Tại một lễ hội văn hóa của người Nhật, một số bạn trẻ Việt đã viết lên bùa gỗ những điều ước nhố nhăng, vấp phải sự chỉ trích của nhiều người tham dự.
Một lễ hội văn hóa Nhật Bản diễn ra vào ngày 27-28/12 vừa qua tại Triển lãm Giảng Võ, Hà Nội thu hút nhiều bạn trẻ Hà thành tham gia. Đây là lễ hội cầu chúc may mắn trong dịp năm mới.
Một trong những hoạt động tạo điểm nhấn trong lễ hội là việc viết và treo bùa gỗ. Với mỗi lá bùa, mọi người sẽ ghi điều ước lên và cầu mong may mắn, điều ước trở thành hiện thực. Nhiều lá bùa gỗ cầu mong bình an, học giỏi, hạnh phúc hay là những điều ước "kool" như cao thêm để thi hoa hậu, thoát kiếp FA, làm siêu nhân…
Loạt ảnh về những điều ước này được tác giả Won Mi chụp lại đăng tải trên trang cá nhân thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ.
Loạt ảnh về điều ước dễ thương của bạn trẻ trên bùa gỗ Nhật. |
Tuy nhiên, một số điều ước viết bằng ngôn ngữ nhảm nhí, dùng từ ngữ nhạy cảm, như mang tính "troll" nhau: "Ước gì thằng bên phải không ước xàm nữa"; "Ước gì điều ước thằng bên trái thành sự thật". Số này được treo lên tại không gian lễ hội khiến nhiều người không khỏi khó chịu khi đọc.
Loạt ảnh này nhanh chóng được chia sẻ với nhiều bình luận, phản ứng trái chiều.
Bạn Hoàng Chamto bình luận: "Bên cạnh những điều ước dễ thương thì mình thấy một số điều ước được viết với thái độ cười cợt, thiếu tôn trọng. Đây là một nét văn hóa đẹp của Nhật nhưng lại vô tình bị một số bạn trẻ Việt biến tấu thành trò không hay, đánh mất ý nghĩa của những lá bùa này".
Sương Chiều cũng đồng quan điểm: "Một sự kiện văn hóa của nước bạn diễn ra trên đất nước mình thì chúng ta nên tôn trọng. Thử hỏi, nếu người Nhật đọc và hiểu được những từ ngữ, điều ước thiếu văn hóa đó thì họ sẽ nghĩ gì về con người Việt Nam. Mình thấy xấu hổ thay".
Một điều ước "nhảm" của một số bạn trẻ. |
Tuy nhiên, nhiều bạn cũng cho rằng đây chỉ là một trong những số ít hành động chưa đẹp của một bộ phận người tham gia lễ hội, không nên lấy đó để đánh đồng tất cả.
Chủ nhân những bức ảnh, tác giả Won Mi chia sẻ với iOne: "Bức xúc hay không thì còn tùy vào từng đối tượng nhìn nhận. Bản thân mình nhận thấy ở đây có có hai trường phái. Những bạn là người Nhật hay sinh viên yêu văn hóa Nhật khi nhìn những dòng chữ này chắc chắn sẽ phản ứng gay gắt. Có một số lại xem đó là những câu hài hước, buồn cười. Cũng có thể bản thân người viết vì muốn troll nhau hay "trả thù" nên mới viết như thế. Bạn thân mình thấy cũng không nên làm quá sự việc lên vì đây chỉ là thiểu số, vì còn có nhiều điều ước thiết thực khác".
Đánh giá về thái độ, hành động của một bộ phận bạn trẻ này, tác giả Won Mi không đồng tình. "Nếu không phải là người có văn hóa, không coi trọng nét văn hóa của nước bạn thì đừng đến lễ hội để rồi bôi xấu họ. Với mình khi muốn viết một câu chúc nào đó, hãy suy nghĩ thật kỹ, viết những điều mình tâm huyết và đặt niềm tin vào đó. Có thể với một số bạn trẻ chưa trải nghiệm cuộc sống nhiều nên chưa biết trân trọng điều ước nên họ chỉ biết nghĩ cho bản thân mình mà chưa nghĩ cho gia đình và người xung quanh", bạn trẻ này nói thêm.