Chuyện lạ 2011-02-07 12:36:14

Ngày xuân của những cặp vợ chồng chuyển giới


Gần 40 tuổi nhưng Thu Hương vẫn chưa có được một cái Tết đúng nghĩa với người đàn ông của mình.




Cứ đến Tết lại… sợ!

Đã trải qua gần 40 cái Tết nhưng đối với Thu Hương, một người chuyển giới khá nổi tiếng ở Hà Nội thì chị chưa bao giờ có được một cái tết thật nhiều niềm vui và ý nghĩa. Chị kể, 10 tuổi cho dù sinh ra là nam giới nhưng đã thích lấy son của mẹ và thích để tóc dài như con gái. Càng lớn thêm bao nhiêu, "con người khác" trong chị lại trỗi dậy mãnh liệt bấy nhiêu. "Lúc còn nhỏ, mỗi lần đến Tết, nếu bạn bè trong khu tập thể thích tiền mừng tuổi, thích được người lớn dắt đi chơi thì tôi lại thích đến đền chùa để được đắm mình trong mùi thơm ngào ngạt của hương trầm và tiếng hát chầu văn" - Thu Hương chia sẻ.




Từ năm 18 tuổi trở lên, cái tuổi trưởng thành về tâm sinh lý, trong Thu Hương lúc nào cũng thường trực một nỗi buồn không biết nói với ai, chỉ biết âm thầm chịu đựng. Ngày Tết, bạn bè ai cũng có người yêu để dắt díu nhau đi chơi còn chị thì phải thui thủi một mình trong bốn bức tường của căn phòng tập thể. "Hồi đó tôi cũng đẹp lắm chứ, đẹp nổi tiếng trong giới gay ở Hà Nội nữa là đằng khắc, nhưng cho đến tận 25 tuổi vẫn chưa một mối tình vắt vai. Tết, buồn quá, mấy chị em cùng giới lại rủ nhau lòng vòng mấy quán nước, ngồi cắn hạt dưa, uống đôi cốc trà… rồi lại đứng dậy ra về".

Tuy nhiên, kể từ khi bước qua tuổi 30, cứ gần đến Tết chị lại có cảm giác sợ. Sợ vì thấy mình già thêm một tuổi nhưng lớn hơn đó là sự cô đơn. Không buồn, không cô đơn sao được khi thường ngày bên chị có tới hàng chục nhân viên để sai bảo, quát mắng, vỗ về… thì nay chẳng có ai bên cạnh. Đi đến nhà bạn bè chơi, nhìn cảnh người ta đầm ấm, hạnh phúc chị lại càng thêm tủi phận, không dám đi nhiều. Buộc lòng chị lại phải "nhốt" mình trong phòng riêng cầu mong tết nhanh qua để sớm được đi làm.

Những lúc buồn quá, không chịu nổi Hương lại chạy về bên mẹ khóc như một đứa trẻ. Nhưng buồn nhất với chị là dịp Tết năm ngoái, khi người đàn ông mà phải khó khăn lắm chị mới tìm gặp được dính vòng lao lý. Bao nhiêu thứ vật phẩm mà chị cất công sắm sửa để chuẩn bị cho một cái tết đầu tiên của hai vợ chồng do đó cũng theo nỗi buồn "meo móc" trong sương giá mùa xuân. "Năm nay anh ấy đã được ra tù và giục tôi cưới nhưng tôi chưa tính đến. Tôi muốn giành trọn vẹn thời gian này để hưởng một cái Tết thật ý nghĩa khi lần đầu tiên có đàn ông bên cạnh. Tôi chỉ cầu mong mình có thật nhiều sức khỏe và nghị lực để vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống" - Thu Hương ngẹn ngào chia sẻ.

Hầu hết những người chuyển giới "độc thân" như Thu Hương đều có chung tâm lí sợ Tết. Vào những ngày này họ thường rất ít khi ra đường, rất ít khi đi đến nhà người thân, bạn bè vui chơi vì mặc cảm. Thói quen cố hữu của rất nhiều người chuyển giới "độc thân" là tụ tập bạn bè cùng giới lại để hát hò hoặc rủ nhau đi lễ ở các đền chùa miếu mạo cầu mong sức khỏe và quên đi nỗi buồn.

Sống riêng trong một thế giới

Với những cặp vợ chồng chuyển giới thì Tết cũng chỉ đơn giản là dịp họ được nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả. Vì không có con cái, lại sống tách riêng với gia đình từ nhỏ nên họ cũng không tha thiết lắm với không khí quây quần đầm ấm trong những ngày xuân. Có chăng đó là càng tết họ lại càng thích ở bên nhau nhiều hơn. Cùng nhau chia sẻ những câu chuyện đời thường mà họ chứng kiến và cả những phút giây mặn nồng mà sự bận rộn của cuộc sống mưu sinh thường nhật không cho họ được trọn vẹn.




Khánh Hà (tên tự đặt sau khi chuyển giới) năm nay gần 35 tuổi. Hà là một người chuyển giới khá nổi ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Chị gặp và yêu Thanh Nhã - chàng trai kém 4 tuổi khi chưa qua Thái Lan phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Hai người yêu và sống chung với nhau được 5 năm thì vì không chịu nổi áp lực của dư luận, Khánh Hà buộc phải thực hiện chuyển giới. Khi trở về, hai vợ chồng đã quyết định chuyển sang nghề trang điểm cô dâu và mở một tiệm cho thuê váy cưới, chụp ảnh cưới ngay tại TP Cần Thơ. Đến nay cả hai vợ chồng đã trải qua hơn 12 cái Tết với những vui buồn lẫn lộn.

Ký ức về Tết là chuỗi những ngày buồn mà Khánh Hà không dám nhớ lại. Duy chỉ có một kỷ niệm còn đọng lại cho đến tận bây giờ bởi nó là bước ngoặt đưa chị đến với nghề trang điểm như bây giờ. Đó là vào năm 2005, do làm ăn thất bát nên đến gần ngày tết, cả hai vợ chồng phải bắt xe ra Hà Nội ăn Tết với một người bạn cùng giới ở đó không về quê. "Mình là người miền Nam mà ra Bắc ăn tết thì bạn biết được cảm giác nó buồn bã đến mức độ nào rồi đấy. Ngày mồng 1 Tết, trong khi các gia đình miền Bắc thì quây quần bên nhau để đón xuân còn chúng tôi đứng trên lan can nhà trọ nhìn về phương Nam mà lòng quặn thắt" - Khánh Hà nói.

Những năm sau này, dù làm ăn khó khăn đến đâu hai vợ chồng vẫn quyết định chỉ ăn Tết ở quê nhà chứ không đi đâu xa nữa. Khánh Hà cho biết, tết, chồng chị vẫn có thói quen chở chị về nhà anh để thắp hương cho ông bà, tổ tiên và thăm nom ba má như một người con dâu thực thụ. Ngược lại, chị cũng dẫn chồng về ra chúc Tết song thân và anh em trong gia đình. Ngoài ra, một phần do nhà rộng không có ai trông, phần khác hai vợ chồng cũng không còn cái cảm giác thích tụ tập, đàn đúm nên toàn dành thời gian ở bên nhau.

"Những năm trước đây, khi chưa là phụ nữ tôi đơn giản hơn còn khi đã là phụ nữ rồi thì tôi tự nghĩ mình phải có trách nhiệm với gia đình nhiều hơn. Khi chưa phẫu thuật chuyển đổi, tôi rất mặc cảm, ít khi đi chơi, đi thăm người thân vào dịp Tết, mặc dù hai đứa sống với nhau 5 năm, gia đình, họ hàng, bạn bè… đều biết rõ. Những năm gần đây, tết dù bận đến mấy tôi vẫn cố gắng nấu cho anh ấy mấy món anh ấy thích như: thịt kho tàu, canh chua cá lóc, củ kiệu muối… Buồn nhất vào ba ngày Tết là người làm họ về quê hết, chỉ còn hai vợ chồng trong căn nhà lớn thiệt là lớn. Đi vào đi ra cũng chỉ có mỗi hai vợ chồng" - Khánh Hà kể thêm.

Còn với vợ chồng Lê Duy thì Tết là thời gian họ muốn dành cho nhau trọn vẹn. "Hồi còn nhỏ tôi còn thích Tết chứ khi lớn lên rồi tôi không thích tết chút nào. Một phần, do phải bươn mình với cuộc sống cơm áo gạo tiền. Phần do bản thân thời kỳ chưa chuyển giới rất ít khi ăn Tết ở nhà nên lâu dần mất đi cái cảm giác về tết. Hồi tôi còn đi hát, tết là dịp người ta vui chơi còn tôi thì chỉ biết chạy sô để kiếm tiền. Mấy năm đầu ra Hà Nội, tết là nỗi buồn khủng khiếp đối với tôi bởi vào ngày tết mọi người đều về quê hết, Hà Nội vắng vẻ đến nao lòng" - Lê Duy nói.




Tuy nhiên, trong 4 năm trở lại đây, Lê Duy đã không còn cô đơn và lạnh lẽo vì luôn có người đàn ông của mình bên cạnh. Vào các ngày 30, mồng Một Tết hàng năm hai vợ chồng vẫn đưa nhau về Hải Phòng để chúc tết bố mẹ chồng nhưng cũng chỉ nhoáng nhoàng là lại đi ngay vì gia đình vẫn chưa thể chấp nhận thực tế của Lê Duy.

Tết năm nào cũng vậy, Lê Duy cũng cố gắng kho cho bằng được một nồi thịt kho tàu để còn chút hương vị phương Nam. Ngoài ra, sau khoảng mồng 3, mồng 4… vợ chồng Lê Duy lại cùng một số người bạn đi lễ chùa ở các tỉnh lân cận Hà Nội như một cách du xuân của riêng mình.

Theo Giadinh
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)