Mặc dù khái niệm người mẫu đã xuất hiện ở Trung Quốc gần 3 thập niên, thế nhưng ở đất nước này, những "ma nơ canh" biết đi vẫn chưa thực sự được chú ý. Phải đến cuối năm 2008, khi xuất hiện thông tin một nữ người mẫu ở Lệ Giang đột tử, lúc này công chúng và truyền thông mới thực sự chú ý đến ngành nghề tuy cắm gốc rễ khá lâu nhưng chưa thực sự được xã hội để mắt. Loạt bài viết trong chuyên đề Góc khuất khốc liệt làng mẫu Trung Quốc dưới đây sẽ phần nào mở ra một góc nhìn mới vào làng người mẫu Trung Quốc với nguồn nhân lực hùng hậu nhất hành tinh. |
Trong tình hình hiện nay, những người mẫu chuyên nghiệp nếu chỉ dựa vào việc đi catwalk không thôi thì khó lòng nổi tiếng. Vì vậy người mẫu đổ xô tiến thân vào làng giải trí. Có thể kể ra những trường hợp sau đây làm ví dụ, Khương Bồi Lâm làm MC chương trình truyền hình, mẫu nam Lý Học Khánh đóng phim, những tên tuổi người mẫu thành danh như Xuân Hiểu, Lý Tịnh… cũng chọn cách trở thành MC, trong đó có Vương Hải Chân, Tạ Na đã sớm gia nhập showbiz và gắn bó với ngành truyền hình từ lúc nào.
Những siêu mẫu như (từ trái qua) Lý Học Khánh, Xuân Hiểu, Lý Tịnh, Vu Na giờ đây ngoài làm mẫu họ còn kiêm nhiều vị trí trong showbiz để mưu sinh.
Siêu mẫu Hồ Binh giờ đây cũng lấn sân sang làng điện ảnh.
Còn theo ông Phó Thạnh, đến từ công ty quản lý ngành công nghiệp thời trang và giải trí hàng đầu cuả Trung QuốcCatchy Tone Artists Ltd (CTA) trong một bài phỏng vấn, đã chia sẻ về con đường từ một người mẫu thành ngôi sao: "Trước đây, một mẫu nữ có thể nổi tiếng sau một đêm nhờ một cuộc thi người mẫu hay sắc đẹp. Còn giờ đây các cuộc thi mọc lên như nấm, vì vậy có rất ít người mẫu thành danh từ các cuộc thi người mẫu, càng ít hơn với các cuộc thi người đẹp. Chỉ còn cách tích lũy nhưng đường trường và khá gian nan. Vì vậy cách nhanh nhất đó là chuyển sang làng giải trí".
Ông Phó ví von: "Chí có cách trở thành người có tên tuổi mới có giá trị thương mại, từ đó mới có sức hút. Người mẫu không phải là một con ma-no-canh sống biết đi lại, mà chính là người biểu diễn và thổi hồn cho trang phục. Quan niệm này dù có đi ngược lại với xuất phát điểm ban đầu của nghề mẫu, nhưng với hiện trạng ở Trung Quốc như hiện nay thì chỉ có cách người mẫu hóa diễn viên, đặc biệt là sự phát triển của của giới mẫu nam, mới mong có hy vọng. Đây chính là quy luật của thị trường".
Với một người mẫu chuyên nghiệp, để trở thành một ngôi sao, diễn viên, có rất nhiều thuận lợi. Nguyên nhân là do trong nghề mẫu họ đã ít nhiều có tên tuổi. Còn đối với những người mẫu không có tên tuổi hoặc giá trị thương mại, cách chọn con đường đi theo hướng này là khá chông gai. Như vậy, để trở thành ngôi sao, đòi hỏi người mẫu cũng phải là người có tài năng nhất định.
Đỗ Quyên (trái) hay Lâm Chí Linh cũng đã thử sức với vai trò là những diễn viên, ít nhiều đã khẳng định tên tuổi trong làng điện ảnh.
Đó là phần nổi của tảng băng trôi, sự thật để thành công như vậy lại là một góc khuất khiến người ngoài giới không khỏi giật mình. Không ít người mẫu đã phải tranh đấu, giằng giật để có được thành công. Những người mẫu nam đua nhau tham gia các cuộc thi tài, thi nhan sắc dành cho nam, thất bại là điều không thể tránh. Sau khi những cuộc thi qua đi, những người trong showbiz giúp các mẫu nam tiến thân vào những cuộc thi trên rồi cũng để họ rơi vào lãng quên. Tên tuổi các mẫu nam chỉ đủ vụt sáng một lần rồi tắt ngấm.
Có những người mẫu khi gia nhập showbiz, vì muốn có được vai diễn, họ đã chấp nhận "chiều" những người môi giới hoặc những tay phó đạo diễn "dê xồm". Phổ biến là việc những người mẫu nữ vì để tiến thân vào điện ảnh, họ đã dùng quan hệ tình cảm để đánh đổi. Nhưng rồi thành công đâu không thấy, tên tuổi họ cứ mãi leo lét và mãi không bao giờ phất lên nổi trong làng nghệ vốn đã không thiếu các người đẹp, những mưu mô, thủ đoạn cao tay hơn họ gấp nhiều lầm. Đổi lại, nghiệp người mẫu cũng mất theo, điều này càng khiến cho cái danh của giới người mẫu của Trung Quốc ngày một "mất giá".
Có những lúc người mẫu phải đánh đổi.
Những kẻ ăn bớt và kiếm tiền bẩn
Thu nhập của người mẫu vốn không cao, nhưng những cô gái chàng trai trẻ vẫn đổ xô theo nghề này. Lý do là bởi ánh hào quang hấp dẫn tỏa ra từ ngành công nghiệp trên, từ đó mới xuất phát cụm từ "quy luật ngầm", đồng thời có liên quan mật thiết đến đạo đức nghề nghiệp và chuyên môn của những người trong nghề.
Một người mẫu bình thường muốn nổi tiếng, họ phải có quan hệ thật tốt với nhiếp ảnh gia, tạp chí, đạo diễn show diễn và nhà thiết kế. Thực tế trong làng mẫu Trung Quốc hiện tại, chỉ có vậy thôi là chưa đủ, bởi còn tồn tại rất nhiều những cá nhân đạo đức sa sút, những con sâu làm rầu nồi canh trong làng mẫu, từ đó mới xuất hiện những scandal rúng động xã hội, những chuyện thị phi tai tiếng gây nhức nhối trong xã hội.
Một thực trạng trong làng mẫu cho thấy, đạo diễn hay biên đạo show diễn chính là người nắm trong tay quyền lực và kinh phí của các cuộc thi người mẫu. Vị trí của họ có thể sánh ngang với một phó đạo diễn trong điện ảnh.
Những cô gái, chàng trai trẻ sẵn sàng lao vào làng mẫu mà không cần biết bao cạm bẫy đang chờ họ.
Nhiều người mẫu vì muốn casting tham gia các buổi trình diễn thời trang, ngoài việc phải cam tâm tình nguyện tuân theo "quay định ngầm" của đạo diễn, họ còn bị chính đạo diễn ăn bớt tiền cát-xê. Hơn nữa, một số nhà phụ trách thiết kế cho các nhãn hiệu thời trang cũng trở thành những "con quỷ hút máu" đối với các người mẫu.
Theo đó, có những nhà thiết kế bỏ tiền ra bao thầu toàn bộ buổi trình diễn thời trang hoặc các hội chợ biểu diễn của các doanh nghiệp, đồng thời lấy danh nghĩa giúp các người mẫu tham gia biểu diễn, từ đó đút túi toàn bộ chi phí thu được từ sức lao động, mồ hôi nước mắt của các người mẫu.
Hoặc một cách làm khác của những nhà thiết kế, đó là móc nối, câu kết với các công ty sản xuất show diễn thời trang, sau đó mang giới thiệu với các đơn vị tổ chức thu mua show diễn bên ngoài nhằm trục lợi kiếm lời.
Ngoài ra, một số nhà thiết kế còn ngấm ngầm cắt xén, bòn rút hoặc ăn chặn tiền thù lao của các người mẫu một cách phi lý. Những người chịu thiệt thòi là những người mẫu, họ biết việc mình bị ức hiếp nhưng vì muốn yên thân được diễn, họ đành ngậm bồ hòn làm ngọt, ngậm đắng nuốt cay mà không dám nói ra.
Sau lưng những người mẫu là một đội ngũ "ăn chặn" chuyên nghiệp.
Một cách "nô dịch" và ăn tiền trên thân thể người mẫu một cách trắng trợn và bỉ ổi nhất trong giới người mẫu Trung Quốc, từng gây xôn xao dư luận năm 2009, đó là vụ một người trong showbiz từng tố cáo một nhà thiết kế có tên tuổi ở vùng duyên hải Đông Nam Trung Quốc, người từng nhận không ít thành tựu và giải thưởng trong nghề đã "giúp" một người mẫu vào con đường mại dâm.
Nhà thiết kế trên lấy lý do bàn chuyện quay quảng cáo, làm người đại diện để dụ cô người mẫu gặp gỡ một nhân vật có quyền thế. Mẫu nữ từng bị lừa tương tự, khi gặp mặt vị tai to mặt lớn nọ liền nhận thấy hành vi không đứng đắn thì bỏ đi ngay. Quản lý người mẫu sau đó tố cáo nhà thiết kế và dọa kiện ra tòa, nhờ vậy mới khiến nhà thiết kế đội lốt "má mì" chính thức lên tiếng xin lỗi nhằm xoa dịu và rút lui êm thấm.
Góc tối từ những lá phiếu bình chọn
Những sự kiện bình bầu trao giải thường niên trong giới thời trang, người mẫu cũng có luật định ngầm. Một vài người mẫu trình diễn thời trang hoặc các công ty người mẫu thường trước các cuộc bỏ phiếu, nghĩ ra cách làm sao thương lượng với nhà thiết kế và thành viên ban giám khảo, với hy vọng lôi kéo được họ bầu cho mình, hòng đoạt giải Top 10.
Để được bình bầu, những người mẫu có công ty quản lý sẽ dụ dỗ và mua chuộc người có quyền lực để tiến thân.
Từng có vụ lùm xùm giữa công ty người mẫu nọ khi có ý định lôi kéo một nhà thiết kế bình bầu cho người mẫu của họ. Nhà thiết kế liền yêu cầu một cách tế nhị: "Chúng tôi đâu có quen biết gì cô người mẫu đó, hôm nào sắp xếp cuộc hẹn cho mình cô ấy đến gặp tôi nói chuyện xong rồi tính tiếp".
Sự việc trên đến tai nhiếp ảnh gia, khách hàng quảng cáo, sau đó lại lan truyền đến các nhân viên khiến chuyện nữ người mẫu bị lạm dụng rò rỉ và bị phanh phui, khiến trở thành đề tài xôn xao trong dư luận và phổ biến trong giới thời trang người mẫu năm đó.