Theo nghiên cứu của Đại học California Riverside, sự tiến hóa của sự sống trên trái đất đã bị kìm hãm trong gần 2 tỉ năm do tình trạng thiếu oxy và molybdenum trong các đại dương.
Cho đến nay, thuyết chủ đạo là các đại dương đã bị oxy hóa trong thời gian ngắn sau vụ bộc phát oxy vào không khí, vào khoảng 2,4 tỉ năm trước. Tiến trình này được cho là bước khởi động mạnh cho sự sống phát sinh. Thế nhưng, tại sao trái đất phải mất nhiều niên kỷ để các sinh vật đa bào xuất hiện cách đây khoảng 600 triệu năm? Các nhà địa hóa học cho rằng họ đã tìm thấy câu trả lời khi nghiên cứu các lớp cổ đại của đá phiến đen, một loại đá trầm tích giàu chất hữu cơ được tìm thấy ở biển.
Nhóm khoa học gia đã phát hiện một lượng thấp molybdenum, một vi chất đóng vai trò quan trọng cho đời sống vi khuẩn, trong một thời gian dài của trái đất. Lượng molybdenum cũng đồng thời là dấu hiệu cho sự tồn tại của oxy trong biển, nên việc thiếu molybdenum phản ánh tình trạng thiếu oxy. Do đó, các nhà khoa học cho rằng, vụ bộc phát khí oxy cách đây 2,4 tỉ năm chỉ đủ cung cấp một luồng không khí tươi mới cho sự sống phát triển tại bề mặt các đại dương. Còn phần sâu gần đáy biển vẫn chưa có oxy để sự sống tại đấy phát triển.