Thế giới này nhỏ bé lắm, chỉ cần xoay người một cái là bạn không ngờ rằng mình sẽ gặp được ai. Nhưng thế giới này cũng lớn lắm, chỉ cần quay lưng bước đi có thể sẽ chẳng bao giờ gặp lại… Đừng tự an ủi mình rằng theo thời gian tất cả sẽ ổn bởi thời gian có thể là liều thuốc chữa lành hết nỗi đau nhưng ai dám chắc là nó không để lại sẹo. Thật đáng sợ khi vết sẹo cứ nhức nhối mỗi khi dòng suy nghĩ hối hả chạy ngược dòng ký ức.
[justify]Người ta cố tránh để phải gặp từ “hối hận” và tiếc nuối bằng từ “giá như”, còn tôi sợ từ “đã từng”. Ừ! Có lẽ vậy. Dường như mỗi khi nói từ “đã từng” ta thường xen vào đâu đó một chút nối tiếc, xót xa. Nó làm tôi liên tưởng nhiều hơn tới quá khứ, nơi những dòng ký ức đọng lại trong tiềm thức mà giờ đây chỉ còn là hoài niệm.[/justify]
Chỉ còn là ký ức
[justify]Ngày 26/6/2007, khi đội trưởng, niềm tự hào của Arsenal khi đó Thierry Henry rời đội bóng sau hơn 8 năm gắn bó (1999-2007) để chuyển đến CLB Barcelona theo một bản hợp đồng trị giá 24 triệu euro với lý do anh muốn chinh phục thử thách mới và tìm những thứ còn thiếu trong sự nghiệp vốn đã rất vẻ vang của mình, điều duy nhất mà Arsenal khó có thể cho anh được. Đó là chiếc cúp Champions League. Chiếc cúp mà chỉ 1 năm trước đó The Gunners đã thất bại trước chính Barcelona trong trận chung kết và đành ngậm ngùi nhìn đối thủ của mình đăng quang ngay tại Stade de France. Các CĐV đã rất sốc và tiếc nuối với quyết định của BLĐ đội bóng nhưng cũng không thể thay đổi được gì: Henry, một trong những cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử Arsenal giờ đã là người của Barca.[/justify]
[justify]Sự ra đi của Thierry Henry cũng đánh dấu một cuộc chuyển giao thế hệ khi những Ljungberg, Ashley Cole, Dennis Bergkamp, Jens Lehmann, Gilberto Silva… cũng đã và đang trên đường rời CLB. Họ đều là những nhân tố quan trọng trong Dream Team 2003-2004 với kỳ tích làm nên chuỗi 49 trận bất bại, thành tích vô tiền khoáng hậu mà chưa một đội bóng nào ở NHA làm được. Một lần nữa, các CĐV lo lắng cho tương lai đội bóng. Nhiều chuyên gia bóng đá nhận định đây sẽ là dấu mốc cho sự đi xuống của Arsenal.[/justify]
Một khởi đầu mới
[justify]Trái với dự cảm của các CĐV, HLV Arsene Wenger có vẻ bình thản trước quyết định ấy và dường như ông đã có những dự tính từ trước đó. Trong suy nghĩ của ông, việc để các cầu thủ trụ cột ra đi có thể sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho CLB, nơi các cầu thủ tài năng đã dần trưởng thành hơn như Cesc Fabregas, Van Persie, Adebayor, Clichy… hay những luồng gió mới như Diaby, Denilson, Alex Song, Calos Vela, Bendtner, Theo Walcott… đang khát khao thể hiện “cái tôi” của mình ở tuổi 20.[/justify]
[justify]Tuổi 20 người ta yêu bằng tất cả những rung động trong veo của con tim. Trong bóng đá cũng vậy, mỗi khi được ra sân, các cầu thủ Arsenal luôn thi đấu với lòng nhiệt huyết và tinh thần của tuổi trẻ. Cùng với triết lý của HLV, một thứ bóng đá đẹp đã ra đời ở Arsenal mang hơi hướng Tiqui-taca, lối đá tưởng chừng chỉ tồn tại và trở thành một nét đẹp riêng của Barcelona. Tiqui-taca là sự kết hợp giữa chuyền và chạy. Đa phần đó là những đường chuyền ở cự ly trung bình và ngắn và tần số di chuyển không bóng của cầu thủ ở mức cao. Hai yếu tố này đan xen với nhau, làm cho đội chơi Tiqui-taca luôn kiểm soát được bóng và có cơ hội xuyên phá hàng phòng ngự đối phương. Bóng được chuyền sệt, và liên tục từ người này sang người khác. Các cầu thủ không có bóng phải linh động di chuyển để đón bóng. Nhưng vì chỉ tăng tốc và di chuyển trong phạm vi ngắn nên sẽ mất sức không nhiều; ngược lại, đối phương nếu không thích nghi sẽ bị mất sức do đeo bám và dễ bị rối loạn đội hình. Đó là tất cả những gì mỗi người cần biết về Tiqui-taca, lối chơi bóng quyến rũ nhất hành tinh.[/justify]
[justify]Và có lẽ chưa bao giờ Arsenal lại trình diễn một lối đá tấn công quyến rũ như thế. Thời gian kiểm soát bóng của The Gunners luôn vượt trội hơn đối thủ của họ. Trái bóng được xử lý lắt léo, được chuyền, ban bật bằng sự hiểu ý giữa các cầu thủ. Trọng trách ghi bàn không còn được đặt nặng lên bất cứ một cá nhân nào như thời còn Henry mà mọi vị trí trên sân đều có thể ghi bàn được. Nhiều người mộng mơ đã đặt tên cho lứa cầu thủ trẻ tài năng này là Dream Team 2.0.[/justify]
[justify]Nhưng nào ngờ chính những thứ mà người ta cho là sức mạnh lại dễ dàng bộc lộ khiếm khuyết, người ta có thể dễ dàng thấy được điểm yếu của tuổi trẻ khi họ bị tổn thương. Lối đá Tiqui-Taca thường gặp khó khăn trước các đội bóng chơi rắn và có thiên hướng phòng ngự tiêu cực. Và hơn hết, các cầu thủ trẻ có thể thi đấu thăng hoa trong khi tinh thần lên cao nhưng cũng có thể thi đấu thất thường và thiếu bản lĩnh trong những thời khắc quyết định. Với họ lúc này yếu tố kinh nghiệm và bản lĩnh thì gần như họ không có. Họ thiếu đi những người có cá tính mạnh mẽ có thể vực dậy tinh thần đồng đội như Tony Adams hay Patrick Vieira trước kia. Có những lúc họ mang lại cho người hâm mộ niềm tin và hi vọng nhưng rồi lại tự tay dập tắt nó. Ba trong bốn mùa giải từ 2007-2008 đến 2010-2011, Arsenal luôn là đội bóng cạnh tranh chức vô địch giải NHA với các CLB Manchester United, Chelsea hay Liverpool nhưng lại hụt hơi trong những thời khắc quyết định của mùa bóng. Những câu châm chọc kiểu “Những đứa trẻ nhà Wenger” cũng bắt đầu từ đây.[/justify]
Kết thúc buồn cho Dream Team 2.0.
[justify]Nếu ai đó hỏi rằng đâu là bước ngoặt cho chia ly của Dream Team 2.0 thì tôi sẽ không ngần ngại trả lời họ rằng: Bước ngoặt đó đến từ sau trận chung kết League Cup 2010-2011 giữa Arsenal và Birmingham City. Trước trận đấu đó Arsenal có tất cả nhưng sau trận đấu đó hi vọng cứ tắt dần. Từ chỗ tràn trề cơ hội vô địch NHA, tiến sâu vào Cup C1 sau khi thắng Barca 2-1 ở trận lượt đi và cả một League Cup tuy nhỏ nhưng có thể giúp họ xóa đi cái dớp 6 năm không danh hiệu. Đối thủ của họ chỉ là một Birmingham City nhỏ bé. Tất cả mọi người đều hướng về một chiến thắng cho Arsenal, nhưng niềm hi vọng một lần nữa được trao nhầm chỗ.[/justify]
[justify]Chính khi được kỳ vọng quá nhiều lại vô tình tạo ra những áp lực đè nặng lên đôi chân của các cầu thủ. Bàn thắng của Martins ở phút 89 như một nhát dao cứa mạnh vào Arsenal, và nó đã kết thúc một buổi tối buồn cho The Gunners. Và như ai cũng biết, trận thua đó cũng kéo theo hệ lụy lớn như thế nào. Tinh thần các cầu thủ suy sụp nghiêm trọng, cơn đau không danh hiệu lại một lần nữa nhức nhối. Cuối mùa bóng đã có một nửa đội hình nguyện vọng muốn ra đi tìm bến đỗ mới, điều kinh khủng nhất mà ông Arsene Wenger gặp phải kể từ khi dẫn dắt Arsenal.[/justify]
[justify]Và rồi cứ thế, cứ thế Fabregas, Nasri, Clichy, Bendtner, Vela, Denilson… ra đi theo những cách khác nhau. Cơn ác mộng vẫn chưa chấm dứt khi sau đó một năm cả Van Persie, Alex Song cũng dứt áo ra đi tìm cho mình một chân trời mới. Tất cả những gì HLV Wenger cố gắng xây dựng trong bốn năm qua đã vỡ vụn.[/justify]
[justify][/justify]
[justify]Chuyện đã qua lâu rồi nhưng mỗi khi nhắc lại, nó lại như một nhát dao cứa mạnh vào tim tôi. “Tình yêu đầu” với Arsenal đã tan vỡ nhưng không hiểu sao lại vô cùng khó quên. Có lẽ “tình đầu” được nuôi dưỡng bằng những rung động trong sáng nhất trong tâm hồn mỗi người. Tôi nhớ nụ cười ngày đầu tiên làm đội trưởng của Fabregas, nhớ lần Van Persie hôn lên áo đấu sau khi ghi bàn, nhớ kỷ niệm ở Rome trong một tối mưa dữ dội… Tất cả những kỷ niệm cũ cứ cuồn cuộn đổ về ký ức như một cuộn phim không lời, mà những kỷ niệm lại mãi thuộc về dĩ vãng. Cuộc đời có những lý do để chúng tôi rời xa nhau mãi mãi. Tôi đã cố gắng xóa dần đi những hình bóng về Dream Team 2.0 nhưng có một thứ không bao giờ có thể xóa được. Đó là ký ức! Ký ức về những kỷ niệm ngày xưa, rằng chúng ta đã từng là một đội. Giá như có một phép màu nào đó có thể giữ được họ ở lại để họ cho mình thêm một cơ hội và cũng là cho Arsenal thêm một cơ hội. Có lẽ họ nợ ông Wenger một lời xin lỗi còn ông Wenger nợ các CĐV Arsenal một lời xin lỗi. Có thể ngày hôm nay tôi vẫn tiếc nuối vì những gì đã qua nhưng nỗi nhớ đó không dành cho một ai cả. Nó dành cho quá khứ, những gì đã qua mà tôi vẫn còn nâng niu và trân trọng.[/justify]
Lời kết
[justify]Một dấu chấm không phải là đã kết thúc tất cả bởi vì xung quanh ta vẫn còn những dấu câu, cung bậc cảm xúc khác. Những dấu phẩy vẫn đang tiếp nối, những dấu hỏi vẫn đang chờ câu trả lời ở phía trước. Hãy tin mỗi dấu chấm là một sự kết thúc nhưng cũng là mở ra một khởi đầu mới. Tôi chưa bao giờ được chứng kiến các cầu thủ Arsenal nâng cúp vô địch nhưng cũng chưa bao giờ ngưng hi vọng. Ước mơ vẫn chỉ là ước mơ. Nhưng đối với tôi, Arsenal đã là một nhà vô địch… mãi mãi là vậy![/justify]