Không ai phủ nhận công việc vất vả của lực lượng CSGT. Những căn bệnh nghề nghiệp mà họ mắc phải, ít ai nhìn thấy. Tiền bồi dưỡng của một ca trực, chỉ đủ mua một chiếc bánh mỳ. Số tiền bồi dưỡng ít ỏi có phải là nguyên nhân nảy sinh tiêu cực mà dư luận đã phản ánh. Câu hỏi đặt ra, liệu tăng tiền bồi dưỡng có giảm được tình trạng mãi lộ ở lực lượng này?
Bệnh tật, ai hay?
Thượng tá Nguyễn Văn Tòng - Phó phòng CSGT - Công an Hà Nội - cho hay “Tôi chưa có thống kê về những bệnh nghề nghiệp mà các chiến sĩ CSGT mắc phải, trong khi thực thi nhiệm vụ, nhưng có thể khẳng định sẽ rất nhiều. Bởi lẽ, với mức độ ô nhiễm không khí, khói bụi, xăng xe hiện nay thì không thể tránh khỏi. Do đó, chúng tôi rất đồng tình với đề xuất về bồi dưỡng xứng đáng cho lực lượng CSGT của Thủ tướng. Vì lực lượng CSGT là lực lượng làm việc trong môi trường đặc thù”.
CSGT phân luồng tại ngã tư Lê Văn Lương - Láng (Hà Nội). Ảnh: H.N |
Môi trường không khí ở các đô thị lớn, ô nhiễm đến mức báo động. Ví dụ: Nồng độ bụi tại nơi CSGT làm việc ở TPHCM vượt ngưỡng cho phép từ 5 đến 15%, nồng độ SO2 vượt từ 10 đến 30%, đặc biệt, các chất gây ung thư từ không khí như chì, benzene, NO2 vượt ngưỡng nhiều lần (theo kết quả nghiên cứu của TS Nguyễn Bá Toại - Trường ĐH Xây dựng Hà Nội).
Không khí ở Hà Nội luôn chìm trong bụi và khói xe, bởi tốc độ tăng bình quân các phương tiện giao thông mỗi năm từ 15-20%, góp phần lớn vào việc phát thải độc hại. Theo nghiên cứu của ARIA Technologies - Cty chuyên cung cấp giải pháp phần mềm tính toán, mô phỏng ô nhiễm môi trường không khí và hỗ trợ dự báo khí tượng - thì nguồn gây ra ô nhiễm chính là giao thông.
Theo số liệu của Trung tâm Quan trắc môi trường, tại nhiều nút giao thông như Kim Liên - Giải Phóng, Phùng Hưng - Hà Đông, nồng độ bụi thường cao hơn mức cho phép, có lúc lên gấp 7 lần. Các khí ô nhiễm khác như CO, SO2 dưới tiêu chuẩn, nhưng đang có xu hướng tăng. Nguồn ô nhiễm từ hoạt động giao thông chiếm tới 70% tỉ lệ nguồn gây ô nhiễm ở Hà Nội.
Theo Viện Nghiên cứu KHKT - Bảo hộ lao động, CSGT thường mắc các bệnh như viêm khớp, tai mũi họng, viêm xoang, viêm tai… CSGT khi làm việc thường phải chịu đựng căng thẳng, nên cũng mắc một số bệnh tim mạch, huyết áp. Tuy nhiên, CSGT lại không được dùng các thiết bị bảo hộ. Trong khi người dân không chịu nổi khói bụi, đeo khẩu trang khi tham gia giao thông, còn lực lượng CSGT lại không.
Bồi dưỡng là cần thiết
Từ ý tưởng của nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, từ tháng 4.2012, chính quyền TP.Đà Nẵng đã thực hiện thí điểm việc “bồi dưỡng” cho CSGT, từ nguồn thu xử phạt hành chính trong lĩnh vực trật tự ATGT. Đây là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện chính sách “đặc biệt” này.
Theo đó, tùy theo vị trí, mỗi CSGT được nhận thêm số tiền ngoài lương cao nhất là 5 triệu đồng/người/tháng, thấp nhất là 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, sau 8 tháng thực hiện, việc bồi dưỡng tạm dừng từ tháng 11. Lý do ngừng là “tính pháp lý của việc chi trả”.
Thượng tá Nguyễn Đến - Trưởng phòng CSGT Đà Nẵng - cho biết, việc dừng chi trả tiền “bồi dưỡng” cũng xuất phát từ đề xuất chung của chiến sĩ của phòng, anh em cảm thấy “không vui” khi dư luận đề cập và so sánh, rồi kiểm toán vào cũng hạch hỏi khá nhiều…
Tuy vậy, phải thấy rằng, xuất phát từ công việc đặc thù của CSGT, hằng ngày công tác trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết và thời gian, làm việc hít thở trong bầu không khí đậm đặc ô nhiễm trên đường… nên chủ trương “bồi dưỡng” của chính quyền TP là nguồn động viên tinh thần và vật chất lớn cho lực lượng, trợ sức rất nhiều cho cán bộ chiến sĩ luôn phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ ở mức cao nhất.
Thượng tá Nguyễn Đến khẳng định, dù có được “đãi ngộ” hay không thì nhiệm vụ của đơn vị cũng phải thực thi tốt công vụ. Hiện cán bộ, chiến sĩ của CSGT Đà Nẵng hằng tháng, ngoài lương chỉ nhận được tiền bồi dưỡng theo Thông tư 89 của Bộ Tài chính (1,5 triệu đồng/người/tháng).
Vì vậy việc Thủ tướng Chính phủ đặt vấn đề về việc cần phải có một chính sách đặc thù “chi bồi dưỡng xứng đáng” cho lực lượng CSGT-TT là nguồn động viên lớn cho lực lượng.
Việc chi bồi dưỡng xứng đáng cho lực lượng CSGT là hết sức cần thiết, bởi họ phải làm việc trong môi trường có tính đặc thù riêng. Không thể so sánh và đưa ra câu hỏi rằng, liệu khi chi bồi dưỡng có giảm được tiêu cực của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng? Hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Việc chống tiêu cực trong lực lượng là trách nhiệm của lãnh đạo ngành. Việc chi bồi dưỡng, nên được hiểu là “trợ giúp” cho nghề nghiệp đặc thù.
Ý kiến người dân:
Anh Phạm Thanh Tùng - chủ doanh nghiệp tư nhân tại Hà Nội: Nên chú trọng vào ý thức của CSGT. Kinh nghiệm quan sát sau nhiều năm làm việc tại Singapore cho thấy, nếu đời sống và thu nhập của công chức, trong đó có CSGT được nâng lên ở mức khá, thu nhập của người cảnh sát đủ có thể nuôi vợ con họ, đồng thời, cơ quan chức năng nâng cao mức xử phạt khi họ có hành vi tiêu cực… Điều này chắc chắn sẽ khiến người cảnh sát suy nghĩ kỹ trước khi có hành động sai trái. Hoàng Mạnh ghi
Ông Trần Thanh Nhã (ngụ đường Nơ Trang Long, P.13, Q.Bình Thạnh, TPHCM): Rất hoan nghênh đề xuất của Thủ tướng để cho CSGT làm thêm giờ, làm ngoài giờ có bồi dưỡng xứng đáng. Tuy nhiên, để tránh xảy ra tiêu cực, thì làm gì cũng phải có sự giám sát của cơ quan chức năng cũng như người dân. Để xảy ra vi phạm thì phải xử lý nghiêm. Tôi muốn nhấn mạnh ở đây, đó là đãi ngộ thật xứng đáng, nhưng cũng xử lý phải nghiêm minh nếu vi phạm. Cần loại ngay khỏi ngành không những CSGT trực tiếp vi phạm mà ngay cả lãnh đạo của họ, nếu để xảy ra vi phạm, tiêu cực, nhũng nhiễu.
Chị Đoàn Thi Anh (ngụ đường Quang Trung, P.11, Q.Gò Vấp, TPHCM): Tôi làm nghề giao nhận hàng, nên thường ngày phải lưu thông bằng xe gắn máy. Nói cho công bằng, thì thấy mấy anh CSGT làm nhiệm vụ cực khổ, họ hít khói bụi cả ngày, mà lương thu nhập chính nếu không đảm bảo cho gia đình vợ con, cuộc sống bình thường, thì khó mà tránh sự sa ngã khi người vi phạm cố tình dúi tiền để không “ăn” biên bản. Bồi dưỡng làm thêm giờ, ngoài giờ xứng đáng là điều hiển nhiên không phải bàn, mà điều người dân quan tâm đó là không những CSGT, mà các lực lượng công an nói chung, cần phải có thu nhập tốt để họ làm nhiệm vụ tốt, bởi đây là ngành đặc thù, chống cái xấu, bảo vệ cái tốt cho xã hội. Phùng Bắc ghi
laodong.com.vn