Sân bay John F. Kennedy (Mỹ) có hơn 200 vụ thất lạc hành lý mỗi ngày. Tình hình mất trộm đồ có giá trị ngày càng tăng cao ở phi trường các nước, kể cả khi máy quay an ninh được đặt ngay khu vực nhận hành lý.
John F. Kennedy được xem là một trong những sân bay tấp nập nhất thế giới. Từng mất đồ trang sức trị giá hơn 160.000 USD ở đây, bà Rita Lamberg nói: "Đó là toàn bộ số tiền tiết kiệm của tôi”.
Các hãng hàng không chẳng bao giờ muốn thông báo công khai những trường hợp hành lý bị đánh cắp bởi sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Thay vào đó, họ thường đổ lỗi khách mất đồ chủ yếu khi quá cảnh (transit).
Nhiều trường hợp, giỏ xách của hành khách sau khi được an ninh sân bay kiểm tra lại bị mất nhiều đồ đạc quý giá. Có nơi quy định rõ hành lý không được sử dụng ổ khóa để tiện việc rà soát. Việc đòi bồi thường đồ đạc bị mất cũng lắm nhiêu khê.Ví dụ như: chủ sở hữu phải có bức ảnh về hàng hóa đó cũng như biên lai gốc và trị giá hiện tại của mặt hàng.
Vào năm 2010, cảnh sát bắt một nhân viên làm việc ở hãng hàng không American Airlines với tội danh lấy cắp gần 8.000 USD trị giá hàng hóa có trong các giỏ xách. Trong số đó gồm iPod, máy đọc sách Kindle, camera, thiết bị chơi game.
Một câu chuyện khác xảy ra ở sân bay quốc tế Lindbergh tại San Diego liên quan đến hành lý bị mất và cuộc điều tra này đang tiếp diễn. Đó là trường hợp cô Dustine Rey trở về từ một chuyến đi trượt tuyết cùng gia đình ở Oregon và nhận ra giỏ xách của mình bị lấy trộm trên băng chuyền tại sân bay Lindbergh. Bên trong vali của cô là một chiếc vòng cổ của người bà quá cố, cùng với thiết bị trượt tuyết. Ước tính trị giá của túi xách và các phụ kiện liên quan khoảng 5.000 USD.
Tại sân bay Lindbergh, băng tải tương đối thấp tạo thuận lợi cho đạo chích ra tay. Rey cho rằng thực tế sân bay không có bất cứ ai đến kiểm tra thẻ hành lý. Đây là điều sơ hở góp phần vào hành vi lấy cắp.
Cảnh sát nói với NBC7 họ không nghĩ là lượng trộm cắp gia tăng ở sân bay, nhưng thừa nhận việc đánh cắp vẫn xảy ra dù các máy quay an ninh được đặt ngay khu vực nhận hành lý. Rey nói ít nhất một hành khách khác trên chuyến bay của cô cũng đã bị trộm giỏ xách. Cơ quan quản lý sân bay cho hay, những giỏ xách bị đánh cắp là trách nhiệm thuộc về các hãng hàng không tư nhân.
Một trường hợp khác ở sân bay quốc tế Portland, cảnh sát bắt bốn người lớn và hai trẻ em mà họ khai đã lấy cắp hành lý. Một người phụ nữ giấu tên ở Portland cho biết những tên trộm cuỗm giỏ xách của chồng và đứa con gái 9 tuổi của cô.
Người phụ nữ này nói rằng cô không bao giờ kiểm tra lại giỏ xách và cảm thấy thất vọng khi những hãng hàng không chẳng thể làm gì hơn để bảo vệ những tài sản của hành khách.
Cảnh sát cho biết những tên trộm thường thực hiện đánh cắp khoảng 12 giỏ xách mỗi tháng. Người phụ nữ đề nghị những đồ đạc thuộc về khách hàng nên được đưa vào chế độ an ninh siết chặt.
Tại sân bay quốc tế Hartsfield-Jackson Atlanta, những hành khách có thể nghe thấy lời cảnh báo “hãy cẩn thận túi xách của bạn”. Bởi vì những người kẻ trộm thường lởn vởn xung quanh và nhanh chóng cuỗm mất.
Cũng tại sân bay này, một người đàn ông đi trên chuyến bay từ San Antonio đến Atlanta bị mất giỏ xách sau khi nó được kiểm tra qua máy quét. Sau đó, cảnh sát xem lại tình hình qua máy quay an ninh và phát hiện túi của ông bị một gã đàn ông mang đi ngay lúc đó.
Trưởng nhóm khu vực cảnh sát ở sân bay Atlanta cho biết một cuối năm ngoái bắt 8 trường hợp đánh cắp giỏ xách và nhận 28 lời than phiền từ hành khách. Ông cũng cho hay, cảnh sát thường không nghe về việc mất trộm hành lý, nhưng thời gian gần đây khách hàng bắt đầu phản ánh về tình trạng mất đồ của họ tại sân bay.