Tin tức - pháp luật
2014-05-04 15:40:16
Xin đừng bắt chúng em học thuộc lòng
Học thuộc lòng làm tư duy phát triển trì trệ - Ảnh minh hoạ: ST
“Hãy kể cho chúng em những câu chuyện lịch sử bằng cảm xúc, cho chúng em xem phim tài liệu về những chiến công của cha ông ta và tới thăm những di tích lịch sử… thay vì bắt chúng em phải học thuộc những con số, sự kiện khô khan”. Đó là lời thỉnh cầu của một học sinh trong buổi đối thoại với lãnh đạo Sở Giáo dục TP HCM sáng 21/3. Không màu mè, hình thức, buổi đối thoại diễn ra trong không khí thoải mái, thẳng thắn khi các em học sinh liên tục đặt câu hỏi. Việc học sinh quay lưng với các môn xã hội trở thành tâm điểm buổi giao lưu khi nhiều trường THPT cho biết chỉ có 2 -5% học sinh chọn môn Sử, Địa làm môn thi tốt nghiệp. Thậm chí có trường không có học sinh nào dám “đương đầu” với môn Sử. Rất nhiều thắc mắc được các em học sinh đặt ra trong buổi đối thoại. Ảnh: Nguyễn Loan Trao đổi về vấn đề này, học sinh, những người trong cuộc, cho rằng chính những môn học xã hội quá khô khan, lý thuyết và rập khuôn khiến người học nhàm chán. Nhất là môn Sử đã buộc các em phải nhớ quá nhiều con số, sự kiện nên vô hình chung học sinh e ngại khi đối diện với môn học này. Để giảm bớt áp lực cho học sinh, bạn Mai Trâm trường THPT Trí Đức “hiến kế” giáo viên cần phải tổ chức nhiều buổi học ngoại khóa, hay đơn giản là cho học trò mình ngồi xem các cuốn phim nói về các chiến công lẫy lừng của cha ông, hoặc giáo viên ngồi kể lại một cách có cảm xúc về các câu chuyện lịch sử sẽ khiến học sinh thích thú và dễ dàng tiếp thu hơn. Không chỉ môn Sử, bạn Phan Tiểu My, học sinh trường THPT Bình Khánh (huyện Cần Giờ) thẳng thắn cho rằng, việc dạy học hiện nay còn mang tính hàn lâm. My cho biết rất nhiều học sinh đã chọn cách học đối phó hoặc học để lấy điểm chứ không hề hứng thú hay yêu thích. Ngoài môn Sử, My cho rằng môn Giáo dục công dân cũng được dạy một cách máy móc và rất mơ hồ, khó hiểu. Ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó giám đốc Sở giáo dục TP HCM còn tranh thủ cả giờ nghỉ giải lao để lắng nghe học sinh. Ảnh: Nguyễn Loan “Trong khi bọn em ngồi học thuộc lòng thì có rất nhiều học sinh nữ chỉ mới lớp 10 đã phải nghỉ học giữa chừng vì mang thai; rồi học sinh đánh nhau; học sinh thóa mạ thầy cô… đều là những vấn đề đạo đức. Em nghĩ, thay vì dạy những kiến thức cao xa không phù hợp thì thầy cô nên phải trả môn Giáo dục công dân về đúng với bản chất của nó. Hãy dạy chúng em về những kỹ năng sống, cách ứng xử giữa con người với con người, cách yêu thương người khác…”, My nói và cho biết áp lực về điểm số, về chỉ tiêu đang đè nặng lên cả học sinh lẫn giáo viên khiến cho nhiều môn học trở nên gượng gạo. Một học sinh khác cũng phản ánh, dù TP HCM đang là thành phố đi đầu trong cả nước về việc dạy và học ngoại ngữ. Song, cũng như những môn khác, môn Anh văn trong trường học chủ yếu là ngữ pháp, học sinh học xong không thể sử dụng như mong muốn. Em này cho rằng những học sinh giỏi ngoại ngữ không phải do học chăm ở trong trường mà là ở các trung tâm Anh ngữ bên ngoài. Chăm chú lắng nghe những phản ánh của học sinh, ông Nguyễn Hoài Chương – Phó giám đốc Sở Giáo dục TP HCM cho biết, Sở sẽ phân tích ý kiến của học sinh để đưa ra phương pháp giáo dục, tìm xu hướng đổi mới để phù hợp hơn với thực tế. Cụ thể, Sở sẽ tăng cường các thiết bị, máy móc trong trường học để nâng cao số tiết thực hành, cho học sinh tham gia các giờ ngoại khóa nhiều hơn. Sở cũng khuyến khích tất cả giáo viên dạy theo yêu cầu của thực tế chứ không nhất thiết phải dạy hết kiến thức trong sách giáo khoa, miễn sao có hiệu quả. Để giảm bớt căng thẳng, nhiều học sinh còn tham gia khuấy động không khí buổi giao lưu. Ảnh: Nguyễn Loan Về vấn đề ngoại ngữ, theo Phó giám đốc Sở Giáo dục TP HCM được thụ hưởng rất nhiều đề án nâng cao năng lực tiếng Anh, nên so với cả nước thì đây là thành phố đứng đầu về khả năng tiếng Anh của học sinh. Tuy nhiên, ông Chương cho rằng vì thời gian học trên lớp khá hạn hẹp, để đạt hiệu quả cao hơn học sinh có thể tham gia học online hoặc học thêm ở các trung tâm Anh ngữ. Nói về việc học sinh không hứng thú học các môn xã hội và học đối phó, ông Chương thừa nhận để xảy ra tình trạng này một phần cũng do nhiều học sinh chỉ học các môn trong khối thi mà bỏ qua những môn khác. “Tất cả các môn học được đưa vào trường dạy không phải chỉ để cho có. Đấy chính là các môn tạo ra kiến thức và kỹ năng cần thiết cho các em, nhất là kiến thức môn Sử và Địa sẽ vận dụng vào đời sống hàng ngày rất nhiều. Nếu các em chỉ chăm chăm học các môn trong khối thi sẽ bị lệch kiến thức, thậm chí là ‘què quặt’ về nhận thức”, ông Chương nói. Đây là lần thứ 6 Sở Giáo dục – Đào tạo TP HCM tổ chức chương trình Đối thoại giữa học sinh với lãnh đạo để lắng nghe các ý kiến của học sinh nhằm có quyết sách, phương pháp giáo dục phù hợp với nguyện vọng của các em. Nguyễn Loan Theo VNExpress
tccl.info
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ
Chủ đề cùng mục