[size=6]Có điện thoại gọi đi nhậu là đi, không đi sẽ bị cho là không nhiệt tình, sợ tốn tiền, ki bo. Ăn nhậu xong đứng dậy bàn nhậu còn đầy thức ăn, đồ uống nhưng chẳng ai dám cho vào túy mang về.[/size]
Sau khi đọc bài “Lương dưới 10 triệu đồng vẫn dư tiền mua vàng tích lũy” và đọc comment tôi thấy nhiều bạn cho rằng cuộc sống của tác giả là “cuộc sống đày ải, chỉ là tồn tại, không biết tiêu tiền, không bà con, bạn bè ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế…”. Vậy bao nhiêu mới đủ để có cuộc sống sung túc?
Tôi đồng ý việc tích lũy vàng sẽ làm cho đồng tiền bị chết, không thể lưu thông. Chúng ta nên biết cách để vốn quay vòng, có như vậy đồng tiền mới có thể sinh lời. Nhưng nếu không tiết kiệm thì lấy đâu ra vốn, lấy gì mà cho nó quay vòng sinh lời.
Chúng ta hãy nhìn người Nhật, họ là một đất nước phát triển, nhưng đi làm hay đi chơi không bao giờ họ mua đồ ăn ngoài. Tất cả đều do họ tự nấu và mang đi. Họ chỉ đi nhậu vào những ngày cuối tuần, nhưng những người này đa số là còn độc thân. Những người có gia đình họ dành những ngày nghỉ đưa gia đình đi mua sắm, picnic…
Còn chúng ta thì sao? Có điện thoại gọi đi nhậu là đi, không đi sẽ bị cho là không nhiệt tình, sợ tốn tiền, ki bo. Ăn nhậu xong đứng dậy thì bàn nhậu còn đầy thức ăn, đồ uống nhưng chẳng ai dám cho vào túi mang về vì ai cũng sợ sẽ bị nghĩ này, nghĩ nọ, một căn bệnh sĩ diện cố hữu của phần đông người Việt.
Nhiều người cho rằng với mức lương dưới 10 triệu đồng vẫn dư mua vàng là đày ải, tồn tại chứ không phải sống. Tôi lại không nghĩ như vậy. Tác giả bài viết đã nói rất rõ về kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm và tôi thấy vậy là rất hợp lý.
Với mức chi tiêu cho việc ăn uống 2 triệu/tháng cho một người là phụ nữ, tôi nghĩ bữa cơm của họ vẫn có đủ thịt cá như bao người khác. Có chăng chỉ là họ không có táo Mỹ, nho, nước yến, sầu riêng… để ăn hàng ngày, chứ các loại hoa quả theo mùa như: chôm chôm, cóc, ổi, xoài… họ vẫn có để ăn. Như vậy bữa cơm của họ đã đủ chất dinh dưỡng rồi.
Cuộc sống như vậy là đày ải thì phải chăng chỉ là sau ngày làm việc họ phải tự đi chợ, nấu ăn như vậy sẽ không có nhiều thời gian rảnh như những người ăn cơm người quán.
Cũng đừng nghĩ rằng sống như vậy sẽ không ai giúp đỡ khi mình khó khăn. Bạn hoàn toàn sai, những người biết tiết kiệm họ hoàn toàn có thể giúp đỡ được bạn bè lúc họ cần. Như thế thì đến lúc họ có khó khăn thì cũng sẽ có người sẵn sàng giúp thôi.
Bạn không tiết kiệm, không có khả năng giúp đỡ ai thì bạn đừng nghĩ là khi bạn khó khăn sẽ có nhiều người giúp đỡ bạn. Vì cuộc sống bây giờ mọi người đều thực dụng, có vay, có trả. Người ta có nhìn thấy khả năng bạn trả nợ được thì người ta mới cho bạn vay. Vì đấy cũng là đồng tiền mồ hôi, xương máu của họ làm ra.
Việc họ biết tiết kiệm cho dù lương thấp chứng tỏ họ biết lo cho tương lai và nghĩ đến người khác. Không phải mỗi ngày phải mời bạn bè đi ăn, đi nhậu mới là nhiệt tình. Đó không phải là cách để kết bạn mà chỉ là sĩ diện hão. Cũng chính vì đó mà các nhà hàng, quán ăn ở nước ta cứ mọc lên như nấm sau mưa và không thể quản lý nổi.
Các bạn thử đi dọc các trục đường ở các thành phố, cứ có đường đi qua là có cửa hàng, quán ăn. Chỗ để xe không có nên khách phải để ngay trên vỉa hè rất lộn xộn và mất mĩ quan. Người đi bộ thì phải đi xuống phần đường dành cho xe cơ giới hoặc cố len qua những chiếc xe dựng thụt vào, thò ra trên vỉa hè.
vnexpress.net