Những nghiên cứu trước đây trên động vật gọi là lý thuyết lịch sử đời sống cho rằng mẹ có nhiều con sẽ chóng già hơn nhưng khảo sát của nhóm nghiên cứu tại ĐH Simon Fraser (Canada) mới đây cho thấy người mẹ đông con có telomere dài hơn, dẫn tới kết quả là họ chậm già hơn về mặt sinh học.
Trong khảo sát được công bố trên tạp chí PLOS One, GS Pablo Nepomnaschy và cộng sự khảo sát trên 75 phụ nữ thuộc sắc dân Kaqchikel Maya ở vùng cao nguyên Tây Nam Guatemala, so sánh số con và chiều dài telomere của nhóm người này trong vòng 13 năm. Chiều dài telomere được đo từ mẫu nước bọt ngay từ đầu và mẫu niêm mạc má trong khi kết thúc khảo sát.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy phụ nữ đông con có telomere dài hơn những người có ít con; mỗi đứa con có thêm ứng với độ dài thêm 0,059 đơn vị telomere. Kết quả tăng thêm vẫn được ghi nhận sau khi đã tính toán đến những yếu tố có khả năng gây ảnh hưởng khác như độ tuổi, tuổi sinh con đầu lòng, lối sống và thu nhập gia đình.
Nghiên cứu cho thấy phụ nữ đông con có telomere dài hơn phụ nữ ít conẢnh: MNT
Nhóm nghiên cứu khẳng định: “Phân tích của chúng tôi cho thấy có thêm con khiến quá trình ngắn đi của telomere giảm lại, tế bào chậm già nua”. GS Nepomnaschy nêu khả năng hormone estrogen tăng thêm mỗi lần mang thai đóng vai trò như chất chống oxít hóa, có thể bảo vệ tế bào trước quá trình ngắn lại của telomere.
Telomere là phần chóp nằm ở đoạn cuối DNA để bảo vệ nhiễm sắc thể khỏi bị tổn hại. Mỗi khi tế bào nhân bản, telomere ngắn lại và ngắn dần tới mức không còn khả năng bảo vệ nhiễm sắc thể khiến tế bào già đi và không còn chức năng hoạt động hiệu quả. Do đó, độ dài của telomere thể hiện quá trình lão hóa.
Theo Trúc Lâm (Người lao động)