Đàm phán đưa thêm lao động sang Lào, Campuchia
Bộ LĐTB&XH và cơ quan liên quan của Việt Nam, Lào và Campuchia nghiên cứu để sớm triển khai đàm phán về hợp tác lao động.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa có ý kiến chỉ đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan của Việt Nam, Lào và Campuchia tuyên truyền, phổ biến các quy định về chính sách lao động (sử dụng lao động, cấp giấy phép lao động,…), tiền lương, bảo hiểm để doanh nghiệp và người lao động Việt Nam làm việc trong các dự án của nhà đầu tư Việt Nam tại Lào và Campuchia chấp hành theo đúng quy định.
Theo đó các cơ quan nghiên cứu để sớm triển khai đàm phán về hợp tác lao động với Campuchia, trước mắt đàm phán cho phép một số doanh nghiệp Việt Nam đưa thêm lao động sang làm việc tại các dự án tại Campuchia để bảo đảm yêu cầu sản xuất.
Trước đó theo tờ VOV cũng dẫn lời Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ochao cho biết, nước này sẽ thiếu 60.000 đến 70.000 lao động phổ thông khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào đầu năm 2016.
Theo đó nước này đang đẩy mạnh xem xét việc nhập khẩu lao động từ Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu này.
Để thực hiện Thái Lan dự kiến thúc đẩy việc ký Biên bản ghi nhớ hợp tác về lao động với Việt Nam, đồng thời chỉnh sửa các Biên bản ghi nhớ hợp tác về lao động vốn đã có từ trước với 3 nước Campuchia, Lào và Myanmar nhằm phù hợp với sự thay đổi của tình hình chính trị, kinh tế và xã hội hiện nay.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth cũng cho biết, sau khi đã có sự bàn bạc giữa Thái Lan với nhóm 4 nước (Lào, Việt Nam, Campuchia, Myanmar), nước này sẽ tổ chức các cuộc đàm phán riêng rẽ với từng nước nhằm tìm kiếm biện pháp hợp tác hiệu quả nhất và dự kiến sẽ tiến hành trong tháng ba này.
Trong khi đó bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam (quý I năm 2014) của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng cục Thống kê cho thấy: Năm 2013, cả nước có khoảng 900 nghìn người thất nghiệp, chiếm 1,9% lực lượng lao động trong độ tuổi. Ðáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp cao rơi vào những nhóm có chuyên môn kỹ thuật.
Trong đó, thanh niên từ 20 đến 24 tuổi tốt nghiệp CÐ-ÐH trở lên có tỷ lệ thất nghiệp cao (20,75%); khoảng 72.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp (cao gấp 1,7 lần so năm 2012).
Một số nhóm ngành tuyển nhiều lao động phổ thông, như thủy sản, kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật dệt may, thiết kế thời trang… không tuyển đủ lao động. Trong khi đó, nhiều lao động có chuyên môn nghiệp vụ như kế toán, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin… không tìm được việc làm.
Trong khi đó, nguồn vốn và các dự án FDI vào Việt Nam lại đang giảm mạnh. Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết tính đến ngày 20/2/2015 với tổng vốn chưa tới 1,2 tỷ USD đăng ký cấp mới và tăng thêm trong 2 tháng đầu năm, vốn FDI chảy vào Việt Nam chỉ bằng 77,5% so với cùng kỳ năm 2014.