Một xe khách bị nhóm côn đồ đập vỡ kính ngày 27/9 tại địa phận thị trấn Đông Anh (Hà Nội). |
“Luật” ngầm của xe “đầu gấu”
Sáng 19/10, chúng tôi lên chiếc xe khách “thường dân” đi Thái Nguyên từ bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông, Hà Nội) - Thái Nguyên. Khi chạy đến khu vực gần bến xe Mỹ Đình, trên xe đã gần kín chỗ, hành khách giục lái xe cho xe chạy nhanh hơn. Nhưng khi phát hiện chiếc xe “đầu gấu” đang đi phía trước, lái xe đột ngột giảm tốc độ rồi chạy rì rì. Mọi người trên xe chưa kịp hiểu lý do, bất ngờ từ phía sau một chiếc xe máy chở hai thanh niên bặm trợn phi lên trước chặn đầu xe khách, một người chỉ thẳng vào mặt lái xe quát to: “Bố đi kiểu gì thế, bố đi sát thế sao con bắt khách được?”. Lái xe xuống nước năn nỉ: “Xe tao đủ khách rồi, cho tao đi trước”. “Đi sau, không nói nhiều” - gã thanh niên gằn giọng. Lái xe cho hay hai người trên nằm trong đội quân bảo kê cho chiếc xe “đầu gấu”.
Sáng 20/10, chúng tôi có mặt trên chiếc xe “thường dân” khác xuất phát tại bến xe Mỹ Đình, chạy trước khoảng 300m là xe “đầu gấu” đang đủng đỉnh đón khách. Lái xe “đầu gấu” liên tục gọi điện đe nẹt ép xe “thường dân” phải chạy sau. Khi chạy tới điểm gần Trường đại học Ngoại ngữ khoảng 200m, tranh thủ lúc xe “đầu gấu” tấp vào lề đón khách, lái xe “thường dân” nhấn ga định vượt lên phía trước, ngay lập tức chiếc xe “đầu gấu” chồm lên, lấn sang trái, ép xe “thường dân” vào lề đường.
Trưa 20/10, tại khu vực ngã ba Bắc - Nam thành phố Thái Nguyên, một xe “đầu gấu” chạy tuyến Thái Nguyên - Mỹ Đình thong thả đón khách, ngay phía sau là một loạt xe “thường dân” ngoan ngoãn bám đuôi theo. “Chúng tôi mà lái xe diễu hành là chuẩn luôn, không cần tập vẫn đảm bảo đúng tốc độ, đúng cự ly, giữ được đội hình” - một lái xe “thường dân” chua chát nói.
Chiều 21/10, chúng tôi đi trên một chiếc xe “thường dân” cũng chạy tuyến Thái Nguyên - Hà Nội. Như thường lệ, từ bến xe Thái Nguyên, xe này cùng năm xe “thường dân” khác cứ phải lẳng lặng bám đuôi một chiếc xe “đầu gấu”. Khi đến địa phận thuộc Tân Sơn (thị xã Sông Công, Thái Nguyên), chiếc xe “đầu gấu” dừng lại, lái và phụ xe “đầu gấu” nhảy xuống và tiến tới một chiếc xe “thường dân” đi ngay phía sau để chửi bới, đe dọa.
Đối tượng của xe “đầu gấu” chặn ngang đường đe dọa không cho xe “thường dân” chạy cùng tuyến vượt lên đi trước |
Cầm trên tay xấp giấy dày gồm những giấy tường trình của lái, phụ xe; công văn, văn bản của cơ quan công an Thái Nguyên, Hà Nội gửi về, ông Tạ Cao Giang - trưởng phòng kế hoạch điều độ (Xí nghiệp Tân Đạt - Tổng công ty Vận tải Hà Nội) - lắc đầu ngao ngán: “Chúng (xe “đầu gấu”) lộng hành ngang ngược quá chừng, rất nhiều lái, phụ xe của công ty đã bị đánh toác đầu, chảy máu, xe bị đập phá hư hỏng”.
Ông Giang cung cấp cho chúng tôi bản danh sách dài thống kê những vụ xe Tân Đạt chạy tuyến Hà Nội - Thái Nguyên bị các nhà xe “đầu gấu” ức hiếp, tấn công. Cụ thể, ngày 15/6, xe mang BKS 29V bị phụ xe của hãng xe Khánh Thịnh (Hà Nội - Thái Nguyên) đập vỡ kính chắn gió, đe dọa hành hung lái xe. Ngày 12/7, xe mang BKS 29V bị nhóm đối tượng bảo kê của các xe “đầu gấu” ném vỡ kính. Ngày 27/8, lái xe mang BKS 29V bị phụ xe “đầu gấu” đánh bị thương ngay tại bến xe Mỹ Đình…
Ngoài những vụ như vậy, ông Giang cho biết các lái xe của Xí nghiệp Tân Đạt thường xuyên nhận được tin nhắn, cuộc gọi của nhiều đối tượng lạ đe dọa không được tiếp tục chạy tuyến Hà Nội - Thái Nguyên…
Không chỉ đe dọa, gần đây nhất ngày 28/10, khi xe vừa xuất bến Mỹ Đình, anh Q. - lái xe “thường dân” - bị phụ xe “đầu gấu” chặn đầu, mở cửa lao vào buồng lái đấm vào mặt nhiều cái. Khoảng 15h cùng ngày, tại khu vực cổng Trường đại học Y Thái Nguyên (cách bến xe Thái Nguyên vài trăm mét), một lái xe “thường dân” cũng bị một đối tượng đánh bị thương nặng. Theo các lái xe, đối tượng đánh anh T. bảo kê cho chủ của 4-5 chiếc xe kháchchạy tuyến Hà Nội - Thái Nguyên.
Theo cánh lái xe chạy tuyến Hà Nội - Thái Nguyên, cứ mỗi lần nghe đến những cái tên như “Bằng Thăng”, “Việt Vâu”, “Tuấn Họa”, “Tuấn Béo”, “Duy Mến”… là lại giật mình thon thót, vì đây chính là những “trùm” đằng sau các xe “đầu gấu”. Các lái xe cho biết mỗi “ông trùm” thường có 3-5 chiếc xe khách, phía sau luôn có một lực lượng bảo kê rất hùng hậu rải dọc tuyến Hà Nội - Thái Nguyên. Trong số đó, thô bạo nhất là “ông trùm” có tên Duy Mến. “Người này đã chỉ đạo đàn em đánh rất nhiều lái xe” - anh T. nói.
Các lái xe khẳng định những xe “đầu gấu” có đăng ký vào các doanh nghiệp vận tải, nhưng thực chất là hoạt động tự do.
Điêu đứng
Trong nhiều ngày đi trên những chuyến xe Hà Nội - Thái Nguyên, chúng tôi thấy các xe “thường dân” có thể vượt nhau, nhưng tuyệt đối không dám vượt xe “đầu gấu”. Anh H., lái xe “thường dân” chuyên chạy tuyến Sơn Tây - Thái Nguyên, cho hay nhiều lần xe của anh chạy từ Sơn Tây về đến điểm gần Trường đại học Ngoại ngữ (cách bến xe Mỹ Đình khoảng 500m) trên xe đã đầy khách, dù không có nhu cầu đón thêm nhưng vẫn phải ì ạch chạy sau do các xe “đầu gấu” gây sức ép. Anh H. kể không chỉ ép các xe chạy tuyến Hà Nội - Thái Nguyên, xe “đầu gấu” còn chèn ép các xe trái tuyến khác như Hà Nội - Hà Đông, Vân Đình, Hòa Bình, Sơn Tây và cả các xe từ Cao Bằng, Bắc Kạn xuống Hà Nội.
Việc bị chèn ép khiến nhiều xe “thường dân” kinh doanh điêu đứng, không đón được khách. “Chúng xuất bến trước chúng tôi cả nửa giờ, nhưng khi chúng tôi ra khỏi bến chúng vẫn lù lù trước mặt, mình vượt nó không cho, có khách nào nó cướp khách đấy, chuyến nào nó cũng đầy khách, xe mình thì trống hoác” - một lái xe tố giác.
Ông Tạ Cao Giang cho hay trước đây hoạt động kinh doanh của công ty rất hiệu quả nhưng gần đây doanh nghiệp mất khách quá nhiều do bị chèn ép, công ty buộc phải giảm xuống chỉ còn 13 đầu xe hoạt động tuyến này. Không chỉ khiến doanh thu sụt giảm, kinh doanh thua lỗ, nhiều lái xe của công ty đã phải bỏ nghề vì lo sợ. “Chúng nắm trong tay danh sách số điện thoại tất cả các lái, phụ xe cùng tuyến, thỉnh thoảng chúng lại nhắn tin đe dọa, khủng bố tinh thần các lái, phụ xe” - ông Giang cho hay.
Theo tìm hiểu, doanh nghiệp HL - một đơn vị kinh doanh vận tải tuyến Hà Nội - Thái Nguyên khá mạnh - do không chịu nổi sức ép từ các xe “đầu gấu”, mới đây đã phải bán nốt cho các chủ xe “đầu gấu”. Những xe này sau khi mua lại thương hiệu đã lấy mác của doanh nghiệp chính đáng để hoạt động cạnh tranh không lành mạnh với các xe khác.
[justify]Ông Nguyễn Mạnh Tuấn (phó giám đốc bến xe Mỹ Đình): Tôi nghe nói chuyện này lâu rồi[/justify] [justify]Tôi đã nghe anh em lái xe rì rầm hiện tượng này (chèn ép, bảo kê) từ lâu, tuy nhiên chưa nhận được đơn từ tố giác nào. Chúng tôi chỉ có thể kiểm soát hoạt động trong bến chứ không thể vượt chức năng, thẩm quyền để “thò tay” ra ngoài được. Bến chỉ có thể xử lý bằng cách đình tài, thậm chí đình chỉ hoạt động vĩnh viễn của xe khi cơ quan chức năng gửi biên bản xử lý vi phạm. Mới đây bến đã xử lý đình tài xe của doanh nghiệp Dũng - Thủy vì hành hung lái xe của doanh nghiệp khác.[/justify] [justify]Theo thông tin chúng tôi nắm được, cung đường dọc quốc lộ 3 Hà Nội - Thái Nguyên tình hình đang có dấu hiệu nóng lên như đường 5, tuyến Hà Nội - Hải Phòng trước đây. Nếu cơ quan chức năng không làm quyết liệt sẽ rất lộn xộn, phức tạp.[/justify] [justify]Đại tá Nguyễn Như Tuấn (giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên): Từng xử lý bảo kê xe khách[/justify] [justify]Trước đây hiện tượng xe khách “đầu gấu”, hoạt động bảo kê xe khách diễn ra phức tạp ở Thái Nguyên. Thậm chí năm 2011, các đối tượng như nhóm “Việt Vâu” còn ngang nhiên vác dao, đưa ôtô bốn chỗ dẫn đường bảo kê không cho các xe khác vượt qua. Sau này chúng tôi đã chỉ đạo phòng cảnh sát hình sự vào cuộc điều tra và bắt hết các xe vi phạm. Đến nay, tôi khẳng định không còn hiện tượng đó. Nếu có, có thể chúng chờ qua khỏi đất Thái Nguyên mới hoạt động.[/justify] [justify]Ông Nguyễn Ngọc Mẽ (đội trưởng Đội CSGT số 6 Công an Hà Nội): Có hiện tượng chèn ép[/justify] [justify]Tình trạng chèn ép nhau thường xảy ra ở khu vực Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh) và dọc quốc lộ 3. Việc xe xuất bến chạy tốc độ rùa bò gây ùn tắc, mất trật tự trên tuyến đường xảy ra rất nhiều, chúng tôi rất bức xúc. Thông thường khi công an xuất hiện là chúng tăng tốc, sau đó lại tiếp tục trò cũ. Tôi khẳng định không hề có chuyện lực lượng CSGT đội 6 bảo kê cho bất kỳ xe khách nào. Bất cứ trường hợp vi phạm nào công an phát hiện đều lập biên bản, xử lý.[/justify] [justify]Đại tá Đào Thanh Hải (trưởng PC45 Công an Hà Nội): Vào cuộc điều tra ngay[/justify] [justify]PC45 sẵn sàng tiếp nhận thông tin, tiến hành lập chuyên án điều tra. Nếu phát hiện có dấu hiệu hình sự, hủy hoại tài sản hoặc cố ý gây thương tích chúng tôi sẽ bắt giữ các đối tượng phạm pháp ngay lập tức.[/justify] [justify]Trung tá Vũ Bá Xiêm (đội trưởng đội trên tuyến và địa bàn PC45):[/justify] [justify]Lực lượng công an đã nắm được một số thông tin liên quan tới tình trạng chèn ép, bảo kê trên một số tuyến đường. Trước đây, PC45 đã lập chuyên án xử lý một nhóm đối tượng liên quan tới hoạt động vận tải hành khách, thu giữ nhiều đao, kiếm. Khó khăn của cơ quan điều tra là các vụ va chạm thường xảy ra ở địa bàn giáp ranh hoặc ngoại thành, các bị hại ít khi trình báo. [/justify] |