Mở đầu cho buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Quảng Hảo bày tỏ sự quan ngại vì luật pháp ở nước ta rất nhiều nhưng thực tế vẫn chưa nghiêm. “Chính vì chưa nghiêm nên mới có chuyện một giám đốc công ty công ích ở TP.HCM ăn lương đến hơn 200 triệu/tháng. Thế mà cơ quan quản lý Nhà nước cũng không biết và chỉ đến khi báo chí phanh phui thì mới vào cuộc xử lý”, ông Hảo đưa ra dẫn chứng.
Cử tri Đà Nẵng gửi gắm niềm tin và những bức xúc đến Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh
Trả lời câu hỏi này của cử tri, ông Nguyễn Bá Thanh thẳng thắn thừa nhận: Đúng là ở nước ta, luật nhiều vô kể, nhưng nhiều luật vẫn ở trên mây, chưa đi vào cuộc sống. Khi xảy ra sai phạm, việc áp dụng luật cũng chưa nghiêm. Ông Thanh đưa ra câu chuyện mà theo ông nó đang diễn ra hằng ngày trên cả nước: “Ông đi ra đường, có vi phạm luật giao thông, nhưng nếu là công chức thì cảnh sát giao thông vẩy, vẩy cho đi ngay. Nếu ông là người thân của quan chức thì y như rằng sẽ rút điện thoại gọi cho người nhà (là quan chức) để nhờ can thiệp. Nhưng nếu ông là người dân thì 'mời anh ký vào biên bản nộp phạt'. Chuyện này tôi khẳng định là có và nó cũng chỉ có duy nhất ở Việt Nam”, ông Bá Thanh kể.
Liên quan đến kiến nghị của cử tri về việc quản lý hàng giả, hàng nhái, ví dụ như mũ bảo hiểm dỏm, ông Thanh nói luôn: "Người dân làm sao biết mũ giả, mũ thật. Ông làm chuyên môn, được học hành tử tế mà còn không phát hiện được đâu là mũ bảo hiểm giả, mũ bảo hiểm thật, thì làm sao người dân phân biệt được. Thế mà, ra đường thấy mấy ông nông dân đội chiếc mũ bảo hiểm giả là 'mời bác ký vào biên bản nộp phạt giúp em'.
Ông Bá Thanh cho biết, về vấn đề này, Đà Nẵng đã mời một công ty chuyên sản xuất mũ bảo hiểm về sản xuất mũ bảo hiểm chất lượng để bán cho người dân với giá rẻ. "Yêu cầu đội mũ bảo hiểm nhưng để mũ bảo hiểm giả bán tràn lan trên thị trường, người dân thấy đẹp thì mua đội. Chặn người dân lại để phạt đội mũ bảo hiểm dỏm thì không giống ai, không được. Việc kiểm tra, xử phạt đối với các cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm giả trên toàn quốc làm không nghiêm, lâu lâu ra quân một đợt, làm một cách hời hợt", ông Thanh nói.
Việc gì có lợi cho dân, khó mấy cũng phải làm
Ông Nguyễn Bá Thanh kể rằng, thời còn làm Chủ tịch UBND TP rồi Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông hay bị “soi” ở mỗi kỳ họp Quốc hội. Ví dụ như chuyện Đà Nẵng tịch thu phương tiện khi bắt quả tang đua xe cũng bị cho là "xé rào" vì luật không cho phép.
Ông Nguyễn Bá Thanh: Đà Nẵng thường bị coi là "xé rào" nhưng những việc làm đó đều có lợi cho dân
Ông Thanh kể: "Cách đây chừng hơn 10 năm, Đà Nẵng đưa ra “luật” tịch thu tất cả các phương tiện đua xe trái phép để bán, sung công quỹ, lấy tiền xây nhà cho người nghèo. Quy định này ra đời, trên các tuyến đường Đà Nẵng không còn cảnh mấy 'quái xế', mặt đỏ phừng phừng phóng như tên bay. Hạn chế được rất nhiều vụ tai nạn giao thông. Nhưng khi tôi ra họp Quốc hội, có vị đại biểu nói rằng: Ông căn cứ vào đâu mà tịch thu phương tiện đua xe như thế. Tôi hỏi luôn lại một câu: 'Thế tôi hỏi ông, luật nào cho ông đua xe trái phép như thế? Vị đại biểu này không nói gì. Tôi nói tiếp, nếu tôi còn làm lãnh đạo ở Đà Nẵng, tôi còn làm tiếp, làm mạnh hơn nữa".
Trong buổi tiếp xúc cử tri, ông Bá Thanh nhắc lại những cái chết đau lòng của người dân Đà Nẵng mà nguyên nhân là do ăn cá Nóc. Ông nói: "Mấy năm trước, năm nào cũng có đến hơn 10 người chết vì ăn cá nóc. Luật không cấm người dân ăn cá nóc, nhưng cán bộ Đà Nẵng rất đau lòng khi chứng kiến cảnh bố mất con, vợ mất chồng… chỉ vì ăn cá nóc. Nên cách tốt nhất để người dân không chết thảm như vậy thì cấm luôn việc bán và ăn cá nóc. Quy định này chỉ áp dụng ở Đà Nẵng thôi. Vậy nếu có 'xé rào' hay bị 'soi' nhưng mình là cán bộ, là công bộc của dân, do dân bầu lên thì những việc có lợi cho dân, dù khó mấy cũng phải làm bằng được", ông Thanh nhấn mạnh.