Có những đồ vật, thực phẩm tưởng chừng không thể dùng tiểu xảo để chế biến, chế tạo, nhưng vẫn bị những tên thiếu lương tâm giở chiêu “treo đầu dê, bán thịt chó” để móc hầu bao thiên hạ.
Sau đây là những vụ việc bê bối đã và vừa bị phanh phui, khiến dư luận Trung Quốc vô cùng phẫn nộ.
Dầu ăn làm từ nước cống và rác thải
Hàng loạt cơ sở sản xuất dầu ăn trái phép tại Trung Quốc đã ngang nhiên vớt dầu cặn từ cống rãnh và thức ăn thừa trong rác thải từ các nhà hàng, mang về lọc lấy dầu thành phẩm và phù phép thành những chai dầu ăn “mới keng” để tung ra thị trường.
Sự việc bị phát giác khi một cư dân mạng cho đăng tải loạt ảnh hãi hùng chụp được cảnh sản xuất dầu ăn từ nước cống và rác thải ở quê mình. Theo người này, nội tạng lợn đã bốc mùi hôi thối, ươn rữa cũng được thu gom về xưởng để chế biến. Khu sản xuất vô cùng cóc cáy, bẩn thỉu. Nhưng để loại thực phẩm này có mặt trên thị trường, người sản xuất đã không quên đút lót nhà hàng và có quan hệ ngầm để qua được những cửa ải kiểm dịch nghiêm ngặt.
[justify]Bột khoai lang làm từ ngô, mực viết và dầu hỏa
[/justify]
Giới chức ở miền Nam Trung Quốc đã bất ngờ đột kích vào một trang trại lợn cũ và thu giữ hàng loạt kg bột khoai lang giả làm từ ngô, mực viết và dầu hỏa.
Bột khoai lang, nguyên liệu chế biến các món ăn khoái khẩu của người dân Trung Quốc cũng bị làm giả từ ngô, mực viết và dầu hỏa. (Ảnh minh họa).
Theo tờ Tân Hoa Xã, xưởng chế biến này nằm ở thành phố Zhoushan, thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Mỗi ngày, xưởng cho ra lò một tấn bột khoai giả. Và công việc làm ăn gian dối được khởi đầu từ tháng 2 tới nay. Ít ai ngờ, loại bột trá hình được gắn mác cẩn thận với những lời quảng cáo mật ngọt: “Bột khoai lang nguyên chất thơm ngon” này lại là đặc sản trong các nhà hàng, quán ăn của tỉnh Hồ Nam lân cận.
Bột khoai là nguyên liệu được sử dụng rộng rãi để làm mỳ hoặc làm mềm thịt trong các món ăn tại Trung Quốc. Vụ bê bối này một lần nữa khiến người tiêu dùng Trung Quốc lo ngại về tính chất an toàn của thực phẩm có xuất xứ trong nước.
[justify]“Rúng động” vì bê bối gạo nhựa
[/justify]
Tờ Weekly HongKong mới đây tiết lộ, gạo giả làm từ hỗn hợp tạp phế lù, gồm: bột khoai tây, khoai lang và nhựa tổng hợp đang được bày bán tràn lan tại thành phố Thái Nguyên, trung tâm hành chính của tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.
Gạo làm từ hỗn hợp bột khoai tây, khoai lang và nhựa tổng hợp bị phát hiện tại Thái Nguyên, Sơn Tây, Trung Quốc. (Ảnh minh họa).
Một chuyên gia thực phẩm Hong Kong cho biết: “Những nhà sản xuất bất lương đã nhào nặn bột khoai tây, khoai lang thành hình hạt gạo rồi cho thêm nhựa tổng hợp resin vào để phù phép thành sản phẩm y thật. Nhưng khi nấu thành cơm, hạt gạo giả sẽ cứng ngắc và khô đét tới mức đáng ngờ”.
Một quan chức của Hiệp hội nhà hàng Trung Quốc cũng lên tiếng cảnh báo, ăn ba bát gạo nhựa sẽ tương đương với việc nhét một túi nilon vào dạ dày. Trong đó, nhựa tổng hợp resin rất độc hại với cơ thể.
Ngoài vụ việc bê bối này, trước đó, đài truyền hình Trung Quốc cũng đưa tin, một công ty tại Tây An, Thiểm Tây đã cho ra lò hàng nhái của gạo Vũ Xương nức tiếng nhiều vùng bằng cách cho thêm gia vị vào gạo thường và dễ dàng qua mắt thiên hạ.
Đô la làm bằng vải vụn
Truyền thống làm hàng nhái, hàng giả không phải mới bùng phát vài năm trở lại đây tại Trung Quốc. Thực chất, vào năm 1890, một tên tội phạm tinh quái người Trung Quốc đã lòe bịp người bán hàng bằng tờ đô la giả mạo làm bằng vải vụn. Chỉ với vài nét vẽ nguệch ngoạc bằng mực tàu, tên này đã biến mảnh vải cũ kỹ thành tờ tiền trị giá 250 USD.
Chỉ với vài nét vẽ nguệch ngoạc, một tên tội phạm tinh quái tại Trung Quốc đã biến mảnh vải vụn thành tờ tiền trị giá 250 USD. (Ảnh minh họa).
Lý do thật đơn giản và dễ hiểu. Thời điểm bấy giờ, người dân Trung Quốc vẫn chưa có nhiều cơ hội giao thương, buôn bán với nước ngoài, thậm chí chưa được mục sở thị hay trực tiếp sờ tay vào một đồng tiền Mỹ.
Vụ việc đã từng trở thành câu chuyện hài hước, khiến giới truyền thông Trung Quốc thời bấy giờ tốn nhiều giấy mực.
Tai lợn giả nghi làm từ nhựa
Vụ việc hy hữu này vừa xảy ra tại thành phố Tương Đàm, Hồ Nam, Trung Quốc. Ông Hoàng, một người tiêu dùng không may mua phải loại tai lợn giả mạo này đã phát hoảng khi phát hiện mùi vị của thực phẩm mua về rất nhạt nhẽo, vị lạ, mất mùi đặc trưng của thịt lợn.
Xuất xứ của 1kg tai lợn giả này là tại khu chợ thuộc quận Vũ Hồ, Tương Đàm. Sau khi đem số thực phẩm này tới trung tâm kiểm định chất lượng thực phẩm tại Tương Đàm kiểm tra, ông Hoàng càng “sởn gai ốc”. Các nhân viên của trung tâm khẳng định, phần bì bên ngoài tai dễ bong tróc, cắt dọc tai lợn phát hiện thấy sợi cấu trúc rất khác so với tai lợn thường. Trong đó không thấy có các hạt chất béo, không có mạch máu. Đem một miếng nhỏ đốt thử thì miếng tai lợn bỗng tan chảy và bốc mùi khét lẹt như mùi kiềm.
Ngay lập tức, các cửa hàng kinh doanh loại thực phẩm giả mạo này tại các khu chợ địa phương bị kiểm tra đột xuất. Ngày 1/11, lượng lớn tai lợn giả bị cơ quan chức năng thu giữ để tiến hành giám định chất lượng.
Trứng vịt cao su tái xuất
Hết gạo nhựa, bột khoai giả, tai lợn nhựa, mới đây, bà Lưu, một người dân tại quận Nam Dương, Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc lại dính “phốt” hàng nhái khi tậu về những quả trứng vịt cao su.
Bà Lưu hãi hùng kể lại, những quả trứng này có hình dáng giống hệt loại trứng bình thường. Nhưng khi luộc chín, lòng trắng trứng bỗng biến thành sắc vàng quái lạ với mùi hóa chất nồng nặc. Khi đem trứng rán lên thì chúng lại có độ đàn hồi, cháy khét như mùi cao su.
Quả đáng tội, bà Lưu đã trót mua tới 20 quả trứng vịt loại này từ một đôi vợ chồng đẩy xe ba bánh bán rong ngoài chợ với mức giá 1 NDT/quả (tương đương 3.286 đồng) vào ngày 19/10 vừa qua.
Khi sự việc được tiết lộ, hầu hết số trứng đã bị hỏng do biến dạng và có mùi hóa chất hắc nồng. Hiện, giới chức Trung Quốc đang ra sức điều tra về nguồn gốc của loại trứng vịt cao su này. Được biết, để làm nên những quả trứng rởm này cần phải sử dụng sodium alginate, phèn, gelatin, clorua canxi làm thành lòng trắng và tartrazine, clo, canxi… chế biến thành lòng đỏ.