Có một nút chức năng trên máy giặt, máy rửa bát… mà người Việt Nam rất ít khi dùng, có tác dụng để đặt thời gian máy sẽ bắt đầu hoạt động.
Nếu đồng hồ đo điện được tích hợp sim điện thoại để truyền thông tin về trung tâm dữ liệu xử lý và tính cước, hình ảnh người công nhân phải trèo thang để đọc số điện sẽ dần biến mất.
Nhiều người Việt sẽ mặc định trong đầu rằng khi cho quần áo, chén bát vào máy rồi thì cứ thế mà chạy thôi, cái nút đó đúng là không cần thiết. Nhưng nếu thông tin do Thời báo Kinh tế Sài Gòn (TBKTSG) online đăng tải về việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang tính đến việc tính tiền điện theo giờ (bình thường, cao điểm và thấp điểm) là chính xác, thì chức năng này sẽ rất hữu hiệu.
Khi đó, giá điện sẽ được tính cao hơn nhiều vào lúc cao điểm, nhưng sẽ rẻ đi tương ứng vào lúc thấp điểm. Khi đó, người dùng chỉ việc cho quần áo vào máy giặt, cho chén bát vào máy rửa bát và hẹn đến giờ thấp điểm để tận dụng nguồn điện giá rẻ với chất lượng tốt hơn. Không chỉ thế, những hành động đơn giản này sẽ góp phần giảm tải cho hệ thống điện, bảo vệ môi trường và tạo lập một ý thức sống văn minh.
Trước đây, ngành điện chỉ thực hiện việc tính tiền điện theo giờ với khách hàng sử dụng điện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Theo cách tính này, giá mỗi kWh của giờ cao điểm và giờ bình thường chênh nhau cả nghìn đồng; còn giá của giờ thấp điểm chỉ vào khoảng 60% so với giờ bình thường.
Theo TBKTSG online, để tính tiền điện theo giờ, ngành điện sẽ đưa ra nhiều mức giá bán điện khác nhau, vào những khoảng thời gian khác nhau trong ngày.
Theo đó, cách tính giờ cao điểm trong các ngày từ thứ hai đến thứ bảy trong tuần được tính như sau: khoảng thời gian từ 9h30' đến 11h30' và từ 17 đến 20h trong ngày là giờ cao điểm; từ 20h hôm trước đến 4h sáng hôm sau là giờ thấp điểm; các giờ không nằm trong khoảng thời gian giờ cao điểm và thấp điểm được tính là giờ bình thường.
Còn trong ngày chủ nhật, ngành điện quy định không có khung giờ cao điểm trong việc tính tiền điện. Ngành điện chỉ tính theo giờ thấp điểm (từ 20h hôm trước đến 4h sáng hôm sau) và giờ bình thường từ 4h đến 20h hàng ngày.
Việc tính tiền điện theo giờ nhằm khuyến khích người dân sử dụng điện vào giờ thấp điểm và hạn chế vào giờ cao điểm nhằm tránh quá tải, thiếu điện vào giờ cao điểm. Cách làm này được cho rằng sẽ đem lại lợi ích cho cả ngành điện và cho cả người dân.
Hiện nay, EVN đang hợp tác với một tập đoàn công nghệ thông tin và viễn thông để phát triển giải pháp tính tiền điện theo giờ cho người dân. Dự kiến, hai đơn vị này sẽ sớm đưa giải pháp này vào thử nghiệm tại một tỉnh hoặc thành phố; sau đó sẽ rút kinh nghiệm để sớm triển khai trên toàn quốc.
Cùng với kế hoạch cung cấp điện với giá được tính theo giờ, dự kiến ngành điện sẽ cung cấp điện trả tiền trước và trả sau cho người dân như với cách mà ngành viễn thông đang làm. Hiện tại, ngành điện chỉ có cách thu tiền theo cách trả sau.
Theo Báo Điện tử Chính phủ
vnreview.vn