Được thành lập năm 1998 như một niềm đam mê dành cho các nhà thiết kế của Nokia, được dẫn dắt bởi nhà thiết kế người Mỹ gốc ý Frank Nuovo, Vertu được ra đời nhằm mục đích khám phá xem một chiếc điện thoại sẽ như thế nào nếu không bị giới hạn bởi những lo ngại về ngân sách. Nếu sử dụng những vật liệu tốt nhất với quy trình sản xuất tốn kém nhất thì sẽ tạo ra được một chiếc điện thoại như thế nào?
Từ đó, thương hiệu của Vertu luôn được gắn liền với những sản phẩm cao cấp, đắt tiền và có mức độ chế tác cực kỳ tinh xảo.
Năm ngoái, Nokia đã buộc phải bán đi Vertu vì những khó khăn về tài chính và sau khi được tách ra khỏi Nokia, Vertu đã bắt đầu sản xuất chiếc smartphone đầu tiên chạy nền tảng Android, tuy nhiên vẫn đảm bảo được thương hiệu đắt giá của mình.
Khác với các hãng sản xuất điện thoại khác, Vertu chỉ có một trụ sở duy nhất ở ngoại ô London và nơi đây cũng chính là nơi toàn bộ đội ngũ thiết kế, kỹ sư và nhân viên lắp ráp làm việc chung, thay vì có các nhà máy tại nhiều địa điểm khác nhau.
Chùm ảnh dưới đây sẽ cho bạn có được cái nhìn rõ hơn bên trong nhà máy sản xuất những chiếc điện thoại cao cấp của Vertu cũng như cách thức mà chúng được ra đời:
Logo của Vertu được in trên cửa ra vào. Ban đầu logo của Vertu được thiết kế theo dạng 2 cánh tay đang dang ra, tuy nhiên sau đó logo này đã thay đổi do được nhận xét giống với logo hãng xe Mazda của Nhật Bản.
Trụ sở chính của Vertu được chia ra thành 2 nửa: bên phải là nơi tập trung các phòng hành chính và thiết kế, trong khi đó bên trái là cơ sở sản xuất và vận chuyển sản phẩm. Khác với các hãng công nghệ khác, dây chuyền sản xuất của Vertu được đặt ngay trong trụ sở chính, thay vì ở các nhà máy riêng biệt, đồng thời Vertu không cần phải giấu kín quá trình sản xuất này. Khách tham qua có thể thấy rõ dây chuyền sản xuất ngay từ phòng tiếp tân.
Tất cả mọi người bên trong khu vực sản xuất đều được trang bị một áo khoác phòng thí nghiệm và một giày chống tĩnh điện. Vertu cho biết muốn giữ cho khu vực sản xuất của mình luôn sạch sẽ, đặc biệt ở khu vực lắp ráp màn hình, khi mà Vertu không muốn có một hạt bụi nào có thể lọt vào máy trong quá trình lắp ráp.
Phía dưới của văn phòng Vertu được dành cho khu vực sản xuất, lắp ráp, kiểm tra và đóng gói sản phẩm, trong khi tầng trên dành cho khu vực quản trị. Bên trong được lắp đặt camera quan sát các vật liệu cao cấp mà Vertu sử dụng cho sản phẩm của mình đề phòng trường hợp bị mất cắp.
Không có các băng tải tự động trong dây chuyền sản xuất của Vertu. Mỗi nhân viên chịu trách nhiệm hoàn thiện một chiếc điện thoại từ đầu đến cuối và mỗi thiết bị đều có chữ ký của người thực hiện sau khi hoàn thành. Các khách hàng sẽ dựa vào thông tin của người hoàn thành sản phẩm để liên hệ và yêu cầu lắp ráp thêm sản phẩm mới khi cần hoặc nhận xét, phản ánh tình trạng máy. Dựa vào phản ánh của khách hàng, Vertu sẽ có được đánh giá cho từng nhân viên của mình.
Vertu luôn ưu tiên cách thức thủ công, thay vì phải áp dụng máy móc trong quá trình lắp ráp sản phẩm.
Các thành phần trên điện thoại của Vertu đều được thiết kế tùy chỉnh với mức tinh xảo cao, không phải là các linh kiện sản xuất hàng loạt. Nhiều chi tiết phức tạp đòi hỏi mức độ chính xác cao và đôi khi 15% số lượng các linh kiện làm ra bị loại bỏ vì không đáp ứng được yêu cầu.
Nhà máy của Vertu như một đại công trường, nơi mà mỗi nhân viên đều có những bàn làm việc và kho công cụ của riêng mình.
Qualcomm là đối tác cung cấp vi xử lý chính cho chiếc smartphone Constellation mới nhất của Vertu.
Một khi hoàn tất quá trình lắp ráp, sản phẩm sẽ được đưa qua một chuỗi các máy kiểm tra tự động để đảm bảo mọi chức năng đều hoạt động đúng, sau đó sẽ được các nhân viên của Vertu tiếp tục thử nghiệm bằng tay để đảm bảo sản phẩm hoạt động tốt nhất.
Một ốc vít rất nhỏ dùng để lắp ráp trong smartphone của Vertu.
Các ốc vít với kích cỡ khác nhau sử dụng cho quá trình lắp ráp sản phẩm.
Phải mất nhiều tháng đến một năm để huấn luyện trở thành nhân viên lắp ráp điện thoại của Vertu. Tuy nhiên ngay cả những nhân viên lành nghề nhất cũng phải tuân thủ theo từng bước hướng dẫn lắp ráp được hiển thị ở một màn hình trước mắt các nhân viên.
Tên của nhân viên hoàn thành lắp ráp sản phẩm được khắc trên mỗi chiếc Vertu được xuất xưởng.
“Điều cuối cùng chúng ta thấy là điều đầu tiên khách hàng nhìn thấy” là châm ngôn của Vertu. Do vậy khâu kiểm tra sản phẩm trước khi đóng hộp được tiến hành một cách kỹ càng.
Một hộp đựng 5 chiếc smartphone Constellation của Vertu với những bao đựng bằng da có màu sắc khác nhau. Hộp đựng sản phẩm này có giá 25.000 Euro.
Bộ 3 sản phẩm của Vertu, từ trái sang phải bao gồm: Signature S, hiện là chiếc điện thoại đắt tiền nhất của Vertu, Vertu Ti 2013, chiếc smartphone chạy Android đầu tiên của Vertu và Constellation. Giá cho mỗi sản phẩm lần lượt là 9.000Euro, 7.900Euro và 4.900Euro.
Một chiếc Vertu với họa tiết da rắn, nhưng chỉ dừng lại ở mức ý tưởng (concept), thay vì sản phẩm thực tế.
Hutch Hutchinson, Giám đốc thiết kế của Vertu, cho biết công ty đang nỗ lực để lôi kéo nhiều người dùng với bộ đôi smartphone chạy Android của hãng là Constellation và Ti 2013. Trong khi đó Hutchinson vẫn tin rằng chiếc smartphone đắt giá Signature sử dụng nền tảng Series 40 của Nokia vẫn tìm được một chỗ đứng nhất định ở những người dùng giàu có.
Triết lý kinh doanh sản phẩm của Vertu xoay quanh 3 yếu tố: dịch vụ tốt cho khách hàng, quá trình sản xuất thủ công và vật liệu độc quyền. Chiếc điện thoại đặc biệt này được làm bằng da cá sấu và kinh loại ziriconi.
Nhà điêu khắc nổi tiếng người Anh Richard Wilson đã xây dựng nên cảnh quan thành phố tương lai này từ các bộ phận bỏ đi của Vertu. Các cột đèn đường được làm từ ăng-ten, các tòa nhà chọc trời được xây dựng trên khung kinh loại, còn những con đường màu xanh là các board mạch chủ. Ngoài ra Wilson còn sử dụng các tấm màn hình trong tác phẩm đẹp mắt này. Vertu hiện đang xem xét bán đấu giá công trình này để ủng hộ tiền cho từ thiện.