TTO - Ngày 17-3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Tiền Giang cho biết đã nhận được đơn của anh Nguyễn Văn Hải, chồng sản phụ Nguyễn Thị Yến Linh (30 tuổi, ngụ xã Tam Bình, H.Cai Lậy, tử vong cả mẹ và con sau khi nhập viện sinh con tại Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang ngày 22-2).
* Lo trẻ, “quên” mẹ
Theo đó, anh Hải đề nghị khởi tố vụ án hình sự để điều tra hành vi vô ý làm chết người xảy ra tại Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang theo điều 99 Bộ Luật hình sự.
Theo trình bày của anh Hải, sau khi vợ anh nhập viện chuẩn bị sinh vào chiều 22-2 thì bệnh viện cho làm nhiều xét nghiệm.
Đến sáng 23-2 anh không thấy ai quan tâm đến việc chuyển dạ của chị Linh nên anh đã nhiều lần xin chuyển lên Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM nhưng đều bị từ chối. Trưa cùng ngày anh lại yêu cầu chuyển viện hoặc mổ bắt con chứ để hoài anh không yên tâm, song bác sĩ đều phớt lờ.
Khi biết con anh đã chết thì bệnh viện còn yêu cầu anh đi đóng tiền mà không nói tiền gì, sau đó anh mới biết là tiền mổ cắt tử cung vợ anh. Đến 20g anh còn được yêu cầu ký cam kết tự nguyện cho cắt tử cung để làm xét nghiệm. Anh cũng yêu cầu bệnh viện giải thích tình hình sức khỏe của vợ nhưng bác sĩ bảo “đang cấp cứu”.
Tuy nhiên trên thực tế thì lúc đó vợ anh đang bị bỏ nằm trên xe cứu thương trong thời gian dài không được chuyển viện. Anh Hải cho rằng bệnh viện tắc trách, coi thường tính mạng bệnh nhân bất chấp cảnh báo và đề nghị của anh nên mới gây ra hậu quả đau lòng là vợ và con anh đều tử vong.
Cơ quan điều tra cho biết đang nghiên cứu hồ sơ vụ việc và chờ một số kết quả xét nghiệm để xác định có khởi tố vụ án hay không.
Cùng ngày, UBND tỉnh Tiền Giang có báo cáo gửi Tỉnh ủy về trường hợp sản phụ Nguyễn Thị Yến Linh.
Theo đó, Sở Y tế đã tổ chức họp hội đồng chuyên môn có sự tham gia của Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) để đánh giá nguyên nhân tử vong và kết luận sản phụ Nguyễn Thị Yến Linh sinh con lần ba, vỡ ối sớm, cơn gò chưa đủ nên chỉ định giục sanh là phù hợp.
Tuy nhiên, trong quá trình theo dõi, kíp trực chưa đánh giá và tiên lượng được đây là ca sanh khó, có nguy cơ vỡ tử cung. Sau sanh, do trẻ sơ sinh bị ngạt, kíp trực tập trung vào hồi sức cấp cứu trẻ nên việc phát hiện sản phụ vỡ tử cung chưa kịp thời.
Mặc dù được hồi sức tích cực nhưng do tình trạng nặng nên trẻ đã tử vong.Ngay khi phát hiện sản phụ vỡ tử cung, kíp trực đã tập trung hồi sức tích cực và phẫu thuật cắt tử cung cấp cứu.
Do phẫu thuật phức tạp, cầm máu khó nên tình trạng của sản phụ diễn biến nặng, buộc phải chuyển tuyến đến Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ và Bệnh viện Nhân dân 115.
Các bệnh viện tuyến trên đã tập trung cứu chữa, nhưng do bệnh nhân suy đa tạng sau sốc mất máu không hồi phục nên đã tử vong sau đó.