Trẻ bị biến chứng nặng do sởi đang được chăm sóc tích cực tại BV Nhi đồng 2 (Ảnh: Vân Sơn)
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), số bệnh nhân mắc sởi có xu hướng giảm. Trong ngày 20/4 cả nước ghi nhận thêm 70 trường hợp mới mắc sởi trong tổng số 235 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 25 tỉnh, thành phố. Trong ngày không ghi nhận trường hợp tử vong do sởi.
Tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay cả nước ghi nhận 3.430 trường hợp mắc sởi trong tổng số 9.243 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 61/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 25 trường hợp tử vong do sởi trong số 116 trường hợp nặng xin về và tử vong có liên quan đến sởi. Có 12 tỉnh, thành phố trên 21 ngày qua không ghi nhận bệnh nhân mắc sởi. Số bệnh nhân sởi mới ghi nhận trong ngày tại một số bệnh viện tuyến Trung ương giảm, ghi nhận 30 bệnh nhân so với 36 bệnh nhân ngày 19/4/2014.
Tại BV Nhi Trung ương, so với thời điểm bệnh viện phải “cầu cứu” Bộ Y tế vì quá tải bệnh nhân sởi, con số bệnh nhân mắc mới đang giảm xuống. Trong ngày 20/4, có 212 bệnh nhân điều trị tại bệnh viện, trong đó chỉ có 5 bệnh nhân mới. Tuy nhiên, tình trạng lây nhiễm chéo trong bệnh viện vẫn xảy ra. Trước đó, ngày 17/4, có đến 33 bệnh nhân lây sởi từ khoa khác chuyển xuống. Đến ngày 20/4 con số này đã giảm xuống là 3 trường hợp. Tuy nhiên, số bệnh nhân nặng phải thở máy vẫn duy trì ở mức cao, 18 trường hợp.
Tương tự tại khoa Nhi BV Bạch Mai, tuy tổng số bệnh nhân nặng ít hơn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, nhưng chỉ tính riêng số bệnh nhân sởi nhập viện đã bang số giường điều trị thực tế tại khoa (60 giường bệnh). Còn lại một nửa là các bệnh nhân mắc các bệnh lý khác nên vẫn xảy ra tình trạng nằm ghép. Khoa Nhi đã sắp xếp kê thêm 10 giường bệnh tại sảnh, hành lang để giãn bệnh nhân nằm ghép.
Ngày 20/4, con số bệnh nhi sởi điều trị tại khoa là 61 trường hợp, trong đó 7 trường hợp nhập viện mới và số bệnh nhân nặng lên đến 11 trường hợp, 5 bệnh nhân phải thở máy.
Đến nay, chiến dịch tiêm vét vắc xin sởi đạt tỉ lệ 59,0%. Đáng nói, chỉ có 9 tỉnh có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng, chống dịch sởi đạt trên 80% (tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, kết quả tiêm chiến dịch vắc xin phòng chống dịch sởi đạt kết quả lần lượt là 83,1% và 61,7%), còn nhiều tỉnh tỷ lệ tiêm đạt rất thấp. Có đến 11 tỉnh có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi đạt tỷ lệ tiêm thấp đạt dưới 50% như Trà Vinh, Hòa Bình, Tiền Giang, Lai Châu, Nghệ An, Đồng Nai…
Trước đó, tại cuộc họp báo thông tin về bệnh sởi Bộ Y tế chính thống tổ chức lần đầu tiên, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chỉ đạo, để kiểm soát dịch thì việc tiêm chủng cần triển khai quyết liệt. Bởi chỉ có tiêm vắc xin mới là biện pháp dự phòng đặc hiệu nhất, bảo vệ 95% trẻ tiêm chủng khỏi mắc sởi. Tuy nhiên đến nay, nhiều địa phương tỷ lệ tiêm vét vẫn đạt rất thấp.
Bộ Y tế cũng chính thức nâng mức độ đáp ứng với dịch ở mức độ cao hơn từ ngày 18/4. Theo đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch sẽ họp hàng ngày để cập nhật thông tin tình hình dịch sởi, kịp thời có những điều chỉnh trong chỉ đạo phòng dịch.