Mưa sao băng Southern Delta Aquarids thường xảy ra trong khoảng thời gian từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 8, nhưng đặc biệt trong những ngày 28-29/7/2008, người ta có thể quan sát hiện tượng này bằng mắt thường.
Người ta có thể quan sát hiện tượng này khi Trái đất đi qua đám mây thiên thạch của một vì sao chổi. Cho đến giờ, các nhà khoa học vẫn chưa biết chắc đâu là nguyên nhân chính xác của mưa sao băng Delta Aquarids. Nhưng hiện tại họ đang thiên về giả thuyết sao chổi Comet 96P/Machholz chính là nguyên nhân của hiện tượng này. Ngôi sao chổi này được phát hiện vào năm 1986 bởi nhà thiên văn học nghiệp dư người Mỹ tại California - Donald Machholz.
Thông thường, mật độ sao băng trong mỗi cơn “mưa” này là 15-20 ngôi sao có thể quan sát được trong vòng 1 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, số lượng lớn nhất các ngôi sao người ta có thể đếm được trong vòng 1 giờ có thể lên tới 60 (hoặc hơn thế).
Ông Phan Văn Đồng, Phó Chủ tịch Hội Thiên văn VN, cho biết, rạng sáng 29/7, mưa sao băng sẽ xuất hiện trên bầu trời VN và có thể quan sát được từ dưới mặt đất. Thời điểm sao băng xuất hiện nhiều nhất (khoảng 20 vệt sao trong một giờ) được xác định vào khoảng thời gian từ 1h-4h sáng 29/7 giờ VN.
Trong thời gian mưa sao băng Southern Delta Aquarids diễn ra ở cực điểm, người ta có thể quan sát được bằng mắt thường. Nhưng để có được độ quan sát tốt nhất, các nhà khoa học khuyến cáo bạn cần phải chọn những địa điểm xa thành phố có ít ánh đèn điện và bầu trời quang đãng. Tuy nhiên tại Hà Nội rạng sáng ngày 29/7, điều kiện thời tiết lại không thuận lợi (trời nhiều mây và bụi), nên rất khó để có thể quan sát được hiện tượng kỳ thú này.
Vì xuất phát từ chòm sao Bảo Bình - Aquarids (căn cứ theo vị trí Trái đất và chùm bụi tiếp xúc với nhau), trận mưa sao băng này được đặt tên là Delta Aquarids. Mưa sao băng Delta Aquarids gồm 2 đợt: Southern Delta Aquarids diễn ra từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 8 (với cao điểm là cuối tháng 7); và Northern Delta Aquarids diễn ra muộn hơn (từ giữa tháng 7 cho đến 10/9, cao điểm vào 13-14/8). Tuy nhiên trong đợt mưa thứ 2 - Northern Delta Aquarids, người ta chỉ có thể quan sát khoảng 10 ngôi sao băng trong vòng 1 giờ đồng hồ.
- [*]Mạnh Đức