Nhật Bản đang đối mặt với một trong những vấn đề xã hội nghiêm trọng nhất: ngày càng có nhiều người từ chối tiếp xúc với xã hội bên ngoài và không đi học hoặc thất nghiệp (còn gọi là Hikikomori).
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản mới đây đã xác định Hikikomori là một căn bệnh. Những trường hợp này không giao tiếp với bất kỳ ai ngoài gia đình và thường tự giam mình trong nhà hơn 6 tháng.
Ikuo Nakamura, 34 tuổi, đã gắn bó với căn phòng 7 năm. Ảnh: National Geographic
Theo nghiên cứu do Văn phòng Nội các Nhật Bản thực hiện hồi tháng 3, có khoảng 541.000 người trong độ tuổi 15-39 mắc chứng Hikikomori. Tuy nhiên, bất ngờ là số bệnh nhân Hikikomori trong độ tuổi 40-64 thậm chí còn cao hơn, khoảng 613.000 người. 7/10 trường hợp là nam giới và phân nửa bị Hikikomori trong hơn 7 năm. Mặc dù theo thống kê có hơn 1,15 triệu trường hợp Hikikomori, nhưng thực tế con số này có thể là 2 triệu và thậm chí sẽ còn tăng lên hơn 10 triệu ca. Ngày càng nhiều người cao tuổi và trung niên Hikikomori thừa nhận họ cảm thấy “bị nhốt” trong nhà và tách biệt với xã hội hơn so với thế hệ trẻ, sau khi thất nghiệp hoặc không tìm được việc làm.
Vấn nạn Hikikomori gây chú ý sau khi một loạt thông tin giật gân gây sốc nước Nhật. Hồi tháng 5, một người đàn ông 51 tuổi đã dùng dao tấn công các học sinh tại trạm xe buýt ở tỉnh Kanagawa, khiến ít nhất 2 người chết và 18 người khác bị thương. Trong cùng tháng, một người đàn ông 40 tuổi đâm chết mẹ và chị gái mình sau khi cãi nhau. Hung thủ sau đó cũng tự sát. Chỉ vài ngày sau, xứ sở hoa anh đào lại bàng hoàng trước tin cựu Thứ trưởng Nông Lâm Ngư nghiệp Hideaki Kumazawa, 76 tuổi, đoạt mạng chính con trai 44 tuổi của ông vì sợ rằng người này có thể gây ra thảm kịch như ở Kanagawa.
Tình trạng thất nghiệp cao là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng Hikikomori. Khó khăn trong tìm việc làm mới, nhiều người trẻ Nhật Bản bắt đầu ngại tiếp xúc với những người khác. Ở quốc gia Đông Á này, người dân rất nhạy cảm với cách xã hội nhìn nhận về họ và liên tục so sánh bản thân với người khác. Cuối cùng, họ nhận thấy thu mình trong thế giới riêng sẽ dễ hơn và từ đó từng bước rút khỏi xã hội.
Một số người “sống chung” với Hikikomori bị coi là sự thất bại xã hội và là nỗi xấu hổ đối với gia đình. Người thân của họ tìm cách che giấu bệnh tình và không tìm kiếm sự giúp đỡ, nên vấn đề càng thêm phức tạp. Trong quãng thời gian dài, Hikikomori từng được coi là vấn đề xã hội, chủ yếu xảy ra ở những người trẻ thiếu sức sống, nên phần lớn các chương trình hỗ trợ việc làm của Chính phủ Nhật nhắm tới những công dân từ 35 tuổi trở xuống. Kết quả là những đối tượng nằm ngoài nhóm tuổi này vô tình bị lãng quên.
Gần đây có nhiều nghiên cứu chỉ ra hiện tượng mới, đó là những người Nhật lớn tuổi mắc chứng Hikikomori nhưng không thể biết làm thế nào để được hỗ trợ. Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, cứ 3 người thì có một trường hợp phụ thuộc nhiều vào cha mẹ cao tuổi của họ. Một số trường hợp cho thấy cha mẹ 80 tuổi phải chăm sóc những đứa con 50 tuổi mắc Hikikomori, do vậy hiện tượng này còn được gọi là vấn đề 8050. Nhưng khi cha mẹ càng lớn tuổi, những người con của họ lại phải đối mặt với tình cảnh bơ vơ. Chẳng hạn như hồi tháng 1-2018, bà mẹ 82 tuổi và con gái 52 tuổi được phát hiện chết trong trong căn hộ của họ do lạnh và đói. Cảnh sát cho biết người mẹ già đã chết trước đứa con khá lâu. Thậm chí có trường hợp sau khi thân phụ qua đời, những đứa con mắc chứng Hikikomori bị bắt vì giữ thi thể cha mẹ trong nhà.
Thật ra, không chỉ Nhật Bản đối mặt với Hikikomori, mà ở Hàn Quốc cũng có khoảng 300.000 người sống khép kín. Còn tại Ý, một tổ chức từ thiện gần đây đã phát động chiến dịch nâng cao nhận thức về vấn đề Hikikomori, bởi ước tính 100.000 nam thanh niên Ý trong độ tuổi 14-30 mắc bệnh này.