Những ngày gần đây câu chuyện của những người ngư dân nghèo xã Tam Hải luôn xoay quanh chuyện ông Hồ Thanh Khoa (SN 1952, ngụ thôn 2, xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải bị cơ quan CSĐT công an huyện Núi Thành bắt tạm giam để điều tra về tội "tham ô tài sản".
Việc ông Khoa tham ô thế nào, bao nhiêu tiền đến nay vẫn là bí ẩn với nhiều người.
Siêu bão bóc trần bộ mặt thật của ông Phó Chủ tịch xã
Sáng 2/12, một đại diện cơ quan CSĐT công an huyện Núi Thành, cho biết: "Cơ quan CSĐT vừa có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ba tháng đối với Hồ Thanh Khoa, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải điều tra về tội danh "tham ô tài sản". Tuy nhiên, vị đại diện này còn cho biết thêm, cơ quan CSĐT chưa xác định được cụ thể số tiền mà ông Khoa đã tham ô. Khi nào có kết luận điều tra chính thức, số tiền tham ô của ông Khoa mới được công bố cụ thể.
Chiều cùng ngày, từ Trung tâm huyện Núi Thành, PV báo Đời sống và Pháp luật tìm về xã đảo Tam Hải. Đây là một xã nghèo thuộc loại nhất nhì tỉnh Quảng Nam, lại nằm biệt lập do dòng Trường Giang chia tách với phần còn lại của huyện Núi Thành, nên người dân nơi đây vẫn thường đặt cho Tam Hải cái tên "xã đảo" (đã được công nhận là xã đảo - PV). Quãng đường chưa đầy 10km, nhưng PV báo Đời sống và Pháp luật phải mất hơn một tiếng đồng hồ mới tới được đây, khi không chỉ phải vượt qua những con đường nhỏ, ngoằn ngoèo mà còn phải chờ đợi chuyến phà duy nhất nối xã Tam Hải với đất liền qua địa phận xã Tam Quang (huyện Núi Thành) khi chiếc cầu nối Tam Hải với đất liền vẫn còn nằm trên "giấy".
[size=5][size=small]Nguyên Phó Chủ tịch xã Tam Hải bị bắt về tội tham ô tài sản.[/size][/size]
Vừa đặt chân lên xã Tam Hải, khi PV hỏi thăm việc ông Khoa bị cơ quan CSĐT công an huyện Núi Thành bắt, một người dân cho biết: "Chú là PV về tìm hiểu về vụ tham ô của ông Khoa, Phó Chủ tịch ở đây hả?". Trước câu trả lời trên, PV không khỏi giật mình về sự tinh tường của những người quanh năm suốt tháng lăn lộn trên mặt biển có chồng con hành nghề "hồn treo cột buồm". Biết có PV về tìm hiểu, rất nhiều người dân xã Tam Hải đã gác hết công việc để kể cho PV nghe diễn biến của vụ việc.
Tất cả họ đều nhớ, cách đây mấy năm, khi Nhà nước có chủ trương bê tông hóa đường giao thông nông thôn. Tam Hải là xã đảo thuộc diện đặc biệt khó khăn nên mãi đến năm 2009, xã mới bắt đầu tiến hành bê tông hóa các con đường liên thôn theo chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Chưa đầy một năm, toàn bộ các tuyến đường chính của xã đã "làm mới". Đường đang thi công chỉ còn vài trăm mét nữa dự án kết thúc thì cơn bão quốc tế Ketsana đổ bộ vào nước ta gây thiệt hại lớn. Sau bão mọi nguồn lực được chính quyền địa phương huy động tập trung khắc phục bão lũ nên dù chưa hoàn thiện nhưng dự án bê tông hóa đường giao thông nông thôn cũng được dừng lại.
Là Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế của địa phương, nên mọi sổ sách giấy tờ quyết toán của dự án đều phải qua tay ông Khoa. Thấy việc làm khống hóa đơn chứng từ quá dễ dàng khi nhiều lần trước đó ông cũng đã thực hiện trót lọt nên lần này ông quyết định làm "quả lớn". Dù gần 500m đường bê tông hóa vẫn còn nằm trên giấy nhưng số tiền hơn 300 triệu đồng đã được ông rút khỏi ngân sách của dự án. Chính ông Khoa cũng tưởng mọi việc đã êm đẹp khi sự việc đã trôi qua bốn năm.
Bản thân ông cũng đã "hạ cánh" an toàn khi cuối năm 2012, ông đến tuổi nghỉ hưu. Thế nhưng, trong quá trình kiểm tra, quyết toán dự án sổ sách địa phương, lãnh đạo UBND huyện Núi Thành đã phát hiện nhiều sai sót trong dự án bê tông hóa đường giao thông nông thôn ở xã Tam Hải. Cũng từ đấy mọi sổ sách giấy tờ của dự án được chuyển cho cơ quan CSĐT công an huyện Núi Thành điều tra làm rõ.
Người dân ngỡ ngàng
Không chỉ bị bắt với tội danh "tham ô tài sản", ông Khoa còn bị nhiều người dân trong xã tố cáo có hành vi tiêu cực trong việc chi trả tiền hỗ trợ xăng dầu và các khoản hỗ trợ khác. Người dân địa phương vô cùng bất ngờ, bởi trước đó ông được coi là người cán bộ mẫn cán, có năng lực khi suốt 10 năm liền ông được bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải, phụ trách mảng kinh tế. Chỉ trong một thời gian ngắn, khi ông giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã, bộ mặt kinh tế của địa phương đã có nhiều bước tiến rõ rệt, khởi sắc hơn hẳn.
Nhận thấy năng lực của ông nên UBND huyện Núi Thành khi đó đã cất nhắc đưa ông lên công tác tại Văn phòng UBND huyện. Khi ông về công tác ở huyện, kinh tế địa phương có phần sa sút, không chỉ lãnh đạo địa phương đề nghị "xin" lại người. Mà chính bản thân ông nhiều lần đề đạt được trở lại vị trí cũ. Nhiều lần đề đạt không thành công, ông tự ý nghỉ việc tại cơ quan dù biết sau này mình sẽ không được hưởng bất cứ một chế độ chính sách nào cả.
Nghỉ việc tại cơ quan, ông lao vào làm ăn kinh tế. Nhận thấy ở quê không có nhiều cơ hội phát triển kinh tế nên ông một mình vào Nam dựng nghiệp. Nhờ sự siêng năng, cần cù cùng với khả năng tính toán của mình nên chỉ trong một thời gian ngắn ông đã có một số vốn kha khá trong tay khi liên tiếp trúng mùa cà phê. Nhận thấy giá cà phê lên đến "đỉnh" ông liền bán ngay số diện tích rẫy trồng cà phê của gia đình khi được giá để trở về quê hương.
Những ngày đầu trở về quê hương, ông không chỉ tập trung làm kinh tế gia đình, mà còn tiếp tục quay lại cống hiện sức lực cho địa phương. Khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm, tiến hành hiệp thương thì ông không được tiếp tục tín nhiệm bầu vào vị trí Phó Chủ tịch xã nữa. Mới đây ông được địa phương cử vào phụ trách công tác khuyến học của địa phương.
Nói về người hàng xóm "lãnh đạo" của mình, ông B.T.T. (ngụ thôn 2, xã Tam Hải) cho biết: "Ông Khoa vốn xuất thân trong nhà gia giáo, có truyền thống cách mạng nên dù điều kiện khó khăn, nhưng bản thân ông cũng được học hết phổ thông. Ông Khoa cũng từng làm giáo viên của địa phương. Khi Nhà nước có chủ trương cho nghỉ mất sức, ông đã chủ động làm đơn xin nghỉ khi bản thân mình không được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ sư phạm, dành chỗ cho những người được đào tạo chuyên môn đứng trên bục giảng. Sau này, khi làm công tác chính quyền, nhiều lần ông cũng "bỏ" ngang khi nguyện vọng của bản thân mình không được cấp trên chấp nhận".
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật về sự việc ông Khoa bị bắt về tội "tham ô tài sản", ông Trần Đình Tùng, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết: "UBND huyện không bất ngờ trước việc ông Khoa bị bắt. Bởi trước đó, cơ quan CSĐT công an huyện Núi Thành đã có thông báo cho phía UBND huyện Núi Thành biết theo dõi nắm tình hình". Ông Tùng cho biết thêm, ông Khoa bị bắt về tội "tham ô tài sản", lĩnh vực tham ô chủ yếu là về xây dựng cơ bản.
Nguyễn Cường