Trong chuyến đi tới Việt Nam năm 2007, ông Lý Quang Diệu đã gợi mở nhiều ý tưởng, đặc biệt là các ý tưởng về giáo dục. “Nếu thắng trong cuộc đua giáo dục, sẽ thắng trong phát triển kinh tế”, ông Lý Quang Diệu khẳng định.
Theo ông Lý Quang Diệu, Việt Nam đang có động lực lớn, năng lượng lớn cho phát triển. Điều quan trọng là cần có tầm nhìn lớn và bắt tay biến tầm nhìn ấy trở thành hiện thực.
Nguồn nhân lực tốt chính là "nút cổ chai" phát triển mà Việt Nam cần chuẩn bị trước, giống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia đã làm…
"Điều quan trọng là Chính phủ ngay từ đầu phải có chính sách nhất quán, và ổn định tạo thành một dòng chảy thông suốt. Nếu nói mà không thực hiện thì dòng chảy này sẽ ngắt quãng" – ông Lý Quang Diệu khẳng định.
Nhiều bài học thiết thực của Singapore, Malaysia, Anh, Mỹ… đã được ông Quang Diệu đưa ra làm hình mẫu cho Việt Nam.
Giữ chân người tài
Đây là bài học quan trọng đầu tiên mà ông Lý Quang Diệu nhấn mạnh, với kinh nghiệm của chính Singapore.
Ở Singapore, cuối những năm 1970, khoảng 5% người có trình độ ra đi. Khó khăn về nguồn nhân tài trở nên trầm trọng khi các quốc gia phương Tây thay đổi chính sách nhập cư, chấp nhận người di dân châu Á.
Trong khi lãnh đạo của một số quốc gia trong khu vực lúc bấy giờ dường như vui mừng vì cho rằng hiện tượng chảy máu chất xám thực chất là “chảy máu những rắc rối”, thì ông Lý Quang Diệu ráo riết thực hiện chính sách giữ người tài trong nước và thu hút ngoại lực cho những công việc mà nền kinh tế đang cần.
Hai Uỷ ban đã được thành lập, một có nhiệm vụ giúp những người có năng lực làm đúng nghề và một kết hợp họ lại thành một xã hội. Với những người xuất sắc, ủy ban này cố gắng thu hoạch sớm bằng cách đề nghị việc làm ngay trước khi tốt nghiệp.
Ngoài ra, Singapore còn lập 2 cơ quan thu hút nhân tài từ Ấn Độ và các nước trong khu vực. Chính phủ cũng bãi bỏ quy định cấm nữ công dân Singapore đưa chú rể nước ngoài nhập cư.
“Nếu không lấp vào chỗ trống bằng những tài năng nước ngoài, chúng tôi không làm cho đất nước vươn lên hàng đầu được. Họ chính là những megabytes bổ sung cho chiếc computer Singapore”.
Tiếng Anh: Chìa khóa để cạnh tranh và tránh tụt hậu
Trả lời cho câu hỏi “Làm thế nào để không tụt hậu?” chỉ có một cách là phải giỏi tiếng Anh. Đây là điều ông Lý Quang Diệu nhấn mạnh.
Với Chính phủ Singapore, việc lựa chọn tiếng Anh đóng vai trò như ngôn ngữ làm việc, giúp ngăn chặn nảy sinh xung đột sắc tộc, đem lại ưu thế cạnh tranh.
Theo ông Lý Quang Diệu, phải kiên trì đeo đuổi chính sách “nhiều tiếng nói, một ngôn ngữ” để đưa tiếng Anh vào trường học. “Ngày nay, Singapore có lợi thế lớn là nhờ vậy. Đây là phần thưởng ngoài dự đoán của Singapore khi thực hiện quy định này”.
Ông Lý Quang Diệu gợi ý: "Đại học Việt Nam nên có sách giáo khoa tiếng Anh ở các ngành quan trọng như kỹ thuật, công nghệ… bởi nếu chỉ dùng sách Việt Nam thì chắc chắn sẽ tụt hậu". Thực tế hiện nay tất cả các kỹ sư làm việc quốc tế đều có khả năng nói tiếng Anh rất tốt. Ông cảnh báo, nếu tất cả sinh viên Việt Nam sau này "không thể nghe và nói tiếng Anh trôi chảy, chỉ có thể đọc thôi cũng đã là tụt hậu".
Giáo dục chỉ được thừa, không được thiếu
“Nếu được hỏi để cố vấn, tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam hãy gửi sinh viên miền Bắc, từ Hà Nội, Hải Phòng… vào miền Nam để họ học cách kiếm tiền, cách kinh doanh. Đây là cách tốt để bắt đầu một tham vọng. Và ngược lại, tìm những tinh hoa ở TPHCM “cấy” vào những trường ĐH ở miền Bắc, ở Hà Nội”.
Ông Lý đã hiến kế cho nền giáo dục ĐH Việt Nam như vậy. Cũng theo ông Lý, dù làm bất kỳ công việc gì dù là bác sĩ, kỹ sư… thì sinh viên cũng cần được đào tạo đầy đủ, cung cấp các kỹ năng cần thiết để làm việc.
"Chúng ta luôn giáo dục để thừa chứ không phải để thiếu. Nếu tính toán đào tạo đủ, chúng ta sẽ không thể cung cấp đủ nhu cầu của thị trường" – ông Lý Quang Diệu khẳng định. "Nếu thắng trong cuộc đua này (cuộc đua trong giáo dục), sẽ thắng trong phát triển kinh tế". Và "Việt Nam sẽ thắng!"
Ngân Anh tổng hợp
vietnamnet.vn