trình ngầm (Sở Xây dựng) cho hay việc thu hồi củi gỗ cây bóng mát sau khi chặt hạ được liên ngành kiểm tra, sau đó trừ vào quyết toán. “Quy định của nhà nước là chặt chẽ, chắc chắn không có thất thoát”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Phó tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội Nguyễn Xuân Hưng cho biết, về nguyên tắc cây xà cừ cao bao nhiêu, đường kính thế nào thì sẽ tương ứng bao nhiêu mét khối gỗ. Công ty có 3 bộ phận liên quan phối hợp đo đếm tại hiện trường về số lượng, dài rộng đường kính, đoạn nào sâu, không sâu… sau đó mới đưa ra thống nhất.
Ông Phó tổng giám đốc công ty cây xanh cho hay, củi gỗ thu hồi công ty không được tổ chức đấu thầu. Giá trị một mét khối gỗ tùy theo từng thời điểm trung tâm thẩm định giá Sở Tài chính đưa ra. “Sau một quý, thường là 3 tháng. Công ty báo cáo Sở Tài chính, Sở giới thiệu một công ty đấu thầu, công ty này đứng ra tổ chức thông báo các tổ chức, cá nhân muốn mua củi gỗ đến đấu thầu. Tiền đấu thầu thu được sau đó nộp vào ngân sách”, ông Hưng nói về quá trình bán củi gỗ sau khi bị chặt hạ.
Thống kê của Sở Xây dựng, cây xanh Hà Nội được trồng trên 500 tuyến phố với hơn 100 loài trong đó 25 loài có số lượng lớn như xà cừ (5.000 cây), muồng (5.500), bằng lăng (5.500), sấu (2.200)… Theo Sở Xây dựng Hà Nội, từ đầu năm đến nay, đã có 500 cây các loại bị chặt hạ.