Đồng nghiệp tìm mọi cách để gài bẫy trong chuyên môn, bêu xấu sau lưng để hạ uy tín đồng nghiệp, lôi kéo bệnh nhân về với mình.
Bước vào giảng đường y khoa là một niềm hạnh phúc cho gia đình và bản thân, hy vọng một tương lai tốt đẹp hơn với mình và gia đình, thoát khỏi cảnh bần hàn của nghề nông. Tôi cố gắng học, gia đình tích cực cày cấy để chu cấp cho anh em ăn học. Cày cày cuốc cuốc rồi cũng đến ngày ra trường, khi đâm đơn xin việc là ngày tôi bắt đầu cảm nhận sự khắc nghiệt của đời. Có 3 sự lựa chọn: Làm không công, lo chi phí đầu vào để được nhận chính thức hoặc kiếm chỗ khác mà đi.
Bao nhiêu năm ăn học giờ ra trường không giúp được cha mẹ thì thôi, còn ăn bám sao được nữa, huống chi là bắt cha mẹ còng lưng lo thêm khoản nợ cho mình vì cái đầu vào khắc nghiệt ấy. Tôi quyết định bỏ xứ đi tìm cơ hội. Là người cũng có chút năng khiếu thể thao, có món sở trường nên tình cờ được một vị giám đốc bệnh viện huyện đam mê thể thao kéo về, mặc dù xa nhà gần 400 km. Tôi chấp nhận làm dù đồng lương chưa thể nuôi đủ tôi, một bác sĩ mới ra trường.
Tôi tự động viên mình cố gắng, có cơ hội đi làm là tốt rồi, cố gắng học hỏi trau dồi chuyên môn, cày cuốc. Rồi đến tuổi yêu, phải lấy vợ thôi. Vợ tôi cùng ngành, làm cùng bệnh viện, chưa có mảnh đất dung thân nên vợ chồng thuê nhà coi như có cái chỗ chui vào chui ra. Tự nhận thấy mình còn chưa là gì so với kiến thức y khoa vô tận, sau một thời gian làm việc, học hỏi, tôi tiếp tục xin được đi học.
Với sự động viên của vợ và gia đình, đồng thời cơ chế nhà nước đối với ngành cũng thay đổi, tôi tiếp tục 4 năm cày cuốc chuyên khoa, cao học. Ngày ra trường con đã 4 tuổi nhưng cha mẹ vẫn chưa trả hết nợ học hành thì có đâu một ngôi nhà đúng nghĩa. Với kiến thức tôi có được sau gần 10 năm mài đũng quần trên ghế giảng đường y khoa, 5 năm cày cuốc trong bệnh viện, sự tận tâm với nghề, với bệnh nhân rồi cũng được nhiều người biết đến.
Tôi quyết định mở phòng khám tư, vợ chồng cùng làm dù không một đồng dính túi, và một vài đồng nghiệp coi tôi như cái gai trong nồi cơm của họ. Nợ chồng thêm nợ nhưng cũng may phòng khám đông khách nên đủ sống, đủ trả nợ và có chút của ăn của để. Từ ngày phòng khám được mở, vợ chồng tôi phải chịu nhiều áp lực hơn bao giờ hết. Ngoài chuyện việc nhà, con cái, bệnh nhân ngày càng đông ở bệnh viện và cả phòng khám thì áp lực với đồng nghiệp lâu nay ganh ghét lại càng ghê gớm hơn.
Mặc dù tôi nhỏ tuổi, thế hệ trẻ không bao giờ nghĩ rằng các bậc đàn anh đàn chị của mình lại ganh tỵ đâm thọc sau lưng với tôi. Đồng nghiệp tìm mọi cách để gài bẫy trong chuyên môn, bêu xấu sau lưng để hạ uy tín đồng nghiệp, lôi kéo bệnh nhân về với mình. Thậm chí họ không thương tiếc tính mạng bệnh nhân để phục vụ cho cái mục đích của mình.
Vài lần tôi bị vấp ngã bởi những cái bẫy mà chính đồng nghiệp mình tạo ra. Đã bao lần ngoài những đêm thức trắng vì bệnh nhân, còn có thêm những đêm như vậy để suy nghĩ lo đối phó, đề phòng với những kẻ kiến thức ít, nhiều mánh khóe sau lưng. Dù được anh em đồng nghiệp chân chính có y đức động viên giúp đỡ, nhưng cái tâm trong tôi dường như không được tĩnh tại như trước nữa rồi.
Công việc ngành y không đơn giản chỉ học tập trau dồi chuyên môn, phục vụ chăm lo người bệnh mà còn phải luôn đề phòng, cảnh giác với những cạm bẫy của đời và lo lắng cho miếng cơm manh áo của nhà mình nữa. 36 tuổi, một vợ một con vẫn chưa có chỗ dung thân. Ôi, cái hy vọng trước kia khi vào ngành y sao mà khó khăn đến vậy.
Hoàn
vnexpress.net