[Viet Yo] - Được thực hiện bởi Shyamalan - đạo diễn của bộ phim "Giác quan thứ sáu" và nhiều bộ phim xuất sắc khác - đáng tiếc là với "The Happening", ông đã tỏ ra xuống sức rất nhiều.
The Happening – Thảm họa toàn cầu
Đạo diễn: M. Night Shyamalan
Diễn viên: Mark Wahlberg, Zooey Deschanel, Ashlyn Sanchez
Thể loại: Dramm / Mystery
Năm sản xuất: 2008
Click vào đây để xem xem trailer của bộ phim.
Vào thời điểm hiện nay, bên cạnh Mira Nair (bà từng rất thành công với Monsoon Wedding, Vanity Fair), M. Night Shyamalan được coi là đạo diễn người Ấn tên tuổi nhất tại Hollywood. Tay nghề của Shyamalan đã được kiểm chứng qua nhiều tác phẩm ăn khách như The Sixth Sense, Signs, Lady in the Water… Và nay, với The Happening, anh đã không làm những khán giả trung thành của thể loại phim rùng rợn bí ẩn phải thất vọng.
Trường đoạn mở đầu là một trong những điểm gây ấn tượng nhất trong The Happening. Tại công viên trung tâm thành phố New York, bỗng nhiên hàng trăm người bị mất tự chủ, không thể kiểm soát được hành vi của mình. Họ đi giật lùi rồi tự sát đồng loạt. Vô số công nhân nhẩy xuống từ trên nóc một tòa nhà đang xây dựng dở. Viên sĩ quan cảnh sát rút súng rồi tự bắn vào đầu mình, làm “mẫu” cho những người tiếp theo. Hiện tượng kinh hoàng này lây lan qua khu Manhattan rồi nhanh chóng tràn ngập khắp vùng Đông Bắc nước Mỹ. Có thể nói khoảng hơn 5 phút đầu tiên, M. Night Shyamalan đã thực sự gây shock mạnh cho khán giả.
Trên truyền hình, hàng tá giả thiết được các chuyên gia đặt ra. Họ cho rằng đây có thể là một vụ tấn công khủng bố, hoặc cũng có thể do một loại khí độc mà chính phủ đang thử nghiệm vô tình bị rò rỉ. Cả nước Mỹ rúng động vì những thông tin trên, nhưng thực chất chẳng có một manh mối sáng sủa nào.
Khi “dịch bệnh” kì lạ đó lây lan qua Philadelphia, người dân tại nơi đây chìm trong hoảng loạn. Elliot Moore (Mark Wahlberg) - một giáo viên trung học vội vàng cùng vợ và hai bố con người bạn thân đi sơ tán khẩn cấp. Họ đáp chuyến tầu đi Harrisburg, Pennsylvania với hi vọng tránh được nguy hiểm. Shyamalan tiếp tục đưa người xem đến với những cảnh tượng kinh hoàng nhất. Sau New York, Pennsylvania chính là địa điểm “oanh tạc” của đạo diễn người gốc Ấn Độ này.
Chuyến tầu chở hàng trăm hành khách phải dừng lại đột ngột giữa đường vì không thể liên lạc được với những thành phố khác. Từ đây, Elliot cùng vợ và cô bé Jess phải trải qua cuộc hành trình chạy trốn, để tự cứu lấy bản thân, tự tồn tại trước bệnh dịch khủng khiếp có thể xuất hiện ở bất cứ nơi đâu. Trên đường đi, họ chứng kiến vô số người dân tự sát dưới nhiều hình thức khác nhau. Bản thân Elliot, với kiến thức và kinh nghiệm về khoa học của mình, anh cũng dần tìm hiểu ra nguyên nhân dẫn tới bệnh dịch thảm khốc này.
Mặc dù ở một vài tình huống, Shyamalan xử lí không được chắc tay, mang lại cảm giác khó chịu cho khán giả như trường đoạn Moore và Jess phản ứng sau khi 2 cậu bé bị giết, hay cảnh thể hiện tình yêu hơi “sến” cuối phim. Bên cạnh đó, câu chuyện liên tục chia thành nhiều hướng, khiến những nhánh rẽ nhỏ khác không được giải quyết triệt để. Nhưng nhìn chung, The Happening vẫn tạo được cảm giác hoang mang tột độ với đa số người xem. Ngoài ra, các nhân vật phụ luôn có những tính cách kì cục, khác người, càng khiến câu chuyện thêm phần bí ẩn. Bạn khó có thể đoán được diễn biến tiếp theo của câu chuyện.
Phim của M. Night Shyamalan là vậy, luôn đánh vào cảm giác khán giả thông qua những bí ẩn siêu nhiên, những tình tiết gợi trí tò mò. Anh luôn biết cách dẫn dắt người xem phải hồi hộp theo dõi từ đầu tới cuối, cho dù khi kết thúc sẽ có người thích kẻ không. Hiếm có đạo diễn nào định hình cho mình một phong cách đặc trưng như Shyamalan. Cứ mỗi khi nhắc đến tên anh, người ta sẽ nghĩ ngay tới những tác phẩm mang đậm chất kỳ bí, mà thông thường, mỗi khán giả sẽ đều có lời giải thích của riêng mình. Trong The Happening cũng vậy. Cho dù đã có những lời phân tích trên tivi về hiện tượng kinh hoàng diễn ra tại khu vực phía Đông Bắc nước Mỹ, nhưng dường như người xem vẫn bị lạc trong một màn sương mù dầy đặc. Đơn giản vì chúng ta vẫn không thể tìm được nguyên nhân chính xác. Sau khi ra khỏi rạp, hàng tá câu hỏi vẫn cứ lởn vởn trong đầu bạn, và tất nhiên bạn cũng không thể tự mình giải thích được cặn kẽ vấn đề.
Lời thoại trong phim khá kém cỏi, vài chỗ hơi ngớ ngẩn (Shyamalan viết kịch bản) nhưng bù lại quay phim rất sáng tạo. Hình ảnh các công nhân nhẩy xuống hàng loạt từ trên cao, cảnh 4, 5 thân người được treo toòng teng trên cây, rồi những cánh đồng cuộn lên vì gió gây ấn tượng mãnh liệt về mặt thị giác. Với The Happening, đây là lần thứ ba Shyamalan làm việc với nhà quay phim Tak Fujimoto. Chính ông đã cứu bộ phim khỏi gặp “thảm hoạ”. Thay vì nghe những câu thoại ngô nghê, khán giả sẽ được tập trung chiêm ngưỡng bữa tiệc về mặt hình ảnh.
So với những tác phẩm gần đây của mình như Signs, The Village, Lady in the water thì The Happening có nhiều cảnh ghê rợn hơn, máu cũng chẩy nhiều hơn. Chẳng thế mà bộ phim bị phân loại R tại Mỹ. Thậm chí The Sixth Sense kinh điển trong quá khứ cũng chỉ thuộc loại PG-13. Chính vì vậy, việc The Happening có thể bị cắt đi một vài đoạn tại Việt Nam là việc dễ hiểu. Một điều khá đáng tiếc.