Độc giả T.D.P (địa chỉ email thuyduongliv…@gmail.com) đã gửi thư tới mục Xã hội - Kenh14.vn để chia sẻ về tình yêu đẹp, được bố mẹ ủng hộ của bạn - một cô gái Hà Nội gốc - với một chàng trai người miền Trung. Chúng tôi xin đăng nguyên văn bài viết này.
===//===
Xin chào anh Tuấn, anh Thanh Sơn và những ai theo dõi chủ đề này.
Tôi là một độc giả theo dõi bài viết đầu tiên của anh Tuấn và tôi rất quan tâm đến vấn đề này. Mặc dù tôi không phải là người ngoại tỉnh để có thể chia sẻ với mọi người những điều khác biệt giữa dân ngoại tỉnh và người Hà Nội, để phân tích những hiềm khích và hiểu lầm. Nhưng tôi đã, đang yêu một người miền Trung. Và trong tương lai, có lẽ tôi sẽ cưới anh ấy… Thế nên tôi nghĩ mình cũng có thể gửi vài dòng đến các bạn.
Tôi là con gái Hà Nội gốc, nhà tôi nằm trên phố Lý Nam Đế. Bố và ông tôi đều công tác trong ngành quân đội. Tôi là con duy nhất trong gia đình, bố mẹ thương tôi từ bé yếu ớt (tôi khá yếu vì bị viêm phổi năm 3 tuổi) nên cưng con gái như trứng mỏng. Tôi lớn lên trong sự bao bọc, thương yêu của bố, sự chăm sóc chiều chuộng của mẹ. Chiều con là thế, nhưng việc đối nhân xử thế bên ngoài, bố tôi lại dạy rất khác.
Khi còn bé, tôi thường ra vườn hoa Hàng Đậu chơi với bạn. Ở đây hay có những cô bác bán hàng rong và người ăn xin đi qua, người bán rong thì toàn là dân ngoại tỉnh. Bố luôn dặn tôi rằng khi con muốn mua một thứ gì, hoặc cho ăn xin tiền, con đừng cất cao giọng ra lệnh hoặc bố thí. Người ta nghèo khổ mới phải về Thủ đô kiếm ăn, vì đã quá khổ rồi nên đừng đối xử tệ với họ. Bài học ấy đã theo tôi đến tận bây giờ. Gặp bất cứ người ăn xin nào, hoặc mua hàng rong, tôi đều thưa gửi có chừng mực.
Trong nhà tôi thuê một cô giúp việc người Nam Định. Tuy là giúp việc, nhưng bố tôi coi cô ý như em út trong nhà. Việc của nhà cô ý cũng đến tay bố mẹ tôi lo, con gái cô ấy còn được bố tôi xin việc. Chính sự đối xử tình cảm, quan tâm của bố mẹ đã khiến cô ấy coi chuyện làm trong nhà tôi như làm cho anh chị ruột chứ không đơn thuần là quan hệ chủ - tớ. Ngày lễ ngày tết, cô ấy còn xin ở lại làm cỗ giúp nhà tôi. Mỗi khi trong nhà cô ấy có người ra thăm, bố tôi lại vui vẻ tiếp đón như họ hàng của ông. Tôi chưa bao giờ thấy ông ngại ngần vì họ là người ngoại tỉnh, không sạch sẽ, gọn gàng như chúng tôi. Cô ấy đã ở nhà tôi ngót ngét 10 năm, chưa một lần bất hòa, cãi vã hay mất đồ. Có lần, tôi nghe cô tâm sự rằng coi bố tôi như anh trai, rơm rớm nước mắt vì xúc động trước cách đối xử của bố mẹ.
Tôi lớn lên trong sự giáo dục nghiêm túc của bố mẹ, mặc dù là con gái Hà Nội gốc nhưng tôi chưa bao giờ đối xử với ai mà nhìn vào xuất thân của họ. Đối với tôi, trên đời chỉ có người tốt và người xấu, làm gì có cái gọi là "dân tỉnh" hay "dân Thủ đô". Ngay cả trong môi trường học, lớp đại học của tôi có nhiều bạn đến từ các tỉnh thành khác nhau. Đối với tôi, họ là những người bạn tuyệt vời. Tôi chơi thân với một đứa ở Vinh, 2 đứa người Yên Bái, đến giờ vẫn chơi thân với nhau. Chúng nó về nhà tôi ăn cơm hàng tuần, được bố tôi gọi bằng "con", mỗi khi bố mẹ chúng nó lên Hà Nội chơi đều qua thăm gia đình tôi vì biết mấy đứa chơi thân và cũng quý mến bố tôi.
"Tôi là con gái Hà Nội gốc và tôi đang yêu một chàng trai người miền Trung. Tình yêu của chúng tôi được bố mẹ hai bên ủng hộ". Ảnh minh họa.
Tốt nghiệp đại học, tôi vào làm ở ngân hàng thuộc ngành của bố. Công tác ở đây 2 năm, tôi gặp Thanh, cùng ngân hàng nhưng bộ phận khác. Lúc đầu, tôi chỉ coi Thanh là người anh, rất vui tính, tình cảm và quan tâm người khác. Anh không phải trai Hà Nội, quê anh ở miền Trung, một vùng quê nghèo khó nhưng vị trí của Thanh ở bộ phận khá lớn. Anh là người thực sự có năng lực.
Không chỉ tôi mà cả cơ quan đều quý mến Thanh. Anh hòa đồng, vui tính, hay trêu mọi người nhưng rất duyên dáng. Hơn nữa, anh còn ga lăng, ai có chuyện gì anh sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ, giúp đỡ. Từ những lần đi chơi chung, chúng tôi đã có dịp ăn uống, cà phê riêng với nhau. Thêm hai chuyến đi du lịch cùng mọi người trong cơ quan, giữa tôi và anh dần dần nảy sinh một thứ tình cảm hơn cả anh em, bạn bè.
Tôi tâm sự với anh hàng ngày, nhắn tin nhiều đến mức "cháy" cả máy. Tôi quý Thanh ở chỗ, anh không bao giờ hứa hẹn hay nói những lời có cánh. Chính sự chân thành, giản dị trong cư xử của Thanh đã khiến tôi cảm động. Tiếp xúc với anh chẳng có chút màu mè, thể hiện nào. Không đồ hiệu, không bóng bẩy chải chuốt nhưng lúc nào cũng lịch sự, đàng hoàng. Anh được lòng các chị phòng tôi đến mức ai cũng vun vào cho 2 đứa. Và 27 tháng 10 năm ngoái, tôi đã chính thức nhận lời yêu anh.
Từ ngày yêu nhau, cứ 1 tháng chúng tôi lại kỷ niệm 1 lần. Anh tặng tôi những món quà cả giá trị lẫn nhỏ bé, thứ nào cũng đều gắn liền với con người tôi nên tôi trân trọng lắm. Anh chia sẻ rằng, ngoài công việc và tình yêu, động lực để anh cố gắng chính là gia đình. Bố mẹ anh già rồi, ở quê lại nghèo, anh còn một cô em gái đang học năm 4. Tất cả đều trông chờ vào anh. Tôi thực sự ngạc nhiên trước sự lạc quan khi vai anh còn nhiều gánh nặng đến thế. Từ yêu, tôi cảm thấy thương anh vô cùng.
Tôi cũng tập cách quan tâm gia đình anh như vậy. Bạn biết không, tôi đi xe về quê thăm bố mẹ anh, biếu quà mẹ anh, ở lại căn nhà giản dị để cảm nhận hết tình cảm chân thành mà hai bác dành cho tôi. Một đứa con gái sướng từ trong trứng như tôi, chưa bao giờ nằm chiếc giường không đệm, trong một căn phòng không điều hòa, tắm nước máy lạnh ngắt. Nhưng tối đến, tôi được mẹ anh quạt cho đến tận lúc ngủ, có lẽ đó là giấc ngủ ngon nhất kể từ khi tôi trưởng thành.
Ngày về nhà tôi chào bố mẹ, anh run như cầy sấy. Anh bảo họp trăm cuộc với sếp tổng cũng không sợ bằng chào bố tôi, vì anh nghe nói bố nổi tiếng nghiêm khắc. Suốt mấy ngày trước đó, anh đi tìm quà biếu bố mẹ. Nào sừng tê giác, rượu ngoại đắt tiền… Tôi cũng lo, dù tôi biết quê quán của anh không phải vấn đề. Tôi chỉ sợ bố mẹ thương tôi phải làm dâu xa, bình thường không sao, ngày lễ ngày tết lặn lội vào trong ấy mấy trăm cây… Những nỗi lo sợ vô hình cứ khiến hai đứa e dè, sợ sệt.
Thế mà đón anh, bố mẹ tôi nở nụ cười thật hiền và thân mật. Nhìn túi quà của "con rể tương lai", bố nghiêm mặt: "Không được quà cáp thế này nhé, con coi bác là người ngoài à mà xách quà như biếu sếp vậy. Lần sau đến chơi đem bác ít mắm quê mình đi, bác nghiền món đấy lắm", khiến hai đứa mừng rỡ ra mặt. Bữa cơm đầu tiên, bố lại là người rót rượu cho anh nhiều nhất. Ông hỏi chuyện bố mẹ ở quê, rồi hỏi anh lên đây lập nghiệp thế nào. Thấy anh phải đổi giọng Bắc để nói chuyện, bố tôi còn vỗ vai “Con cứ nói giọng trong đó đi. Bác nghe được!”. Được lời như cởi tấm lòng, cả hai chúng tôi nhìn nhau không giấu nổi hạnh phúc. Hóa ra bố đã cho người “điều tra” về anh từ trước, biết rằng anh là người tốt, có ý chí và chưa từng gặp tai tiếng gì về đời tư. Bố cũng tin tưởng người con trai này sẽ đem lại hạnh phúc cho tôi nên ông mới vui vẻ đón anh như thế.
Tôi thật không ngờ những điều tôi lo lắng như sợ mẹ không đồng ý vì quê anh xa quá, sợ bố cho rằng không "môn đăng hộ đối", lấy anh tôi sẽ khổ… lại chẳng thành vấn đề với bố mẹ. Đêm hôm đó, mẹ tâm sự rằng con gái rồi cũng đến lúc phải lấy chồng, quê chồng ở xa, nghèo thì con lại càng phải thương và giúp đỡ gia đình bên ấy. Nếu không về quê được thì phải gọi điện về thăm hỏi, quan tâm đến mẹ anh. Mẹ còn nói thấy anh có ý chí, nghị lực, trong công việc không dựa dẫm ai nên chắc chắn sau này anh sẽ thành đạt. Tôi không quan trọng điều ấy, chỉ cần chúng tôi yêu nhau và được gia đình 2 bên ủng hộ. Tôi đã khóc vì quá hạnh phúc, khi có được gia đình tuyệt vời như thế!
Từ sau đó, chúng tôi chính thức là một cặp tại công ty. Anh ngày càng được sếp tin tưởng vì có năng lực tốt, kèm theo đó là sự tin tưởng của bố tôi khi ông hay gọi anh về nhà uống rượu. Tôi tin rằng với sự giỏi giang của anh, anh sẽ đem lại hạnh phúc cho tôi kể cả khi gia đình anh “chẳng có gì” như anh nói. Ngay cả các dì, bác trong nhà tôi đều quý tính cách hòa đồng, chân thành và lễ phép của anh. Mọi người thường giục tôi gọi điện về hỏi thăm mẹ anh, gửi quà biếu bố anh. Vì bố mẹ anh tuy ở quê, điều kiện không bằng nhà tôi nhưng hai bác sống rất tình cảm, coi tôi như con gái trong nhà. Anh hay cười: "Giờ mẹ thương em hơn anh rồi đấy, gọi điện cho anh toàn hỏi em thích ăn gì mẹ gửi ra". Còn gì hạnh phúc hơn cảm giác thân quen ấy đây…
Đó là câu chuyện của tôi, có lẽ không phải đa số, chỉ biết rằng hiện tại tôi rất hạnh phúc với mối tình này. Quan trọng là hãy nhìn nhau mà sống, chứ đâu phải nhìn vào nguồn gốc, quê quán và cái mác “Thủ đô” hay “ngoại tỉnh”, phải không các bạn? Giống như bố tôi đã từng dạy: Mọi thứ trên đời này rồi cũng mất đi, tiền bạc, vị thế làm sao còn mãi. Hãy sống thế nào để luôn còn lại tình người trong chúng ta, đó mới là thứ quan trọng nhất, đáng giữ gìn nhất.
Kênh 14