Một nhà khoa học vừa phát hiện tại Khu bảo tồn thiên nhiên Fù Huống (xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) những cây nưa có hoa khổng lồ với đường kính cánh hoa dài đến nửa mét…
ảnh minh họa Theo lời kể của ThS Ngô Văn Trí (Viện Sinh học Nhiệt đới), đoàn của ông tình cờ phát hiện và chụp ảnh loài hoa lớn kỳ lạ này trong một chuyến điền dã tại khu bảo tồn nói trên đầu tháng 5/2008.
Trong khu vực được quan sát có 4 cây. Trong đó, chỉ 2 cây có hoa (các cây còn lại hoa đã héo).
Đồng bào Thái vẫn thường gọi cây này là cây nưa. Cây nưa thường cao khoảng 1m, thân mọc ngầm dưới lòng đất, trong khu vực ẩm, lá mục, có bóng râm dưới chân núi đá vôi. Cuống lá tương đối to, có màu xanh trắng bạc, lá to chia thành nhiều thùy. Mỗi cây thường có một hoa, nở nhô lên trên mặt đất. Hoa nưa rất to, cánh hoa màu tím thẫm, xoè rộng lạ thường (đường kính hơn 0,5m). Nhụy cái cũng rất lớn, tím nhạt hơn, nhô vượt trên cánh hoa. Nhị đực có màu phấn vàng.
Theo GS thực vật học Nguyễn Nghĩa Thìn, Đại học Quốc gia Hà Nội, thành viên của Hội Ráy Quốc tế (International Aroid Society) và GS. Wilbert Hetterscheid (Hà Lan) - người đã có công khám phá rất nhiều loài ráy mới ở Việt Nam thì cây nưa có tên khoa học là Amorphophallus paeonifolius (Dennst.) Nichols., thuộc họ Ráy - Araceae.
Đây có lẽ là loài cây có hoa lớn nhất được biết đến ở nước ta. Kính mời bạn đọc chiêm ngưỡng một nét đẹp thiên nhiên hoang dã minh chứng cho sự đa dạng sinh học ở Việt Nam.