[justify]
Một số cánh đồng thuộc các xã Gio Phong, Trung Sơn, Gio Châu, Hà Thanh (huyện Gio Linh) và các xã Vĩnh Thạch, Vĩnh Kim, Vĩnh Giang (huyện Vĩnh Linh),… đang bị chuột đồng phá hoại hết sức dữ dội. Nhiều nông dân đang tỏ ra lo lắng vì không có giống để gieo lại. Huyện Gio Linh là địa phương bị chuột đồng phá hoại nhiều nhất.
Ông Trần Hữu Dược đang lo lắng vì không biết lấy giống đâu ra để cấy lại chỗ diện tích lúa bị chuột cắn phá
Tại xã Gio Châu, nhiều diện tích lúa của bà con bị chuột phá hoại nghiêm trọng, một số đã bị “xóa trắng” và không còn khả năng sinh trưởng. Ông Trần Hữu Dược nhìn cánh đồng lúa của mình bị cắn phá lắc đầu ngao ngán: “Tôi chưa thấy năm nào lúa bị chuột phá mạnh như hiện nay, gia đình tôi làm một mẫu ruộng thì một nửa trong số đó đã bị chuột ăn hết. Để kịp thời vụ, tôi phải dùng giống lúa cũ để cấy lại nhưng lúa chưa kịp lên thì cũng bị chuột phá nốt. Dù đã dùng rất nhiều loại thuốc để diệt nhưng cũng chẳng khá hơn. Không biết rồi đây sẽ lấy đâu ra giống mà cấy lại”.
Nhiều người dân sử dụng bã sinh học trộn với lúa giống để diệt chuột
Số chuột do người dân diệt được bằng phương pháp đào
Các xã Gio Phong, Trung Sơn, Trung Hải cũng lâm vào tình trạng tương tự. Chị Nguyễn Thị Tuyết, ở xã Gio Phong cho biết, gia đình chị có hơn 3 sào lúa bị chuột cắn phá chưa biết lấy đâu ra giống để cấy. Nhằm khắc phục tình trạng trên, chị Tuyết đang phải tỉa giống từ các nơi khác hoặc đi xin từ các người dân trong thôn để về dặm lại cho kịp thời vụ. Ông Võ Quang Lạn ở Võ Xá, Trung Sơn nói: “Mấy ngày nay hưởng ứng phát động của xã, chúng tôi đã gọi nhau đi đào chuột nhưng không xuể, phần lớn diện tích lúa nhà tui đã bị chuột cắn hết và không biết lấy giống đâu ra”.
Người dân tổ chức đào chuột nhằm diệt trừ tận gốc tại nơi chúng sinh sản
Được biết, nhiều Hợp tác xã nông nghiệp vừa phát động bà con ra quân diệt được một số lượng lớn chuột đồng, bà con nông dân cũng sử dụng bao bì ni lon quây xung quanh ruộng lúa nhưng cũng chỉ hạn chế được một phần thực trạng trên.
Nhiều ha lúa của người dân đứng trước nguy cơ bị xóa trắng
Trao đổi với PV Dân trí, ông Phan Văn Nghi, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Gio Linh cho biết, vụ hè – thu năm nay toàn huyện gieo, sạ được 3.200 ha, rút kinh nghiệm từ những vụ mùa trước nên ngay sau khi kết thúc vụ lúa đông – xuân, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp tổ chức phát động bà con ra quân diệt chuột, vì thời điểm này chuột sinh sôi rất nhanh. Huyện sẽ cấp kinh phí khoảng 50 triệu đồng để bà con tích cực diệt chuột, mỗi đôi chuột sẽ được hộ trợ 1.000 đồng. Một số địa phương đã thực hiện rất tốt, như xã Gio Châu đã bắt được trên 5.000 con chuột. Tuy nhiên, một số địa phương khác lại tỏ ra thờ ơ trước việc này dẫn đến tình trạng chuột cắn phá lúa tràn lan như hiện nay.
Nói về phương pháp ngăn chặn tình trạng chuột cắn phá lúa, ông Nghi cho biết, cán bộ Phòng Nông nghiệp đã hướng dẫn cho bà con một số cách diệt chuột như sử dụng bã sinh học, đánh bẫy và tổ chức đào chuột để diệt trừ tận gốc, hạn chế chuột sinh sôi. Nhưng phương pháp đào chuột lại tỏ ra hữu hiệu hơn cả, các biện pháp khác chỉ mang tính tạm thời.
[/justify]