Không dám khám vì xấu hổ!
Chúng tôi xin trích ra một số “nỗi niềm biết ngỏ cùng ai” để những người lâu nay coi đó là “góc khuất” và thấy mình… “giông giống” các trường hợp tương tự thì nên tỏ bày với các bác sĩ để tìm hướng “giải quyết” cho mình…
Một người mẫu nam cao 1,81m, 21 tuổi, đẹp trai, đã tốt nghiệp đại học và là gương mặt quen thuộc của các buổi trình diễn thời trang đến phòng khám của BS V.D ở quận 3 để khám bệnh. BS V.D kể lại: “Trước khi đến, bệnh nhân xin được số điện thoại cầm tay và gọi cho tôi 3 lần, dò xem đã hết khách chưa mới dám xuất hiện. Thông thường sau 20h tối tôi ít khi nhận bệnh, nhưng đây là trường hợp ngoại lệ và bệnh nhân đến trong bộ dạng như… ăn trộm: Mặt mày bịt kín, mang bao tay da, đeo kính đen mặc dù trời tối.
Đến khám, nhưng không dám mở khẩu trang khi ngồi nói chuyện với tôi. Hỏi ra mới biết, bệnh nhân bị nấm tại vùng cấm đang phồng rộp. Do lo sợ người khác nghĩ xấu mình ăn chơi bậy bạ nên thay vì đến các phòng khám chính quy, bệnh nhân này đến một phòng khám y học cổ truyền do tình cờ đọc được trên mạng. Tốn gần 10 triệu tiền thuốc, nhưng mụn rộp vẫn tiếp tục lây lan không khỏi và đến lúc vùng nhiễm lan rộng, rát thì bệnh nhân mới lo sợ tìm đến BS để cầu cứu”.
Theo BS V.D cho biết, khám lâm sàng cho bệnh nhân trong 5 phút nhưng đã nghe 3 lần cậu ta thanh minh thề thốt là không hề ăn chơi bậy bạ và thắc mắc tại sao lại xuất hiện bệnh này. Để trấn an cho bệnh nhân, BS V.D khẳng định bệnh không liên quan đến “ăn chơi bậy bạ” mà là do vệ sinh cơ thể kém, nhất là vệ sinh vùng “cấm”, tạo cơ hội cho nấm mốc lây truyền. Đáng lẽ phải điều trị ngay từ đầu thì sẽ không lây lan rộng như vậy. Sau khi được nghe giải thích về cách lây truyền của bệnh do nấm, bệnh nhân mới nhớ ra, cách đây 1 tháng, cậu được bạn rủ đi bơi và mặc ké quần bơi dự phòng của người bạn này. Sau khi đi bơi về khoảng một tuần thì “vùng cấm” bắt đầu xuất hiện nốt đỏ và ngứa rồi phát triển thành vòng tròn, nổi nước…
Không chỉ trường hợp của bệnh nhân trên, mọi người cứ nghĩ bệnh nhiễm ở nam giới là bệnh xã hội, coi đây là “góc khuất” cấm kỵ nên phần lớn tự mày mò chữa trị bằng cách mua các loại thuốc sát trùng về bôi chứ không dám đến bác sĩ khám vì sợ bị đánh giá… mất tư cách đạo đức. Chính vì điều này, để giúp bệnh nhân, nhiều BS đã chọn phương án tư vấn qua điện thoại, email. Hai phương pháp này đã giúp bệnh nhân vượt qua được tính cấm kỵ, nhạy cảm, khó nói khi thắc mắc về các bệnh nam khoa và bệnh nhiễm.
Chẳng hạn, email nsan…@gmail.com gửi đến BS V.D nhờ tư vấn: “Em bị mọc mụn nước ở đầu thịt của “cậu bé” và dưới bao quy đầu (rất ít). Những dấu hiệu của em, khi đọc trên mạng thấy rất giống với bệnh mụn rộp sinh dục, như: Người nổi mẩn đỏ mụn nước khắp mặt, tay, bụng và lưng…, cảm giác khi tắm rất rát. Hôm nay em đã đi xét nghiệm máu, nước tiểu và nội soi thì đều không có gì bất thường cả. Bác sĩ bảo em bị dị ứng. Kết quả xét nghiệm âm tính với HIV và viêm gan B, C. Em nghe nói rằng bệnh này tiến triển rất nhanh nhưng đã từ lâu em không hề quan hệ tình dục. Như vậy có phải em bị mụn rộp sinh dục không, nhờ bác sĩ tư vấn giúp. Em đang lo đến mức lúc nào trong đầu cũng nghĩ mình đang bị… HIV”.
Ca phẫu thuật “súng ống” tại BV Chợ Rẫy, TPHCM.
“Góc khuất” về “súng ống”
Mỗi ngày, các bác sĩ tại các bệnh viện có khoa nam học phải tiếp nhận hàng trăm trường hợp thắc mắc, chữa trị các chứng bệnh liên quan đến “súng” như “cong nòng”; kích cỡ “không đạt yêu cầu”, “đạn chỉ toàn nước”… Khổ nhất của đấng mày râu chính là khi “súng ống” bị cong không nhả “đạn”… trúng đích. Tình trạng cong có thể do bẩm sinh hoặc do tai nạn.
Mới đây, các BS Bệnh viện Bình Dân tiếp một bệnh nhân tên V đến từ Vũng Tàu với vẻ hoang mang tột độ. Vừa gặp các bác sĩ, bệnh nhân đã thốt lên: “Bác sĩ ơi cứu em với, em chết mất, chẳng biết sao của em nó bị vẹo sang một bên. Cách đây tháng trước nó thẳng băng. Em mới 26 tuổi thôi, gần cưới vợ rồi. Bạn gái mà biết em cong vẹo như thế này chắc bỏ em mất”.
Hỏi ra mới biết, trong một lần “tự xử”, V đã mạnh tay và hậu quả là “bụp”, đau nhói và “súng” bị cong nòng. Tưởng chừng ngủ một một đêm sẽ trở lại vị trí cũ, thế nhưng chờ mãi “súng” vẫn không chịu thẳng. V không dám đến bệnh viện vì xấu hổ và tự chữa bằng cách uốn nắn đủ kiểu. Chỉ còn một tháng nữa đến ngày cưới, V nghĩ không thể để tình trạng này tiếp tục nên đến bệnh viện. Khi nghe BS nói có thể làm thẳng lại được, V cứ hỏi đi hỏi lại: “Em sẽ trở lại bình thường được phải không bác sĩ?”…
Sau một năm cưới vợ, M - 24 tuổi, trú tại Tây Ninh - đã áp dụng mọi “binh pháp”: “Tấn công liên tục”, kể cả “đánh lén” nhưng vợ anh vẫn không thụ thai. Vợ đi kiểm tra hiếm muộn, các bác sĩ khẳng định: 100% bình thường. M đành khăn gói lên Bệnh viện Bình Dân để hỏi cho rõ ngọn ngành. Thăm khám kỹ càng, các BS phát hiện ra… M chính là thủ phạm với nguyên nhân lỗ tiểu M nằm thấp hơn bình thường.
Một trường hợp khác cũng nực cười không kém là “sao súng người ta chĩa ra ngoài, súng của cháu càng ngày cứ thụt vào trong”. Các bác sĩ ví von đây là trường hợp “súng bị… tụt nòng”. Đối tượng bị nhiều nhất là các cháu bé ở độ tuổi từ 12-15. Lê M - sinh năm 1999, quê ở Đồng Nai - được bố đưa đến khám khi súng của cậu bé càng lớn tuổi càng… mất dạng. Theo lời kể của người bố, M dậy thì từ năm 13 tuổi, nhưng “súng ống” vẫn cứ ở chế độ “ngủ đông” và lõm sâu vào khi cậu bé tròm trèm… 54kg. Tuần trước, khi ngủ dậy, cậu bé đang tiểu tiện bỗng la toáng lên: “Bố ơi, chim của con đâu mất rồi?”. Gia đình nhanh chóng đưa đến các BS kiểm tra thì phát hiện, “cậu nhỏ” của M đã bị lớp mỡ xương mu xệ xuống trùm kín, phần đầu nòng súng lò ra… chút đỉnh. Sau khi nhấc lớp mỡ thì “cậu bé” mới ló ra… khiếm tốn bằng lóng tay.
Bao nhiêu là đủ?
Câu hỏi mà các BS nam khoa thường nhận được nhiều nhất mỗi ngày chính là thắc mắc về … kích cỡ “cậu bé”. Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng -Trưởng khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân - cho biết: “Người Việt Nam mình hay thắc mắc về kích cỡ của “súng” lắm”. Tuy nhiên, theo bác sĩ Dũng, trong khảo sát để tìm ra các yếu tố cấu thành nên “tình dục lý tưởng” của BS Rosie King (Đại học New South Wales, Australia) thì yếu tố quan trọng nhất là độ cương cứng, thời gian duy trì độ cương cứng, tình yêu… Còn yếu tố kích thước đứng ở vị trí số 9 trong 15 yếu tố. Vì thế, bác sĩ Dũng trấn an: “Không nên băn khoăn quá về kích thước”.
Lý thuyết là thế, tuy nhiên, trên thực tế, mấy ai chịu “thua anh kém em” về kích cỡ, thậm chí nhiều người còn cho rằng yếu tố này thể hiện sức mạnh, bản lĩnh của phái mày râu. Chính vì tâm lý này nên nhiều cơ sở giải phẫu thẩm mỹ, nhà sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng lợi dụng để quảng cáo bán thuốc, thực phẩm, thậm chí còn tung hô giải phẫu tăng kích cỡ một cách dễ dàng. Vấn đề đang được nhiều người quan tâm là liệu có kéo dài được cậu nhỏ hay không? Kéo dài thêm được bao nhiêu? Có biến chứng gì không?
Theo các chuyên gia nam học, bệnh nhân chỉ được chỉ định phẫu thuật kéo dài “súng ống” khi chiều dài đo được lúc “giương thẳng nòng” là 5 - 6cm. Phẫu thuật kéo dài “súng ống” không phải là kéo dãn ra như nhiều người vẫn nghĩ, mà là đem phần bên trong, vốn bị chôn dưới da, ra bên ngoài bằng kỹ thuật cắt dây treo. Do gốc dương vật dính vào xương mu bằng dây chằng nên để làm nó dài ra, BS có thể cắt rời dây chằng này đi, chuyển ra ngoài. Vì thế sau phẫu thuật, “súng” có thể dài thêm 2-3cm mỗi khi lâm trận.
BS Tiến Dũng cho rằng, kích thước “súng” chưa hẳn là thước đo để nói lên sức mạnh của nó, mà quan trọng là nó có “làm được việc” hay không. Trên thực tế, các BS đã tiếp nhận nhiều trường hợp “mẫu mã” đáng nể nhưng lại yếu, thậm chí “chẳng làm được gì nên hồn”.
Vì vậy, các BS khuyên rằng, những người có “cậu nhỏ” khiêm tốn đừng nên vội tự ti, mặc cảm. Bởi điều đó chỉ dẫn tới những hành vi và tâm lý bất ổn khiến bạn càng “dị thường” hơn, thậm chí có những hành động dại dột. Kích thước nhỏ không còn là chuyện lớn nếu hai bên thực sự trân trọng, yêu thương nhau…
Nhận định về “góc khuất” của đấng mày râu, TS-BS Trần Thành Như - chuyên gia về nam học - cho rằng, bệnh nhân của nam khoa không chỉ ở lứa tuổi thanh niên mà ngay cả trẻ em và người già cũng có “góc khuất”. Không ít khách đến vì có bệnh, nhưng cũng nhiều người đến phòng mạch mà chẳng có bệnh gì, chỉ vì lo, vì không hiểu thế nào là bình thường, vì bị “nhiễu” thông tin. Mà thông tin về nam khoa, giới tính thì cực kỳ bị nhiễu vì tính “cấm kỵ” của nó.
“Góc khuất” nếu theo cách suy nghĩ là “góc nhỏ” và không nói ra thì nó cứ âm ỉ trong lòng từ năm này sang năm khác và có khi đeo bám suốt cuộc đời để rồi mặc cảm, suy nghĩ lệch lạc… Và đến lúc này “góc khuất” không còn nhỏ mà trở thành “góc lớn” khó bịt. Vì vậy, nếu có “góc khuất” khó nói, dừng nên mày mò tự chữa, mà hãy tỏ bày với các BS để được tư vấn, chữa trị. Nên nhớ rằng: Trễ còn hơn không!…
“Người Việt Nam mình hay thắc mắc về kích cỡ của “súng” lắm”. Tuy nhiên, theo bác sĩ Dũng, trong khảo sát để tìm ra các yếu tố cấu thành nên “tình dục lý tưởng” của BS Rosie King (Đại học New South Wales, Australia) thì yếu tố quan trọng nhất là độ cương cứng, thời gian duy trì độ cương cứng, tình yêu… Còn yếu tố kích thước đứng ở vị trí số 9 trong 15 yếu tố. |