Mới đây, sau khi khai quật đền thờ thiêng liêng Maya Devi tại Lumbini (Nepal), các nhà khảo cổ học đã tìm ra bằng chứng tiết lộ nơi sinh của Đức Phật và nguồn gốc của Phật giáo có từ thế kỷ 6 TCN.
Theo đó, các nhà khảo cổ đã phát hiện dấu vết của cấu trúc gỗ được cho là cây cột lớn từng nằm giữa trung tâm của ngôi đền Maya Devi - ngôi đền được công nhận là cổ nhất thế giới.
Các nhà khảo cổ đã đo mức độ phóng xạ trong các khoáng chất, tỷ lệ chất đồng vị carbon, phân tử carbon… và tìm thấy sự hiện diện của rễ cây tại khu vực này.
Qua đó, chuyên gia cho rằng, từng có chiếc cây lớn tồn tại ở đây. Tìm hiểu thêm, các nhà khoa học cho biết, dấu vết này khá tương đồng với câu chuyện truyền miệng của người xưa khi cho rằng, mẹ Đức Phật đã bám vào một cành cây khi sinh ra Ngài.
Các nhà khảo cổ đang nghiên cứu ngôi đền cổ ở Nepal.
Nhà khảo cổ Robin Coningham thuộc ĐH Durham (Anh) - trưởng nhóm nghiên cứu nói rằng: "Trước đây, khá nhiều tài liệu cho rằng, Đức Phật được sinh ra vào thế kỷ thứ 3 TCN. Tuy nhiên, với việc phát hiện ra dấu vết cấu trúc gỗ trong ngôi đền và đặt cuộc đời của Đức Phật Thích Ca vào thời điểm thế kỷ thứ 6 TCN, chúng tôi phần nào có thể hiểu được bối cảnh, cuộc sống lúc bấy giờ".
Với khoảng 500 triệu Phật tử đang sống trên toàn thế giới với tấm lòng luôn hướng về cửa Phật nhưng thực sự họ vẫn chưa biết nguồn gốc sinh ra của Ngài. Đa phần những câu chuyện về cuộc đời của Đức Phật lưu truyền theo hình thức truyền miệng khiến yếu tố thời gian trở nên không thống nhất. Với phát hiện này, các nhà khảo cổ đã có thêm tư liệu, bằng chứng xác thực về năm sinh của Đức Phật.