Tâm sự - chia sẻ 2010-08-31 10:57:44

ký ức chiến trường K trên tỉnh An Giang na`!


[justify](Tạp chí Cửa Việt số 54, tháng 3.1999; Tạp chí Thất Sơn số 83 năm 2003)
[/justify]

[/justify]

[size=5][/size]

Tặng đồng đội cũ thân yêu của tôi

[justify] Đã bao nhiêu năm trôi qua rồi mà tôi vẫn không sao quên được những năm tháng quân ngũ ít ỏi của đời mình. Tất cả như vẫn còn đây hiển hiện tươi rói những kỷ niệm ngọt ngào, thương đau và như đang hành trình cùng tôi giữa biết bao lo toan, bộn bề cuộc sống. Biên giới An Giang ơi ! Một thời để nhớ và một thời để thương. Nỗi nhớ thương mênh mang, cuồn cuộn chảy trong lòng tôi, như dòng sông trào dâng tha thiết.
[/justify]

[justify]Nỗi nhớ thương đầu tiên cho tôi xin được cúi đầu, hướng về phương nam, tưởng nhớ và đau lại nỗi đau trước cái chết thương tâm, vô tội của gần hai nghìn đồng bào xã Ba Chúc, huyện Bảy Núi, tỉnh An Giang. Tại đây trong những ngày tháng tư năm 1978, bọn đao phủ Pônpốt đã sát hại một cách dã man gần một phần ba dân số của xã(1). Trong lịch sử nước ta, chưa từng có một cuộc thảm sát dân thường nào do kẻ thù gây ra, lớn như vậy và tàn bào đến như vậy. Khi đơn vị chúng tôi theo những chuyến xe GMC đến được tận nơi thì bọn đồ tể coi như đã "hoàn thành" cái công việc trời không dung đất không tha ấy đối với đồng bào ta, cũng như mấy năm qua chúng từng thi hành đối với chính dân tộc của chúng: Diệt chủng. Và sau cơn say máu tàn sát người vô tội cả một trung đoàn "thiện chiến" Pônpốt đã bỏ chạy tháo thân lên núi Phú Cường hòng lẫn trốn.
[/justify]

Một chiếc trực thăng của ta vè vè lượn trên đầu, giảm dần độ cao, tìm bãi đáp rồi từ từ hạ xuống. Cánh quạt quay tít tạo nên một cơn lốc hãi hùng. Gió xô ngả những ngọn lau và tạo ra muôn lớp sóng lăn tăn trên cánh đồng lúa ở xa xa. Đâu đó một đàn quạ hoảng hốt vỗ cánh loạn xạ bay lên. Tiếng "quà quạ" trong chiều lặng nghe thật rùng rợn, bi ai. Một đoàn nhà báo quốc tế gồm người

Liên Xô (cũ), người Pháp, người Nhật, người Ba Lan, người Hunggari…từ trong máy bay bước ra. Họ lặng lẽ bỏ mũ cúi đầu đi chầm chậm đến sân vận động xã là nơi bọn sát nhân dồn gần 600 người tập trung lại để dễ bề giết hại. Họ đứng từ xa hướng máy quay phim, máy ảnh về phía đó. Không hiếm người vừa thao tác công việc, vừa rút khăn đưa lên dụi mắt. Họ thực sự bàng hoàng xúc động như đang tận mắt chứng kiến tội ác của bọn Hít le ở Ghét - to -Vác -gia -va (Ba Lan) 35 năm trước nay lại được Pônpốt tái diễn ở một làng nhỏ Việt Nam? Cũng như ở sân vận động, ở bờ kênh Vĩnh Tế xác người còn đông hơn, gần 700 người.Ở chùa Phi Lai trên 300 người. Trong các đường làng, ngõ xóm, sàn nhà, bờ ao, trường học…nơi nào cũng có người chết. Xác người ngổn ngang, chồng chất, chết đủ các tư thế, các kiểu nằm. Một trăm phần trăm nhà cửa bị chúng đốt cháy, hàng trăm con trâu bò bị chúng bắn chết. Cây cối, vườn tược, hoa màu, cái chum đựng nước cũng bị chúng phá phách, đập vỡ. Ở các bãi xác tập thể, đồng bào ta chủ yếu chết do bị dồn lại, bị bắt xếp hàng và bọn lính đứng từ xa dùng đại liên, súng chống tăng B40, B41, M71, M72, súng phóng lựu M79… bắn xả vào. Hàng trăm người trong đó có những em bé chưa đầy tuổi bị chúng đập đầu bằng báng súng. Hàng chục thanh niên có lẽ do kháng cự bị chúng cắt cổ, moi mắt, phanh thây, xé xác. Nhiều phụ nữ có thai, nhiều em bé khi chết miệng còn ngậm vú mẹ. Thảm thương nhất là phụ nữ, đa số các cô gái, sau khi bị hãm hiếp, bị bắn chết còn bị chúng lột hết quần áo dùng cọc tre vót nhọn cắm vào cửa mình găm xuống đất. Một nhà báo nữ bỗng kêu rú lên, ôm mặt bỏ chạy về phía máy bay khi chị nhìn thấy một bé gái chừng mười hai, mười ba tuổi không một mảnh vải che thân, nằm ngửa, với chiếc cọc tre đâm thẳng xuống người. Biên giới Tây - Nam 1978 Ảnh: Nhất Định Được Anh Hoàng Đình Mác đại đội trưởng, anh Phạm Thanh Đuyền đại đội phó mặt sắt lại, hai vành môi mím chặt, rướm máu. Chính trị viên phó Bùi Ngọc Giáp chỉ trong vài tiếng đồng hồ mà râu dài ra như trong thấy. Mấy thằng bạn tôi dụi mắt vào vai áo nhau. Tôi quỳ xuống, tay cào trên đất, bàn tay tuổi mười chín của tôi xé nát cả vầng cỏ. Trời bỗng như đen đặc lại. Gió ngừng thổi. Một không khí tang thương úp chụp lên cánh đồng. Tôi nhìn những chiếc cọc tre dựng chéo đều đều, cách quãng, những xác chết chồng chất lên nhau, bất chấp mùi tử thi xông lên nồng nặc và tự hỏi: Má Sáu Nhơn, bác Hai Ngàn, chị Năm Vui, anh Ba Hoà, bé Ni, bé Nghĩa… nằm

chỗ nào? Tại sao phải thế này? Bọn đồ tể Pônpốt chúng nó quyền gì động đến đất nước ta, động đến mái nhà, ngọn dừa, con trâu và trước hết là sinh mạng của con người? Tàn sát đồng bào Campuchia chưa đủ hay sao mà còn xâm lược sát hại đồng bào Việt Nam? Tôi nhớ vô cùng má Sáu Nhơn có chồng hy sinh hồi chống Pháp, có con hy sinh hồi chống Mỹ đã thương chúng tôi như con đẻ, ngày chúng tôi mới vào, đóng quân trong nhà má. Và cả bác Hai Ngàn theo đạo Hiếu Nghĩa, tóc để dài, búi thành búi sau gáy, vác rựa chặt gần hết quả chục cây dừa của nhà mình để lấy nước cho chúng tôi uống sau mỗi đêm chúng tôi bám chốt trở về. "Tụi bây ngoài miền Trung vô đây, tuổi còn nhỏ quá ! Đã có đứa nào lấy vợ hay lỡ hứa với người thương chưa ? Chưa có thì ráng bám lại đây, mai kia hết mấy thằng giặc tụi tao gả con gái cho, hay làm mai con gái nhà khác cho rồi cắm nhà, ở rể đây luôn, được hôn?". Má Sáu nói vậy. Còn bác Hai Ngàn thì: "Tụi bay cứ cầm cả đi mà hút. Thuốc rê tao trồng được chớ có mua bán gì mà lo. Mà dẫu có mua, tao cũng đủ sức cho tụi bay xài xả láng". Cả các em nữa. Con gái Bảy Núi xinh đẹp, dịu hiền, dễ thương; làm rẫy suốt ngày, tối về giả bàng đan đệm thâu đêm. Bây giờ thì thế này đây. Chúng tôi xếp hàng, ngả mũ, cúi đầu. Hỡi Pônpốt … hãy nhớ lấy! Cô bác Ba Chúc ơi, chúng con nguyện trả mối thù này!

[justify]Liên tục những tháng sau, các đơn vị vũ trang có mặt trên đất An Giang đã dấy lên phong trào: " Thi đua giết giặc, bảo vệ biên giới, trả thù cho đồng bào Ba Chúc ". Nhiều trận đánh đã diễn ra. Sinh lực địch bị đánh đuổi, tiêu hao, buộc phải tháo chạy về bên kia biên giới. Có lẽ tiêu biểu nhất là trận núi Phú Cường, chỉ sau vụ thảm sát không lâu. Trận này bộ đội ta đã phối hợp bao vây, đánh một trận tuyệt đẹp, diệt gọn trên 1000 tên xâm lược, lại đánh trúng những kẻ đã trực tiếp gây ra vụ Ba Chúc. Đài tiếng nói Việt Nam đưa tin ngay sau đó.Đại đội 2 ( sau đổi là đại đội 5) của tôi ra đi từ đất lửa Bình -Trị - Thiên trở thành " quả đấm thép " của Công an vũ trang An Giang, có nhiệm vụ cơ động, chi viện chiến đấu cho tất cả các điểm chốt biên phòng trên tuyến biên giới An Giang, từ Vĩnh Gia giáp tỉnh Kiên Giang, đến Vĩnh Xương giáp tỉnh Đồng Tháp. Thời điểm này bọn Pônpốt cũng phát động "tổng động viên" với quy mô toàn diện hơn. Con bạch tuộc mỗi khi chưa được đập nát đầu thì cái vòi của nó còn ngọ nguậy, chui rúc, nó trở nên tàn bạo, hung hãn hơn lúc nào hết. Và đó đây, máu đồng bào, đồng chí của chúng ta vẫn ngày đêm thấm đỏ đất biên cương.
[/justify]

Trận đánh trên kênh Năm Xã đêm 27.3.1978 Ảnh: Nhất Định Được

Nỗi nhớ trong tôi tuần tự trôi theo năm tháng. Tôi nhớ mãi trận chiến đấu phối hợp giữa đơn vị tôi với các đơn vị bạn để lấy lại hai xã Khánh An và Khánh Bình thuộc huyện Phú Châu, vừa rơi vào tay sáu tiểu đoàn chủ lực Khơ me đỏ, mà trong đó có bốn tiểu đoàn vừa được Pônpốt phong tặng danh hiệu "anh hùng", vì đã có công "chiến đấu dũng cảm"….. Tôi không sao quên được hình ảnh Hoàng Kim Long, người chiến sĩ 19 tuổi, quê Thái Bình đã dùng dao khắc vào khẩu ĐKZ hai chữ "căm thù" để rồi ngày hôm sau, trong một trận chiến đấu không cân sức, cả anh và khẩu súng mãi mãi đi vào huyền thoại, tô thắm trang sử vàng truyền thống của lực lượng Bộ đội Biên phòng Việt Nam và tiếng thơm ngàn năm cho tỉnh lúa Thái Bình. Tôi cũng không sao quên được một đồng hương, đồng đội của tôi: Lê Văn Hoà. Lê Văn Hoà trước khi bị đạn xăm nát mình vẫn còn kịp thời gian dùng hai tay bóp chết tên lính giữ súng máy chỉ vì nó ngoan cố, không chịu đầu hàng. Rồi Phan Trung Trẻ, quê ở Vĩnh Quang, Vĩnh Linh, có biệt hiệu là "anh hề" trong đại đội, trước khi bị đạn M79 cắt gọn một bàn tay, đã kịp dùng bàn tay còn lại ấn nút điện cho quả mìn định hướng ĐH10 nổ tung, làm gần chục tên lính "áo đen" tung lên trời. Rồi Võ Ngọc Kế "răng vàng" quê Quảng Bình, thằng bạn thân nhất của tôi, được mệnh danh là "con hổ" của đại đội, chiến đấu cực kỳ dũng cảm, nhanh như sóc. Trong trận ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu một mình nó với khẩu súng AK đã án ngữ tại một chân cầu, không cho địch tràn lên, diệt tại chỗ trên mười tên. Rồi thằng Hồ Trọng Bá cũng quê ở Quảng Bình, thường gọi là "Bá béo" vì nó có thân hình cao to nhất đại đội, giữ hoả lực B41, chỉ một phát đạn làm rụi cả một tiểu đội địch. Rồi thằng Phúc "rom" chỉ vì quá gầy; thằng Phúc "híp" chỉ vì hay ngủ; thằng Phúc "bãi tha ma" chỉ vì mặt nhiều mụn trứng cá; thằng Ca "khỉ đôộc" chỉ vì lửa đạn B40 thiêu sém cả mặt mũi, tóc tai; thằng Đờn "Chéc - nơ - mo" chỉ vì nhỏ con nhất đại đội. Và tôi cũng có biệt hiệu là "trọc", do "thủ" tôi có thời gian không còn lấy một sợi tóc "làm duyên"…Thế đấy, một thằng mỗi biệt hiệu khác nhau, nghe có vẻ chướng lỗ tai, nhưng giống nhau là đều chiến đấu dũng cảm, lập công xuất sắc, huân chương đỏ chói ngực áo quân phục.

[justify]Kể lại chuyện này làm tôi nhớ đến một chuyện khác và đây chính là kỷ niệm sâu lắng nhất trong đời tôi. Khi lành vết thương ở lần bị thương thứ nhất trở về đơn vị tôi được bổ sung vào tiểu đội "mũi nhọn" do Hồ Văn Ưu quê ở tỉnh Thừa Thiên (tôi không nhớ huyện, xã nào) làm tiểu đội trưởng. Trước đây tôi và Ưu không thân nhau lắm và nói chung chỉ biết nhau một cách hờ hững, mờ nhạt do cùng sống trong một đại đội. Nhưng từ khi được ở gần anh, chiến đấu bên anh, tinh thần hết sức mưu trí, dũng cảm toát lên từ con người anh đã làm tôi rất đỗi quý mến, cảm phục. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ rất rõ dáng người anh: thấp, nhỏ, nước da đen cháy, nên cũng có biệt hiệu là "Ưu đen" và nhanh nhẹn, tháo vát đến lạ kỳ. Có lẽ do đặc điểm này mà ban chỉ huy đại đội chọn anh đảm nhận cái tiểu đội chủ công. Ưu có đôi mắt to, đen và cái nhìn sắc lạnh, hơi có vẻ tàn nhẫn. Đôi mắt ấy thật khó xiêu lòng người đẹp nhưng lại rất cần thiết cho một người lính lúc giáp trận. Nhìn vào mắt Ưu - dù trong hoàn cảnh nào: gian khổ, ác liệt, có lúc sự sống như treo đầu sợi tóc - tôi vẫn thấy rất vững tâm. Có một lần trước khi vào trận đánh, tôi và Ưu ngả lưng bên nhau, cạnh một cây xoài lớn. Chân Ưu gác nhẹ lên chân tôi và Ưu thổ lộ: "Tao có người yêu ở Huế chuyên bán bún giò. Cô ấy không đẹp nhưng hiền và hay khóc. Hôm chia tay ra đi, cô ấy khóc ướt cả áo tao, khiến tao không nhịn được cũng khóc theo. Mai mốt yên giặc, trở lại Huế, tao sẽ cưới cô ấy và chúng tao sẽ mở quán bán bún giò. Bún giò người yêu tao làm ngon lắm! Sau này trở lại Bình - Trị - Thiên, mày vô Huế, chúng tao sẽ đãi mày…".
[/justify]

[justify]
[/justify]

[justify] Ban chỉ huy Đại đội 5 (Công an Nhân dân Vũ trang An Giang)
[/justify]

[/justify]

[justify]Trận đánh xảy ra ngay sau đó, cắt ngang câu chuyện của chúng tôi. Gần một ngày quần nhau với địch, đến khoảng gần bốn giờ chiều thì Ưu trúng đạn địch hy sinh. Ưu chết trong tư thế quỳ hai chân bên bờ kênh, cạnh cây xoài lớn. Dáng lưng Ưu vẫn thẳng, chỉ có cái mũ cối trên đầu là hơi cụp về một bên. Khẩu AK báng gập trong tay Ưu vẫn gác trên bờ công sự, nòng chĩa về phía trước. Trung đội trưởng Phạm Văn Tiến và tôi chạy đến, luống cuống ôm lấy Ưu lay gọi một cách tuyệt vọng. Cả vạt áo sau lưng và hai bờ vai Ưu thấm đỏ máu. Lật chiếc mũ cối trên đầu Ưu ra, cả hai chúng tôi giật thót người, đưa mắt nhìn nhau. Anh Phạm Văn Tiến miệng méo xệnh lại như mếu, còn tôi hai tay đưa vội lên bưng lấy mặt. Trời ơi! Hai con mắt của Ưu, do bị sức ép cực mạnh của một quả ĐKZ nổ trên cây, đẩy hẳn ra ngoài dài khoảng hai đốt ngón tay đeo lủng lẳng hai bên gò má. Thêm hai mảnh nhỏ xuyên qua mũ cối vào đầu. Chúng tôi nhẹ nhàng đỡ Ưu nằm xuống, thận trọng ấn hai con mắt vào vị trí cũ. Xung quanh tiếng bọn lính Pônpốt vẫn la hét om sòm. Tiếng đạn nổ chát chúa không một giây ngừng nghỉ. Không thể để xác đồng đội mình rơi vào tay lũ sát nhân, nếu chẳng may mất chốt. Anh Phạm Văn Tiến ra lệnh cho tôi phải đưa ngay Ưu ra khỏi trận địa. Tôi chấp hành ngay. Nhưng đưa Ưu ra bằng cách nào đây là việc chúng tôi phải lúng túng mất một hồi. Bế ư? Cõng ư? Bế thì không thể mà cõng thì không dễ. Cõng một người còn sống cho dù nặng cỡ nào cũng là việc dễ dàng. Đằng này một người đã chết thì quả là điều nan giải. Và rồi cuối cùng chúng tôi cũng tìm được cách khắc phục. Tôi cúi xuống, dạng hai chân, gập hẳn người xuống. Anh trung đội trưởng và một người nữa nâng bổng Ưu, đặt lên lưng tôi, cho hai tay quàng qua vai tôi, thõng xuống ngực. Mặt Ưu áp lên đầu tôi. Tay phải tôi bắt chéo lên, túm chặt cổ áo Ưu. Tay trái quàng ra phía sau nắm lấy thắt lưng Ưu. Rồi cứ trong tư thế lom khom như vậy, tôi vừa đi vừa chạy một mạch gần năm trăm mét ra đến chỗ quy định. Tưởng đã hoàn thành nhiệm vụ, nào ngờ khi đặt Ưu xuống, nhìn vào đôi mắt bị sức ép thì con mắt bên trái không còn nữa, nó đã rơi ở đâu đó dọc đường. Trên đường quay lại, tôi tìm kiếm một hồi nhưng không thấy. Trung đội trưởng nghe tôi báo cáo, mặt anh nghiêm lại và tiếng anh dõng dạc, tôi có cảm tưởng như át cả tiếng đạn gầm: "Đồng chí phải quay ngay lại, bằng mọi giá tìm cho được con mắt của đồng chí Hồ Văn Ưu". "Rõ!". Lần đầu tiên trong đời bộ đội, tôi đáp lệnh chỉ huy sao mà mạnh mẽ, trang nghiêm. Tiếng "rõ" hôm ấy như có sức mạnh gấp đôi, rung lên, dồn nén trong ngực tôi. Và thế là sau nửa giờ quay lui quay tới tìm kiếm, tôi đã tìm lại được con mắt của Hồ Văn Ưu. Tôi ghé miệng thổi đi những con kiến, hạt bụi, rồi đặt con mắt của đồng đội lên lòng bàn tay mình và đứng lặng một hồi lâu ngắm nhìn. Thật kỳ lạ, chẳng khác khi còn sống là bao, con mắt của Ưu vẫn to, đen, sắc lạnh. Chỉ có khác là bây giờ nó không nằm trên một khuôn mặt, cho dẫu chỉ là khuôn mặt của một người đã chết. Mà rời hẳn ra, to vài dài bằng hai ngón tay cái gộp lại và bầm đen những máu. "…Bún giò người yêu tao làm ngon lắm! Sau này trở lại Bình - Trị - Thiên, mày vô Huế, chúng tao sẽ đãi mày…"
[/justify]

[/justify]

[justify]
[/justify]

[justify]Tranh thủ viết tin bài gửi về Tòa soạn báo (Ảnh: Nhất Định Được)
[/justify]

[/justify]

[/justify]

[/justify]

[justify]Hồ Văn Ưu ơi! Khát vọng của anh thế là mãi hoài dang dở. Tôi vẫn nhớ anh. Nhớ lời hẹn của anh chỉ một ngày trước khi anh chết. Tôi đã trở lại quê hương, đã một đôi lần lang thang trên các vỉa hè phố Huế. Gặp ai bán bún giò là tôi nhào vô ăn, rồi lân la hỏi chuyện. Tôi không biết người yêu của anh tên gì và ở nơi nào giữa Huế mộng mơ. Nhưng tôi vẫn hằng tin trong số những người tôi ăn bún giò có một người con gái hay khóc là người yêu của anh…
[/justify]

[justify]Sau trận ấy, đơn vị tôi còn tham gia nhiều trận khác nữa. Và ở trận chốt Bắc Đai, tôi bị thương lần thứ hai. Được nửa năm sau, chiến tranh biên giới Tây - Nam kết thúc. Đại đội 5 tiếp tục hành quân qua biên giới Camphuchia - Thái Lan làm nghĩa vụ quốc tế. Tôi do không đủ sức khoẻ, phải ở lại công tác ở một đồn Biên phòng rồi sau đó vài năm, ra quân.
[/justify]

[/justify]

[justify]
[/justify]

[justify] Đại đội 5 đón nhận cờ "TUỔI TRẺ ANH HÙNG BẢO VỆ TỔ QUỐC"
[/justify]

[justify]
[/justify]

[/justify]

[justify]Thời gian như ngọn gió, chẳng thể đợi chờ ai. Thấm thoắt thế mà đã mười mấy mùa xuân đi qua, kể từ ngày giã biệt đời quân ngũ. Tháng ngày tôi lặng lẽ với vườn chè, vườn tiêu. Tuổi xuân cũng qua đi để chấp chới tuổi tứ tuần,do vất vả nên soi gương thấy mình đã già, trán đầy nếp nhăn. Tôi đã ứa nước mắt khi ngồi ghi lại những dòng này. Tôi thả hồn tôi ngược dòng thời gian, trôi về với dĩ vãng, nhớ lại một thời đã qua, nhớ về một miền biên cương, nơi ấy có những đồng bào, đồng chí đã một thời cùng tôi gắn bó thân thương, gần gũi. Gần một trăm cán bộ, chiến sĩ chủ yếu là con em ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên ra đi từ thị trấn Hồ Xá (Vĩnh Linh) ngày 17 tháng 5 năm 1977, đến hôm nay ai còn ai mất? Các anh Trương Quang Hiệt, Phạm Thanh Đuyền, Nguyễn Thanh Khâm, Bùi Đức Xinh, Võ Ngọc Kế, Phạm Anh Hùng, Hoàng Trọng Thanh, Nguyễn Văn Phong, Nguyễn Văn Lường, Hồ Trọng Bá, Nguyễn Trường Nguyên… bây giờ ở đâu và làm gì? Các anh ơi! Tôi vẫn hằng nhớ đến các anh. Có những đêm không ngủ, tôi thầm gọi tên các anh. Các anh hãy cùng tôi sống lại những năm tháng ấy. Những năm tháng đã tôi luyện trong ta không phải chỉ bằng lòng quả cảm trong chiến đấu mà còn cả thắt ruột vì thương yêu đồng chí, đồng bào. Các anh hãy cùng tôi nhớ về miền biên cương ấy. Một thời để nhớ và một thời để thương.
[/justify]

[justify] N.N.C
[/justify]



[/justify]

[justify]
[/justify]

[justify] Một góc Nhà mồ Ba Chúc - tại xã Ba Chúc, huyện Bảy Núi (An Giang)
[/justify]

[justify]
[/justify]

[/justify]

[/justify]

[/justify]

[justify] (1) Hiện nay, tại xã Ba Chúc, huyện Bảy Núi, tỉnh An Giang, chính quyền và nhân dân địa phương đã xây dựng một nhà mồ tưởng niệm gọi là "Nhà mồ Ba Chúc" tập trung trên 3000 bộ hài cốt cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ thảm sát do binh lính Pônpốt gây ra đối với nhân dân trong xã vào năm 1978.
[/justify]
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)