Phía sau “giỏi toàn diện” là những câu chuyện buồn
Trang An (17 tuổi, QN) có thành tích 9 năm liền là HSG. Vào cấp 3, nhà chuyển lên thành phố học, Trang An được làm quen với rất nhiều điều mới mẻ. Cô bạn xin vào làm thêm ở trung tâm Anh ngữ, thỉnh thoảng viết bài cộng tác với một tờ báo dành cho teen. Lực học không còn duy trì ở mức xuất sắc như trước nhưng cũng chưa từng bị thầy cô nhắc nhở môn nào. Tuy nhiên, cuối năm học lớp 10, nhận được bảng điểm “không còn như cũ” của An, bố mẹ đã mắng cô nàng rất nặng lời vì đã không duy trì thành tích giỏi toàn diện như trước. Trang đã phải nghỉ làm thêm, ngừng viết lách để tập trung vào việc học như mong muốn của bố mẹ.
Thế nhưng, khi bạn không thực sự đam mê, bạn rất khó để có thể tập trung và thành công. Trường hợp của Trang là một ví dụ. Trang học rất tốt môn Văn và Anh nhưng lại yếu dần các môn tự nhiên do không còn ham thích nữa.
Phần nào đó giống với trường hợp của Trang An, Thùy Giang (cựu học sinh THCS Tiên Du, Bắc Ninh) đã bị bạn bè trong lớp chê cười chỉ bởi “không giỏi toàn diện”. Giang là một cô bạn năng động, đảm nhiệm vị trí liên đội trưởng, kiêm BTV của kênh radio cho Đoàn trường.
Giang thường nhận được những câu hỏi nhờ tư vấn của mọi người. Một lần, Giang đã có bài radio nói về vấn đề học lệch, Giang khuyên mọi người không nên dành quá nhiều thời gian cho một môn học và lơ là những môn còn lại. Giang không biết rằng vì bài báo đó, sau một lần bị gọi lên bảng kiểm tra miệng và không thể trả lời câu hỏi thầy giáo đưa ra, các bạn trong lớp đã chê cười và lên án Giang như thể Giang là kẻ học… dốt nhất lớp. “Không ai có thể hoàn hảo, tinh thông tất cả mọi thứ. Tớ cũng thế. Mọi người đã khoác lớp vỏ toàn diện lên tớ và trở nên thất vọng. Tất cả những cảm xúc đó, mình tớ gánh chịu. Tớ cảm thấy rất buồn” - cô bạn chán nản chia sẻ.
Giỏi vài môn hay giỏi toàn diện, bạn chọn thứ nào?
Trên thực tế, ai cũng muốn có thể nắm vững kiến thức của tất cả các môn học. Hãy cố gắng hết sức mình để đạt được những gì bạn mong muốn. Tuy nhiên, nếu bạn không thể, hãy giải phóng bản thân mình khỏi những áp lực của việc giỏi toàn diện. Thay vào đó, bạn hãy:
- Tập trung vào những môn thế mạnh của bạn. Bạn sẽ gặt hái được những điểm cao, “cứu cánh” cho những môn còn lại.
- Tìm người trợ giúp để học nhóm. Ví dụ, nếu bạn học tốt môn Hóa nhưng cực kém môn Sử, hãy chọn học nhóm với người học tốt môn Sử nhưng không tốt môn Hóa. Hai bạn có thể giúp đỡ lẫn nhau và cùng tiến bộ thay vì cùng tranh luận quá nhiều những điều không cần thiết.
- Chấp nhận rằng mình không thể giỏi toàn diện. Điều đó đúng với tất cả mọi người. Nghĩa là ngay cả khi bạn tự tin rằng bạn nắm rõ mọi thứ, vẫn sẽ có những câu chuyện, sự kiện trong cuộc đời này bạn không thể tường tận hết. Đó là lý do chúng ta chăm chỉ học tập mỗi ngày.
- Học vì bản thân, không học vì cái bóng. Bố mẹ luôn muốn những điều tốt đẹp cho con cái của mình. Một trong những điều tốt đẹp đó là con cái họ học giỏi tất cả các môn, sở hữu bảng điểm thật đẹp. Thế nhưng, khi bạn không thể, hãy tâm sự với bố mẹ mình. Hãy học vì chính bản thân mình, học để theo đuổi đam mê, ước mơ của bản thân thay vì để làm hài lòng bố mẹ. Cuộc sống tương lai của bạn, là của bạn chứ không phải bố mẹ bạn, nhớ nhé!
Kênh 14