Tâm sự - chia sẻ 2011-01-26 00:22:36

Tết năm sau con mới về với má :((


[size=1]Tết năm sau con về với má[/size]
Chợ hoa ngày Tết. Ảnh: Hoàng Hà.
[size=2]Cái không khí náo nhiệt của Tết được lan tỏa từ khu chợ về dần đến mỗi cửa nhà. Nhà mình cạnh chợ nên năm nào cũng được đón lây không khí đó trước tiên. (Ha Dang, Mỹ)[/size]"Thôi, má nghỉ chút đi cho khỏe. Con hôm nay đi làm về trễ, thấy hơi mệt nên chắc con cũng đi ngủ sớm đây". "Uh, con ngủ sớm đi, bye con. Nhớ chạy xe cẩn thận nghe con!".

Má của con là vậy đó, đã bye rồi nhưng biết thế nào cũng sẽ "bonus" thêm một câu nhắc nhở nữa cho nó yên tâm. Con nhấp chuột sign out đã lâu rồi mà vẫn còn ngồi nghĩ ngợi mông lung. Tối nay má con mình nói chuyện ít hơn thường ngày vì con sợ rằng má sẽ lại buồn. Buồn vì lại thêm một cái Tết nữa mà nhà mình không được đoàn viên trọn vẹn. Năm hết, Tết đến rồi, con muốn má phải buồn đâu. Má của con phải cười, phải vui để còn đón năm mới với ba, với anh chị và các cháu của con nữa chứ. Sao mà thời gian trôi nhanh quá má ha, quanh đi quẩn lại mấy bữa mà giờ lại rục rịch đón Tết nữa rồi. Bất chợt, con cười tủm tỉm với câu hỏi trong đầu: "Tết năm nay nhà mình có bán hoa Tết nữa không ta?".

Nhắc lại cái kỷ niệm bán hoa Tết ấy vậy mà đã nửa thập kỷ trôi qua rồi đó. Cứ đến dịp gần Tết là chợ khu mình bắt đầu nhộn nhịp hẳn lên. Ô sạp nào cũng trưng dụng hết tối đa cái phần diện tích cỏn con của mình có được để bày biện sao cho đủ các mặt hàng. Sạp thì bán quần áo đủ màu đủ kiểu kiêm thêm cái kệ giày dép được kê sát vách. Hàng tạp hóa thì ôi thôi là hạt dưa, bánh mứt đủ lọai, rồi còn dành cả cái bàn phía trước để bày những giỏ quà Tết được bọc giấy kiếng hồng hồng, bóng bóng nữa chứ… Cái không khí náo nhiệt của Tết được lan tỏa từ khu chợ về dần đến mỗi cửa nhà. Nhà mình được cái cạnh chợ nên năm nào cũng được đón lây cái không khí đó trước tiên. Hương sắc đậm đà của Tết làm rộn ràng, nao nức cả lòng người. Bởi thế mà Tết năm đó ở gần chợ mình đã tăng lên thêm một gian hàng hoa Tết để góp phần tô điểm cho sắc xuân phố mình thêm phần nhộn nhịp, tươi vui.

"Tết năm nào cũng toàn hưởng thụ, Tết năm nay phải thay đổi mới được!". Chị hào hứng với cái ý tưởng bán hoa Tết, đứa cháu họ nghe thế cũng nhiệt liệt hưởng ứng theo, anh con thì khuyến khích có nếu làm thì anh ủng hộ cho hai chuyến xe chở hàng, còn con thì khỏi phải nói, loi nhoi như một con dòi phấn khích kêu gọi sự đồng ý của cả nhà.

Kế họach cuối cùng đã được thông qua. Lần kinh doanh này chị cho con tham gia vô nữa, nghĩ tới cái cảnh được góp mặt trong "ban quản trị hoa" sao mà sung sướng gì đâu. Người thì góp công, người thì góp của, còn con thì góp… mặt. Vận dụng hết mọi nguồn quen biết cùng với vài chục cuốc điện thoại cuối cùng cũng tìm ra được đầu mối trại hoa. 20 Tết, đúng như đã hứa, anh dành hẳn cho hai chiếc xe tải cho đi lấy hàng. Giao dịch đã xong, xe cũng đã có sẵn, còn người cũng đã có thừa (là con) để đi nhận hàng. Chị nói đi lấy hàng ở miền Tây xa lắm mà còn vất vả nữa, hay em ở nhà chờ đi. Con giãy nảy, ra mặt giận liền. Sao mà ở nhà cho đựợc chứ, con cũng góp phần nên cũng phải có trách nhiệm nữa chứ.Vậy là xe xuất phát, con được ngồi giữa có chị và tài xế.

Đi rồi mới thấy chị nói thiệt, sao mà nó xa gì đâu. Hết chạy trên đường rồi lại qua phà, hết phà rồi lại bon bon chạy tiếp. Ngồi trên xe thì uể oải than mệt, vậy tới nơi mắt ai cũng sáng hẳn lên và nhanh nhảu, liến thoắng như quên hết cái sự mệt mỏi trước đó. Mệt sao cho được khi trước mắt mình là cả một vườn cúc vàng bạt ngàn với những bông hoa còn e ấp làm duyên mong đợi tới ngày xuân tỏa mình nở rộ. Đâu đâu cũng toàn là hoa, sắc hồng, sắc vàng, sắc đỏ ở khắp mọi nơi. Nhiều loài hoa đến nỗi con chẳng nhớ hết được tên.

Hoa được chất đầy lên hai thùng xe bon bon chạy ngược về phố. Về đến nhà cũng đã 1-2h sáng. Con te te chạy vô phòng tìm cái chăn yêu dấu mà không màng tới cái "ban hội hoa" kia nữa. Thôi kệ, thành viên, thành cục gì cũng được. Ngủ cái đã rồi sáng mai tính tiếp.

Sẵn được cái lợi thế gần chợ với thêm khoảng sân rộng trước nhà nên gian hàng mình trông hoành tráng dữ lắm! Hoa loại nào cũng có mà toàn hàng chất lượng không thôi. Chuyến này hứa hẹn sẽ được lắm đây. Con huy động đám bạn học gần nhà đến chơi cho vui, thêm đông người cho thêm phần xôm tụ, nếu có khách đến đông thì cũng có sẵn tụi nó đây mà nhờ vả chút đỉnh. Hàng xóm quý nhà mình nên đến cũng đông lắm, hoa từ từ vơi đi cũng nhiều thiệt nhưng sao vẫn chưa bù lại vốn được thì phải. Hóa ra nhà mình bán hoa thì ít mà tặng với cho thì nhiều. Bạn ba tới cũng biếu, bạn mẹ tới cũng tặng, bạn anh chị tới cũng tặng tuốt luôn…

Sau bao ngày vật vã giữa rừng hoa, anh tối ngủ trông hàng, mẹ cơm bưng nước rót phục vụ cho cái đội bán hoa này cuối cùng cũng thành công mỹ mãn. Hoa được bán sạch hết veo nhưng không lãi được đồng nào. Thế là nhà mình lại có được một kỷ niệm đáng nhớ về một năm phục vụ hoa Tết cho mọi người không công.

Con ngồi nghĩ ngợi miên man lại giật mình nhìn về thực tại. Vừa nãy chat với má, má kể hàng xóm nhà mình mới có người về Việt Nam ăn Tết. Con nghe má nói sao thấy chạnh lòng quá. Giá như Tết này con được về ăn Tết với nhà mình thì hay biết mấy. Nghĩ cũng lạ, con sống giữa cái thành phố mà bất kỳ người Việt nào ở Mỹ cũng muốn trụ lại. Thành phố mà có lượng người Việt sống đông nhất ở hải ngọai, giữa lòng tồn tại một cái khu tên là Sài Gòn Nhỏ cùng một cái chợ Việt vòm ngói xanh nổi tiếng Phước Lộc Thọ. Đâu đâu cũng tràn ngập màu sắc, nào là hoa đào hồng thắm, nào là bánh chưng, bánh tét xanh mướt lại thêm các câu đối đỏ treo cao lơ lửng như thu hút ánh nhìn của mọi người đi đường, còn người tới tham quan thì khỏi phải nói, đông vô kể. Hàng cây kiểng gần lối đi chính có mấy bác lớn tuổi đang sôi nổi tranh luận về các thế cây bonsai của năm nay. Bên trong chợ các chị gái lượn nhanh qua các gian hàng nữ trang xem đã có kiểu gì mới hơn chưa, thỉnh thoảng ở góc nào đó lại có tiếng người bật cười hả hê liền theo là vài tiếng chửi thề bực bội của vài người, à thì ra đó là hội của mấy ông đang chơi bầu cua cá cọp…

Tết Việt Nam ở Mỹ cũng rộn ràng là thế nhưng năm nào cũng chỉ lặp đi lặp lại có vậy mà thôi. Họa chăng có khác thì cũng chỉ là hình ảnh chú cọp hùng hổ đại diện năm ngoái được thay bằng cô miu đỏng đảnh của năm nay mà thôi.

Nhớ năm rồi con cùng với bạn con đón Tết trong bệnh viện đại học. Thương bạn bị đau mà không người chăm sóc, con đã cùng bạn đón giao thừa bằng cách ngắm màn bắn pháo bông ngắn ngủi của công viên Disney Land từ khung cửa sổ phòng bệnh của bạn. Thoắt một cái mà đã tròn một năm, mấy ngày này đi làm con trao tay bao nhiêu là cái bánh mứt cho khách hàng mà lòng con cũng không cảm nhận được hơi thở của Tết đang dần đến.

Có lẽ niềm vui tha hương của con là được chat với nhà mình mỗi tối trước khi đi ngủ. Hôm nay má hỏi con Tết năm nay bên con đã rộn ràng lên chưa? Con thờ ơ trả lời Tết ở đây có gì đâu mà vui, chán chết đi được. Má lạch cạch gõ gõ một lúc, màn hình hiện lên: "Con đừng nói bậy, Tết sao mà lại chán, Tết là dịp để mình nhớ về quê hương nguồn cội chứ. Má nhớ hồi xưa nhà mình không có điều kiện nhưng cái Tết nào cũng sung túc, gia đình quây quần bên nhau. Còn giờ khá hơn một chút má mới dám gởi con và chị đi xa nhưng gia đình lại thiếu vắng hơi ấm của từng thành viên…". Con đọc mà thấy ngậm ngùi. Bây giờ con mới thấm thía lời má nói trước kia. Thiệt là cái đất nước gì mà mới nghe tới cái tên thôi là đã thấy ham, tới khi đến được rồi mới thấy thấy là ham quay về.

Trằn trọc hoài mà cũng không thể chợp mắt được. Con ngồi dậy bật vài trang mạng Việt Nam lên xem tin tức cho đỡ nhớ. Lòng con bỗng thấy nôn nao lạ thường. Có một chút gì đó mới mẻ trong con, đúng là Tết đây mà, ngay ở màn hình laptop, trong những bài viết về những con người tất bật đón Tết ở quê hương mình. Con đọc đến đâu, không khí xuân tràn ngập về đến đó, hơi xuân ấm áp lan tỏa khắp phòng con. Giờ thì con đã thấy được nàng xuân mà lâu nay con tìm kiếm rồi. Không giống với mọi người đón sắc Xuân ngoài phố, còn con lại nếm hương vị Tết qua những bài báo mạng hay từ những hình ảnh ở nhà mình sửa soạn đón năm mới má gởi sang.

Con đọc những bài viết về Tết mà nhớ cái không khí đón Tết của nhà mình da diết. Nhà mình năm nào cũng chuẩn bị đón Tết thật chu tất. Mấy chị thì lo giặt màn, lau cửa kính cho thật sáng bóng. Nhà bếp là được mấy chị ưu tiên nhất, vất bỏ những thứ không cần thiết và sắp xếp sao cho thật gọn gàng để còn chừa chỗ cho má với mấy chị "ra tay" với những món ngon ngày Tết nữa chứ. Còn ba với mấy anh con thì có "nhiệm vụ" với chiếc tủ thờ. Lư hương, khung hình của ông bà được tháo xuống để lau chùi.

Con nhớ có năm nhà mình bận nhiều việc quá, thế là ba với các anh khệ nệ mang hai bộ lư hương đi nhờ người ta đánh bóng cho nhanh. Khệ nệ bưng đi rồi lại khệ nệ chở về. Mấy cha con ngắm tới, ngắm lui một chặp rồi cũng lại lôi trong tủ ra bộ đồ nghề cũ để tiếp tục công cuộc kỳ kỳ, cọ cọ hì hụi như năm nào. Ba nói họ làm mau quá nên không kỹ như ở nhà mình nhưng ba thông cảm cho họ vì một năm mới có một mùa như thế này để kiếm thêm thì làm nhanh cũng là chuyện đương nhiên thôi. Mấy anh tẩn mẩn, tỉ mỉ đến lau chùi lại cho thật sáng bóng. Bàn thờ được ba sắp đặt tươm tất với mâm ngũ quả đẹp mắt cùng một bình huệ trắng to trông thật trang trọng.

Năm nào cũng vậy, riết rồi thành thông lệ. Sáng sớm mùng một cả nhà mình dậy sớm đi nhà thờ mừng năm mới. Lễ tan là cả nhà đi viếng mộ ngoại rồi đến ông bà nội. Trở về nhà thắp nhang cho ông bà tổ tiên xong là đến màn chúc Tết. Lời chúc được chuyển dần từ ba má trước rồi đến mấy anh chị nhỏ hơn sau. Cảnh nhà mình lúc đó sao mà vui và ấm áp thật. Mấy đứa cháu thì háo hức nhận tiền lì xì, tụi nhỏ cười tít mắt với các lộc xuân đỏ chót ấy.

Vậy là năm nay con và chị phải chúc Tết nhà mình qua mạng Internet nữa rồi. Năm sau nhất định con với chị sẽ về đón Tết Việt, rồi gia đình mình sẽ có một cái Tết ấm áp đông đủ mọi thành viên như năm nào má nha! Sẽ không lâu nữa đâu, nhà mình rồi sẽ lại đón Tết cùng nhau. Trừ đi hôm nay, vậy là chỉ còn 364 ngày nữa thôi…

Ha Dang (Westminster, California
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)