Tin tức - pháp luật 2014-04-01 14:05:20

Những hình ảnh rơi nước mắt về cuộc sống của trẻ em nghèo đói


[size=6]Không chỉ làm những công việc quá sức, các em còn phải lao động trong điều kiện nguy hiểm và đối mặt với nguy cơ bị lạm dụng, hành hạ cả về thể chất lẫn tinh thần.[/size]
Trẻ em là lứa tuổi cần được bảo vệ, chăm sóc và yêu thương. Thế nhưng, ở những quốc gia đang phát triển, do kinh tế và hoàn cảnh gia đình khó khăn mà nhiều em nhỏ vẫn phải cực nhọc đi làm kiếm sống. Không chỉ là những công việc quá sức, các em còn phải lao động trong điều kiện nguy hiểm và đối mặt với nguy cơ bị lạm dụng, hành hạ cả về thể chất lẫn tinh thần.
Bộ ảnh có tên “Born to work” dưới đây (do nhiếp ảnh gia G.M.B.Akash thực hiện) đã tái hiện tuổi thơ nhọc nhằn của những “lao động nhí” trong các xí nghiệp, công trường ở Bangladesh.


Một trong số hàng ngàn em nhỏ đang làm việc giữa khói bụi tại một xưởng gạch ở ngoại ô Dhaka. Lao động trẻ em là một phần nhìn thấy được trong cuộc sống hàng ngày ở Bangladesh. Đất nước nghèo khó, nạn thất nghiệp tràn lan khiến cho tiền lương của cha mẹ các em không còn đủ để trang trải cuộc sống gia đình.Vì thế, có những em bé dù chỉ mới 5-6 tuổi đã bị đẩy đến công trường để làm việc.




Những đứa trẻ đang dùng đầu để vận chuyển gạch. Với mỗi 1.000 viên gạch khuân vác, các em chỉ được trả số tiền công vỏn vẹn 0,9 USD (khoảng 20.000 VNĐ). Theo báo cáo của UNICEF, hiện nay ở Bangladesh, có tới 17,5% trẻ em ở độ tuổi 5-15 phải lao động trong các ngành kinh tế, hầu hết là lao động trái pháp luật. Đáng sợ hơn, thống kê hàng năm cho thấy, số lượng trẻ em bị bóc lột vẫn không ngừng tăng lên.





Mới chỉ 8 tuổi song cậu bé này đã có 3 năm “kinh nghiệm” làm việc trong một nhà máy sản xuất xe kéo. Ở Bangladesh, đa số lao động trẻ em phải làm những công việc nặng nhọc từ đập gạch, hàn xì đến sản xuất thuốc lá, khuân vác, khai mỏ, kéo xe… – những việc vốn chỉ dành cho người lớn, hoàn toàn không phù hợp với lứa tuổi và thể chất của các em.




Cậu bé Jainal (11 tuổi) làm việc trong nhà máy sản xuất nồi. Công việc của em bắt đầu từ 6h sáng và chỉ kết thúc khi chiều muộn. Hầu như tất cả các lao động trẻ em ở Bangladesh làm việc ít nhất 10 tiếng/ngày, không có ngày nghỉ và 90% ngủ ở nơi làm việc – đồng nghĩa với việc các em phụ thuộc gần như hoàn toàn vào người sử dụng lao động và bị hạn chế sự tự do.




Cậu bé 13 tuổi – Liyakot Ali làm việc trong một nhà máy sản xuất nồi ở Dhaka. Lấy danh nghĩa “thợ học việc”, chủ nhà máy không hề trả tiền công mà chỉ cho em chỗ ở và nuôi ăn 2 bữa/ngày.



Đối với các ông chủ, lợi nhuận luôn là trên hết và với số tiền công rẻ mạt, lao động trẻ em thực sự là những “món hời”. Tính trung bình, mỗi đứa trẻ chỉ được nhận 400-700 taka (khoảng 350.000 VNĐ) cho một tháng làm việc cật lực; trong khi với công việc tương tự, một công nhân trưởng thành có thể kiếm được 5.000 taka (khoảng 3 triệu VNĐ). Điều này được một số xã hội ngầm thừa nhận và chính cái thứ “luật ngầm” nghiệt ngã ấy đang ngày ngày vắt kiệt sức lao động, cướp đi tuổi thơ của những đứa bé đáng thương.


Cô bé này đang cần mẫn dùng chiếc búa để đập gạch thành những mảnh vụn giữa cái nắng cháy da. Đôi tay bé nhỏ vẫn không ngừng làm việc trong khi nói chuyện với nhiếp ảnh gia, bởi chỉ có làm việc cật lực thì cuối tháng em mới mong có được số tiền 1.200 taka (khoảng 750.000 VNĐ) mang về cho gia đình.




Cô bé Shilu đang sàng đá ở khu Bhollar Ghat, ven bờ sông Piyain. Nhu cầu xây dựng ở Bangladesh đang gia tăng, đẩy giá vật liệu lên cao trong khi nguồn cung cấp cát, đá sỏi lại khan hiếm nên các chủ thầu thường tận dụng cả lao động trẻ em để khai thác các loại vật liệu này.





Một em bé đang được thả xuống hầm mỏ sâu hun hút mà không có bất kỳ thiết bị bảo hộ nào. Nhiều quốc gia đã ban hành Luật Lao động, trong đó nghiêm cấm sử dụng lao động trẻ em dưới 14 tuổi và cấm sử dụng lao động dưới 18 tuổi trong các ngành nghề nguy hiểm, độc hại. Tuy nhiên, điều đáng buồn là luật pháp chưa có một cơ chế thực thi đủ mạnh cho các quy định này, khiến những lao động trẻ em vẫn phải làm việc trong điều kiện tồi tệ, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.




Trong một sớm mùa đông, giữa bãi phế thải còn đang bốc khói nghi ngút, cô bé Jasmine (7 tuổi) đang thu lượm những món đồ còn tái chế được để bán lấy tiền phụ gia đình. Cha mẹ của em không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đẩy con mình đến nơi đây nhặt rác, bởi nếu thiếu đi một khoản thu nhập dù ít ỏi, họ cũng sẽ không có đủ cái ăn hàng ngày.




Cậu bé Alamin, 8 tuổi này đang “thưởng thức” bữa ăn tại “nơi làm việc” của mình – bãi rác Kajla phía Tây thành phố. Cuộc sống bấp bênh ở đất nước nghèo khó khiến những bậc cha mẹ không thể cho con mình quyền lợi chính đáng nhất là được vui chơi, đi học, càng không có khả năng chăm lo cho tương lai của các em.



Shaifur (10 tuổi) làm việc trong nhà máy sản xuất khóa cửa. Cùng một công việc, song cậu không mang khăn che mặt như người đàn ông bên cạnh. Do tiếp xúc với khói bụi lâu ngày nên hệ hô hấp bị tổn thương, nhiều em làm việc ở đây đã mắc bệnh hen suyễn, bụi phổi từ khi còn rất nhỏ.





Đôi tay của em bé này đã không còn nguyên dạng vì dầu mỡ và bụi kim loại trong nhà máy sản xuất phụ tùng xe kéo. Môi trường làm việc độc hại đã gây ra những hậu quả không thể phục hồi đối với sự phát triển thể chất bình thường của các em.




Một cậu bé bị ông chủ đánh đập chỉ vì may chiếc áo quá chậm. Hình ảnh được ghi lại tại nhà máy Narayanganj – trung tâm của ngành công nghiệp may mặc ở Bangladesh. Quốc gia Nam Á này cũng là một trong những nơi sản xuất đồ giá rẻ xuất khẩu sang các nước phương Tây và khắp thế giới, từ hàng may mặc cho đến các loại hàng hóa tiêu dùng khác. Không ít hàng hóa trong số đó được làm ra bởi sức lao động của trẻ em.



Khi việc sản xuất bị tạm dừng do mất điện, cậu bé và người bạn của mình mới có chút thời giờ nghỉ ngơi. Những đôi mắt thơ ngây đã sớm nhuốm buồn vì cuộc mưu sinh chật vật.





Giờ nghỉ trưa ngắn ngủi của một công nhân 8 tuổi bên bờ sông Piyain.




Bữa ăn khiêm tốn của hai em nhỏ trong nhà máy. Các em làm việc ở đây cùng cha mẹ và cũng giống như họ, các em không hề biết chữ. Giáo dục ở Bangladesh là miễn phí, tuy nhiên đa số trẻ em đều bỏ học để lao động trước khi hoàn thành bậc tiểu học. Có tới hơn một triệu trẻ em ở nước này chưa từng được đến trường. Sự thực là, giữa cái ăn và học hành, các em không có quyền lựa chọn.



Gánh nặng áo cơm đang ngày ngày đè nặng lên đôi vai còn quá nhỏ của những em bé đáng thương. Với các em, có đủ cái ăn đã là chuyện cực nhọc, còn được đi học, được vui chơi như bao đứa trẻ khác dường như là mơ ước quá xa vời.



Một em bé đang phơi cá ở đảo Sonadia (Bangladesh). Cá khô là loại thức ăn phổ biến ở vùng Vịnh Bengal và có tới 50.000 nhân công bao gồm cả người lớn và trẻ em làm việc trong các ngành công nghiệp hải sản ở vùng này.





Nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt lấm lem của Roubel – một cậu bé 10 tuổi làm việc trong nhà máy sản xuất lưới cửa sắt. Cậu đã là công nhân lành nghề sau khi làm việc như một thợ học nghề không lương trong 2 năm. Tuy nhiên, đến giờ cậu vẫn chỉ kiếm được 500 taka (320.000 VNĐ) mỗi tháng.




Các em nhỏ làm việc trong một xưởng sản xuất bong bóng thủ công.




Giờ nghỉ trưa của những lao động nhí trong nhà máy sản xuất nồi.




 Tuy còn rất nhỏ nhưng các em đã phải bươn chải để kiếm tiền ăn cho gia đình.




Những cậu bé mang theo sọt đá nặng trên đầu ở khu khai thác cát Bhollar Ghat.




Các công nhân nhí của xưởng gạch làm việc trong môi trường độc hại.
Trẻ em chết đói và sự lãng phí thức ăn

[size=6]Khi đổ thức ăn thừa đi, bạn có nghĩ, rất nhiều người đang cần nó để sinh tồn?[/size]
Trong mỗi bữa ăn hàng ngày, bạn có nhớ mình đã bỏ đi bao nhiêu thức ăn không? Có thể lượng thức ăn bỏ phí trong một bữa không đáng kể nhưng khi nhiều người trên thế giới cũng như bạn, thì vô tình một lượng lớn thực phẩm đã bị bỏ đi. Trong khi đó, ở nơi nào đó trên thế giới, vẫn còn những em nhỏ đang cần lắm một bát cơm.
Từ tình trạng lãng phí thức ăn…
Theo thống kê năm 2012, trung bình, con người đã lãng phí tới khoảng 40% lượng lương thực và thực phẩm trong quá trình vận chuyển từ trang trại tới bàn ăn. Nếu tính tất cả lại thì tổng lượng thực phẩm lãng phí lên tới 1,3 triệu tấn mỗi năm.



Đáng ngạc nhiên hơn là tỉ lệ lãng phí thức ăn ở những nước nghèo với nước giàu là tương đương nhau. Nguyên nhân là vì ở các nước kém phát triển, điều kiện thu hoạch, bảo quản và vận chuyển không tốt. Do đó, ở rất nhiều công đoạn, thức ăn bị lãng phí vì hỏng và không thể sử dụng được.



Theo thống kê của Bộ Môi trường Hồng Kông, trong năm 2009, người Hồng Kông thải trung bình hơn 8.900 tấn rác thải rắn mỗi ngày, trong đó khoảng 3.200 tấn (chiếm 37%) là thức ăn thừa. Điều đó cũng có nghĩa, một người ở đây vứt đi khoảng 0,5kg thức ăn mỗi ngày.



Một điều tra của tổ chức môi trường “Người bạn của Trái đất” phát hiện ra rằng, mỗi bữa tiệc cưới thải ra khoảng 105kg thức ăn thừa, trong đó có những món ăn không hề được thực khách đụng đũa vào.
Michelle Au – một quan chức của tổ chức nói trên cho biết, số thức ăn đó có thể đủ cho khoảng 200 trẻ em đang bị đói.



Ước tính khoảng 1/3 lượng thực phẩm được các hộ gia đình mua về mỗi năm được đổ vào thùng rác và việc lãng phí thức ăn càng tệ hơn vào các mùa lễ hội như năm mới, Giáng sinh…
Điển hình như người dân Úc, mỗi năm, nước này mất khoảng 5,2 tỷ đô Úc (khoảng 74.360 tỷ VNĐ) cho thức ăn thừa, nhiều hơn cả ngân sách chi tiêu cho quốc phòng trong nước năm 2012.


Ở Mỹ, Canada, Australia và New Zealand, trung bình người dân lãng phí khoảng 50% lượng hải sản, 38% các loại ngũ cốc, 22% thịt và 20% sữa mỗi năm.
Riêng Mỹ, thực phẩm lãng phí chiếm tỉ lệ cao nhất trong rác thải ở thành phố. Việc tiêu hủy thức ăn thừa chiếm khoảng ¼ lượng khí thải metan.
Ví dụ: Ở chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh, khoai tây chiên và bánh kẹp chưa kịp bán hết phải bỏ đi lần lượt trong vòng 7 phút và 20 phút. Khoảng 10% thức ăn nhanh phải bỏ đi sau khi chế biến cũng đóng góp thêm vào tình trạng lãng phí thức ăn.

… tới nạn đói đe dọa loài người…

Trong lúc đó, phần còn lại của thế giới đang bị nạn đói bao vây và đẩy tới bờ vực sống – chết. Theo thống kê, năm 2012, trên hành tinh có khoảng 870 triệu người đang chịu cảnh sống trong đói nghèo, không có đủ thức ăn.



Nghiên cứu của Tổ chức Lương thực Thế giới (FAO) cho thấy, các nước ở thế giới thứ 3 và đặc biệt là châu Phi chính là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nạn đói. Đây cũng là nhà của khoảng 30% người đói kinh niên trên Trái đất.



Theo thông tin từ Liên Hợp Quốc, năm 2011 có khoảng 12 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng lương thực tại vùng Sừng châu Phi (bao gồm các nước như Somalia, Kenya, Ethiopia, Djibouti…) với tỷ lệ người suy dinh dưỡng và trẻ em tử vong cao đáng kinh ngạc.
Nguyên nhân là do nạn hạn hán tồi tệ nhất trong 60 năm trở lại đây ở khu vực châu Phi diễn ra trước đó. Somalia là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Mỗi ngày có khoảng 4.000 người buộc phải di dời khỏi đất nước này và trở thành người tị nạn ở Kenya và Ethiopia.



Từ tháng 6/2010 số người trên thế giới sống dưới mức nghèo khổ (dưới 26.000 VNĐ/ngày) đã tăng lên đến 44 triệu người.
Giá cả lương thực, thực phẩm tăng cao đã kích động nhiều cuộc biểu tình ở Bắc Phi và Trung Đông. Đây là kết quả tất yếu của việc thiếu lương thực thực phẩm nghiêm trọng gây nên.



Nguy hiểm hơn, đối với mỗi cá nhân, không đủ thức ăn là nguyên nhân khiến cơ thể suy kiệt, mất dần sức đề kháng chống chọi với bệnh tật.

Mỗi năm, khoảng 8 triệu người ra đi vì các căn bệnh như AIDS, lao, phong… trong đó suy dinh dưỡng và cái đói góp phần không nhỏ.



Nghị viện châu Âu đã lấy năm 2014 là “Năm châu Âu chống lãng phí thực phẩm’” và quyết tâm giảm 50% lượng thức ăn thừa vào năm 2020.
Quãng đường vận chuyển thức ăn từ trang trại tới bàn ăn qua rất nhiều công đoạn kém hiệu quả trong khi chúng ta có thể cải thiện các khâu này mà không tốn mấy công sức và con người cần phải làm điều đó.
Lãng phí thức ăn chính là tiếp tay giết chết đồng loại. Chúng ta hãy sống sao cho người khác cùng sống, cần biết tiết kiệm và trân trọng những gì mình đang có.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)