Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư về chế độ thu, nộp phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện. Theo đó, chủ phương tiện xe máy, ôtô đều phải nộp loại phí này, trừ các loại xe cứu thương, cứu hỏa, xe chuyên dùng, xe phục vụ an ninh, xe máy của hộ nghèo.
Với ôtô, mức phí thấp nhất là 130.000 đồng một tháng, áp dụng cho xe dưới 9 chỗ. Mức phí cao nhất 1,04 triệu đồng dành cho xe tải, xe chuyên dùng trọng tải trên 27 tấn. Chủ xe ôtô đóng phí theo chu kỳ đăng kiểm tại cơ quan đăng kiểm. Sau khi nộp phí, cơ quan này sẽ dán Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian nộp.
Chủ phương tiện phải đóng phí từ 1/1/2013. Ảnh: Hoàng Hà. |
Để phục vụ công tác thu phí, Bộ Tài chính cho phép các cơ quan thu phí đường bộ của ôtô được trích lại 1% số tiền và cơ quan thu phí của xe máy được để lại không quá 10%.
Trước khi ban hành quy định về phí sử dụng đường bộ, Bộ Tài chính đã nhận được ý kiến tham gia của 58/80 cơ quan, tổ chức. Trong đó, hầu hết thống nhất với sự cần thiết ban hành và nội dung cơ bản của dự thảo Thông tư. Tuy nhiên, một số ý kiến không đồng tình về mức phí đối với xe rơ moóc sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải… Cơ quan soạn thảo đã điều chỉnh giảm mức thu phí đối với xe rơ moóc, sơ mi rơ moóc xuống bằng 60% mức thu đối với xe tải cùng trọng tải (dự thảo quy định bằng 70%). Bên cạnh đó, bổ sung quy định không thu phí đối với xe máy điện, miễn thu phí đối với xe máy của các hộ nghèo.
Việt Nam hiện có khoảng 35 triệu xe mô tô và 1,5 triệu xe ô tô. Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, mỗi năm số tiền thu từ đầu ôtô trong cả nước đạt hơn 6.800 tỷ đồng; tiền thu được từ 50% số môtô, xe máy đã đăng ký sẽ đạt 2.400 tỷ đồng. Đây sẽ nguồn quỹ đáng kể phục vụ cho công tác bảo trì đường bộ.
Nghị định 18 về Quỹ bảo trì đường bộ đã được Chính phủ ban hành từ tháng 3, có hiệu lực từ 1/6. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn ảnh hưởng tới đời sống người dân, Chính phủ đã quyết định lùi thời gian thu phí này sang ngày 1/1/2013.