Người đàn ông tên Thanh đang giới thiệu rượu cho “chủ quán nhậu” - Ảnh: H.V Trong nháy mắt, hóa chất pha với nước lã cho ra đủ loại rượu |
|
Theo chân ông V. (người từng làm việc tại lò rượu hóa chất) đến chợ Kim Biên (Q.5, TP.HCM) mua nguyên liệu pha chế, bà chủ cửa hàng hóa chất M.H chuyên kinh doanh hương liệu, bột màu, hóa chất… chỉ tay vào can chất lỏng màu trắng giới thiệu: “Loại cồn này đang 95 độ, muốn pha rượu nồng độ bao nhiêu cứ đổ nước lã vào là được”. Bà sai nhân viên rót cồn công nghiệp từ can 20 lít ra can 1 lít đưa cho chúng tôi, giá 30.000 đồng và giới thiệu thêm dụng cụ đo nồng độ, giá 35.000 đồng/dụng cụ.
Khi chúng tôi hỏi về công thức pha chế, bà chủ cửa hàng này cho biết: “Muốn pha chế rượu phải có hương liệu. Ở đây cái gì cũng có. Tinh nếp dùng pha chế rượu nếp đục giá 300.000 đồng/kg, tinh chuối dùng pha chế ra rượu chuối hột giá 400.000 đồng/kg, tinh trái cây dùng pha chế các loại rượu trái cây giá 300.000 đồng/kg. Nếu muốn “rượu” có màu thì pha bột màu, giá 600.000 đồng/kg".
Bà cũng tận tình hướng dẫn: “Khi pha hương liệu tỷ lệ 1/1.000, chỉ cần vài giọt là đủ. Nếu muốn có rượu chuối hột cần pha thêm bột màu cho màu sắc đẹp. Cách pha chế màu, tùy loại rượu cần pha đậm nhạt nhưng thông thường chỉ cần chấm đầu ngón tay vào túi phẩm màu rồi hòa với nước là đủ cho mẻ rượu".
Hỏi mua hóa chất về pha chế rượu, nhân viên cửa hàng hóa chất M.H rót cồn bán cho khách
Trong tích tắc
Từ nguyên liệu hóa chất mua ở chợ Kim Biên, chúng tôi đã thử pha chế rượu theo “công thức” bà chủ cửa hàng hóa chất M.H cung cấp. Nguyên liệu “nấu” rượu gồm: nước lã, cồn công nghiệp, hương liệu tinh nếp, tinh chuối, tinh trái cây, bột màu. Chúng tôi cho nước lã vào thùng nhựa, rót khoảng 50 ml cồn vào rồi lắc đều, lập tức có ngay sản phẩm "rượu đế" mùi vị thường gặp ở các quán nhậu bình dân.
Tương tự, dùng cồn công nghiệp pha vào nước lã, cho thêm tinh nếp rồi lắc đều, lập tức có rượu nếp đục, mùi thơm ngào ngạt. Anh Tín Nghĩa, người tham gia pha chế, dùng dụng cụ đo độ rượu và ngửi, rồi nhận xét: “Rượu thơm quá. Mùi y chang rượu nếp mới”. Với rượu chuối hột, rượu trái cây, cách làm cũng tương tự. Như vậy, chỉ trong tích tắc chúng tôi đã “nấu” được rượu đủ loại, thơm ngát. Trong khi đó, theo bà Hai - một chủ lò rượu ở Bình Thuận, nếu nấu rượu bằng men truyền thống của Việt Nam, không kể thời gian nấu cơm, từ khi ủ men cho đến khi rượu ra lò mất đúng 10 ngày.
Nhân viên cửa hàng hóa chất M.H bán hương liệu, bột màu kèm theo để khách chế cồn
thành các loại rượu
Có thể mù mắt hoặc chết người Sau khi “thăm khám” trực quan bằng cách ngửi, quan sát các nguyên liệu pha chế rượu mua từ chợ hóa chất Kim Biên do chúng tôi cung cấp, một chuyên gia về hóa thực phẩm nhận xét: “Bằng cảm quan nhận biết có thể đây là cồn tạp chất và hương liệu, màu tổng hợp”. Theo bác sĩ Đào Thị Yến Thủy (Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM), cồn công nghiệp chưa loại bỏ hoàn toàn tạp chất nên chỉ sử dụng cho công nghiệp, không được sử dụng trong thức uống. Đại diện Viện Công nghệ hóa học cũng khẳng định không được dùng cồn công nghiệp để pha chế rượu vì trong cồn công nghiệp còn methanol, aldehyde, các hợp chất này gây nên tình trạng nhức đầu khi uống, nồng độ cao có thể gây ngộ độc dẫn đến chết người. Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Mai - nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng, methanol là một loại dung môi dùng trong công nghiệp, không uống được, cấm tuyệt đối sử dụng trong chế biến thực phẩm. Nếu dùng loại cồn này pha chế rượu, uống vào sẽ “chết toi”. Bao nhiêu vụ ngộ độc rượu dẫn đến chết người đều pha chế từ cồn công nghiệp. “Uống rượu pha cồn chứa methanol chỉ gặp hai trạng thái: mù mắt hoặc chết người”, bác sĩ Xuân Mai cho biết. |
Hoàng Việt