Các nhà nghiên cứu cho hay họ vừa tìm thấy 789 gam cần sa có tuổi thọ 2.700 năm trong một ngôi mộ gần Thổ Lỗ Phiên, Trung Quốc.
Theo tạp chí Journal of Experimental Botany, khối cần sa này được dùng vào mục đích làm thuốc chứ không làm sợi để xe quần áo hoặc làm thức ăn.
789 gam cần sa khô được chôn cùng một người đàn ông da trắng, mắt xanh, tóc vàng - đây có thể là một pháp sư thời văn hóa Gushi - trong một ngôi mộ gần Thổ Lỗ Phiên, phía tây bắc Trung Quốc.
Nhờ điều kiện cực kỳ khô hạn và đất kiềm đóng vai trò làm chất bảo quản, cần sa vẫn giữ nguyên màu xanh dù đã mất mùi đặc trưng vốn có của nó. Điều này đã giúp các nhà khoa học có thể phân tích chi tiết đặc tính của cần sa.
Trước đây người ta đã tìm thấy dấu vết của cần sa tại Ai Cập cổ đại và các nơi khác, một số chất tương tự cũng đã từng được các học giả nhắc đến trong đó có nhà sử học Hy Lạp Herodotus. Tuy nhiên, khối cần sa tìm thấy trong ngôi mộ tại Trung Quốc cho đến nay có tuổi thọ lâu nhất và vẫn trong tình trạng nguyên vẹn.
18 nhà nghiên cứu Trung Quốc đã tiến hành một loạt xét nghiệm, trong đó có phương pháp xác định niên đại bằng cacbon và phân tích gene. Các nhà khoa học cũng đã thử nảy mầm 100 hạt giống tìm thấy trong ngôi mộ nhưng không thành công.
Khối cần sa tìm thấy có hàm lượng Tetrahydrocannabinol - thành phần chính trong cần sa - tương đối cao nhưng do mẫu cần sa tìm thấy có tuổi thọ quá lâu khiến các nhà khoa học không thể xác định được chính xác phần trăm lượng Tetrahydrocannabinol .
Họ cũng không thể xác định được liệu người xưa đã ăn hay hút cần sa chưa vì không có tẩu hoặc các đấu mối cho biết chính xác mục đích sử dụng của nó trong ngôi mộ của vị pháp sư khoảng 45 tuổi này.
Khối cần sa lớn được đựng trong một giỏ da và trong một cái bát gỗ, có lẽ để cho pháp sư dùng khi sang thế giới bên kia.