Giảm vì biết mình yếu
Buổi bàn giao hồ sơ dự thi ĐH của các trường phía Bắc sớm hơn 5 ngày. Thanh Hóa có gần 65.000 hồ sơ đăng ký dự thi (giảm 16.000 hồ sơ so với năm 2012), Quảng Ninh 24.400 hồ sơ (giảm 1.000 bộ); Phú Thọ 18.719 hồ sơ (giảm hơn 2.200 bộ); Hà Nam 17.600 bộ (giảm 2.000 bộ); Vĩnh Phúc 19.000 hồ sơ (giảm 4.200 bộ); Bắc Giang 26.000 hồ sơ (giảm 6.000 bộ)…
Sở GD-ĐT Nam Định cho biết, trong các khối A, A1, B, C, D thì lượt hồ sơ đăng ký thi khối C đạt thấp nhất với 1.336 hồ sơ - thấp hơn khối A1 (2.967 hồ sơ) và khối năng khiếu (1.849 hồ sơ). Điều đáng nói là lượt hồ sơ thi khối C năm nay giảm 759 bộ so với năm 2012 (2.095 hồ sơ).
Bàn giao hồ sơ dự thi ĐH, CĐ 2013 ngày 5/5.
Giải thích về tình trạng hồ sơ dự thi ĐH sụt giảm mạnh nhất từ trước đến nay, ông Nguyễn Văn Long, Phó phòng GD-ĐT chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT Thanh Hóa) cho rằng, hồ sơ dự thi ĐH, CĐ giảm không có nghĩa là buồn bởi ngoài nguyên nhân tổng số học sinh lớp 12 giảm thì năm nay các em đã thực tế hơn rất nhiều. Những em biết khả năng học của mình không đủ thi thì đã chuyển hướng sang các trường nghề.
Ngoài ra, sự thuận lợi trong điều kiện học tập gần nhà, tiết giảm chi phí sinh hoạt khi theo học 4 - 5 năm ĐH đã khiến nhiều thí sinh, phụ huynh quan tâm hơn đến các trường ĐH đóng trên địa bàn thay cho việc khăn gói về Hà Nội để phải gánh những khoản chi phí đắt đỏ. Đối với nhóm ngành kinh tế, số hồ sơ giảm đi rất nhiều do những cảnh báo kịp thời từ Bộ GD-ĐT về việc tạm dừng mở ngành khối ngành này ở những trường ĐH mới, về nguy cơ không có việc làm sau khi ra trường.
Bộ GD-ĐT khuyến cáo, từ ngày 1 - 8/6 thí sinh sẽ nhận giấy báo dự thi tại nơi đã nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Thí sinh phải đọc kỹ nội dung giấy báo dự thi, nếu phát hiện có sai sót cần thông báo cho Hội đồng tuyển sinh trường điều chỉnh ngay.
Ông Tạ Văn Ánh, Phó phòng GD- ĐT (Sở GD-ĐT Bắc Giang) thì cho rằng các em đã biết lượng sức mình và hướng đến mục tiêu việc làm hơn là cố mọi cách để “dán mác có bằng ĐH”. Năm 2013, Bắc Giang có khoảng 20.000 học sinh, nhưng số hồ sơ chỉ ở mức chưa đủ 26.000 bộ, tỷ lệ hồ sơ/thí sinh đạt mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. “Số hồ sơ dự thi giảm, số hồ sơ ảo cũng giảm, chất lượng thí sinh dự thi chắc chắn sẽ tốt hơn các năm trước”, ông Ánh dự báo.
Ngành Sư phạm lại “nóng”
Theo nhận định của Bộ GD-ĐT tại buổi bàn giao hồ sơ, điểm khác biệt so với mùa tuyển sinh 2012 là thí sinh đã hướng nhiều đến trường của địa phương mà không tập trung nhiều đến trường gắn "mác" thành phố. Các trường được thí sinh "đầu quân" nhiều nhất khi có điểm đầu vào dao động từ 15 - 17 điểm như ĐH Nông nghiệp, ĐH Y dược, ĐH Lâm nghiệp. Ba khối thi được học sinh lựa chọn nhiều nhất vẫn là A, B, D. Riêng khối C vẫn lèo tèo (tại Hà Nội khối C chỉ chiếm 4,2% tổng số hồ sơ, trong khi khối A là 37%, khối D1 là 26%).
Còn tại Thanh Hóa, khối A chiếm tới 49%, khối B 25%, trong khi đó khối C chỉ 8,4%. Việc lựa chọn trường thi của thí sinh cũng đã hợp lý hơn, vừa sức hơn khi tập trung chọn các trường đại học khu vực và các đại học TOP giữa như ĐH Công nghiệp, Nông nghiệp, Thương mại…
Đặc biệt, các trường sư phạm năm nay “hot” trở lại khi số thí sinh dự thi tăng rất rõ so với năm ngoái. Tại Thanh Hóa, có tới trên 1.300 hồ sơ thi vào ngành sư phạm của ĐH Hồng Đức, gần 440 hồ sơ thi vào Đại học Sư phạm Hà Nội. Bắc Giang có tới 616 hồ sơ thi vào ĐH Sư phạm Hà Nội, trên 800 hồ sơ đăng ký vào ĐH Sư phạm 2 Hà Nội và trên 1.000 hồ sơ đăng ký vào ĐH Sư phạm Thái Nguyên. Vĩnh Phúc có tới trên 2.000 hồ sơ dự thi vào ĐH Sư phạm 2 Hà Nội, trên 2.000 hồ sơ vào Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Phúc và 600 hồ sơ vào ĐH Sư phạm Hà Nội.
Tại Nam Định, 3 trường được thí sinh đăng ký dự thi đông nhất là Đại học Công nghiệp Hà Nội với 3.832 hồ sơ (năm ngoái trường này cũng đứng đầu lựa chọn của thí sinh Nam Định với 4.484 em chọn); tiếp đến là Đại học Nông nghiệp Hà Nội với 3.803 hồ sơ (giảm không đáng kể so với năm 2012)…