Sau khi bị tàu hải giám, hải cảnh Trung Quốc tấn công, tàu kiểm ngư của Việt Nam đã đáp trả. Cuộc đối đầu diễn ra trong hơn một tiếng đồng hồ.
- [*]Người dân ba miền tuần hành phản đối Trung Quốc / Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép như thế nào
Tàu Trung Quốc tiếp tục hung hăng, xịt vòi rồng vào tàu kiểm ngư Việt Nam. Ảnh: Tuoitre. |
Trong tình huống trên, thuyền trưởng Cao Duy của tàu 9226 quyết định sử dụng súng bắn nước và xịt vòi rồng đáp trả, cản phá tàu Trung Quốc.
Cuộc đối đầu diễn ra hơn một tiếng, khoảng 9h45 thì tàu Trung Quốc rút. Tàu 9226 bị thiệt hại một phao bè, một ăngten Vinasat bị thổi xuống biển, một loa tuyên truyền bị hỏng nặng.
Trước đó, phía Trung Quốc đã nhiều lần có hành vi hung hăng ngăn cản tàu Việt Nam làm nhiệm vụ. Trong cuộc họp báo ngày 7/5, Cảnh sát biển Việt Nam đã công bố hình ảnh tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công các tàu kiểm ngư của Việt Nam, làm hư hỏng tàu và bị thương 6 kiểm ngư. Trong những ngày tiếp theo, có thêm 3 kiểm ngư viên bị thương trong các cuộc va chạm với tàu Trung Quốc.
Những ngày qua, Trung Quốc thường xuyên tăng cường số tàu và các máy bay để bảo vệ khu vực đặt giàn khoan. Ngày 11/5, báo Quân đội nhân dân dẫn lời Đại tá Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Cảnh sát biển cho biết, số lượng tàu Trung Quốc hoạt động tại khu vực đặt giàn khoan trái phép là 82, tăng 3 tàu so với ngày hôm trước. Trong đó, có 3 tàu chiến, 42 tàu chấp pháp, 14 tàu vận tải, 6 tàu dịch vụ dầu khí, 17 tàu cá.
Phía Trung Quốc liên tục cho khoảng 50 tàu cản trở các Biên đội tàu Cảnh sát biển Việt Nam thực thi pháp luật trên biển. Những ngày qua, nhiều lượt máy bay Trung Quốc liên tục hoạt động ở khu vực giàn khoan Hải Dương-981. Lực lượng cảnh sát biển cũng phát hiện 2 tốp máy bay quân sự Trung Quốc bay phía trên các tàu của Cảnh sát biển và Kiểm ngư của Việt Nam ở độ cao 800-1.000 m. Trong số này có một tốp máy bay tiêm kích và một tốp máy bay cánh bằng mang số hiệu 9401.
Trung Quốc cũng nới rộng phạm vi cấm các loại tàu bè hoạt động quanh giàn khoan từ 3 lên 10 hải lý.
5h22 sáng 1/5, các tàu kiểm ngư của Việt Nam phát hiện giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc cùng 3 tàu dịch vụ di chuyển từ tây bắc đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam xuống phía nam nhằm hạ đặt khoan thăm dò trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý.
Việt Nam đã sử dụng lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi phạm vi chủ quyền của Việt Nam. Các hội, ngành nghề của Việt Nam cũng đã lên tiếng phản đối kịch liệt hành vi ngang ngược của Trung Quốc. Hôm qua, người dân ở ba thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM đã xuống đường phản đối hành động của Trung Quốc, yêu cầu nước này rút giàn khoan khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
vnexpress.net