[size=6]Nhiều hãng hàng không chỉ kiểm tra sức khỏe thần kinh phi công trong lần tuyển dụng. Trên thế giới đã có những vụ cơ trưởng mắc các chứng bệnh thần kinh lái máy bay tự sát, cướp đi sinh mạng hàng trăm người.[/size]
Hãng tin AP (Mỹ) cho rằng đa số các hãng hàng không ở Mỹ chỉ kiểm tra sức khỏe thần kinh phi công một lần trong quá trình tuyển dụng.
Điều này dấy lên mối quan ngại các phi công lâu năm mắc các bệnh lý thần kinh dẫn đến quẫn trí lái máy bay tự sát, đe dọa sinh mạng nhiều hành khách trên máy bay.
Trên thế giới đã có một số vụ cơ trưởng, cơ phó mắc các chứng bệnh thần kinh đã lái máy bay tự sát, cướp đi sinh mạng hàng trăm người.
1. Cơ trưởng lái máy bay đâm xuống sông tự sát, 104 người chết
Vào ngày 19.12.1997, máy bay Boeing 737-300 (chuyến bay 185) của hãng hàng không SilkAir (Singapore) rơi xuống một con sông ở Indonesia, theo AP. Tất cả 104 người trên máy bay thiệt mạng.
Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia của hai nước Mỹ và Indonesia tiến hành điều tra vụ rơi máy bay này.
Cả hai cơ quan này đều kết luận cơ trưởng Tsu Wai Ming, bị nghi mắc bệnh thần kinh, lái máy bay Boeing 737-300 tự sát.
Theo dữ liệu hộp đen trong bản báo cáo điều tra của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia, cơ trưởng Ming đã hỏi cơ phó có muốn ăn bánh sandwich hay không, rồi có tiếng động, cửa buồng lái đóng lại… máy bay rơi xuống sông.
Các mảnh vỡ máy bay Boeing 737-300 (chuyến bay 185) của hãng hàng không SilkAir - Ảnh: Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia |
Vào năm 1982, cơ trưởng Seiji Katagiri lái máy bay McDonnell Douglas DC-8-61 của hãng Japan Airlines (Nhật Bản) rơi xuống vịnh Tokyo, gần sân bay Haneda (Nhật Bản), để tự sát.
Theo AP, 24 người trong số 174 người trên máy bay đã thiệt mạng. Ông Katagiri bị bắt đưa ra tòa, nhưng được tuyên trắng án do bị bệnh điên.
Trước vụ lái máy bay tự sát, ông Katagiri từng bị cấm bay vì mắc bệnh lý thần kinh, nhưng sau đó vượt qua các cuộc kiểm tra và được bay trở lại.
Ảnh minh họa máy bay của hãng hàng không Japan Airlines - Ảnh: Reuters |
3. Cơ phó bị bệnh thần kinh lái máy bay đâm xuống Đại Tây Dương tự sát
Vào ngày 31.10.1999, lợi dụng cơ trưởng vào nhà vệ sinh, cơ phó Gameel al-Batouti nói “con thuộc về Chúa”, rồi tắt hệ thống bay tự động, tắt động cơ và điều khiển máy bay Boeing 767-366ER của hãng Egypt Air (Ai Cập) chúi mũi, đâm xuống Đại Tây Dương, sau khi cất cánh từ sân bay John F. Kennedy ở thành phố New York (Mỹ) để đến Ai Cập, theo AP.
Tất cả 217 người trên máy bay thiệt mạng. Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ đưa ra kết luận cơ phó Batouti, bị bệnh lupus ban đỏ dẫn đến biến chứng mắc bệnh thần kinh, đã lái máy bay tự sát. Trong khi Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Ai Cập nói máy bay gặp sự cố.
4. Cơ trưởng đòi đánh bom máy bay
Vào 27.3.2012, máy bay Airbus A320-200 (chuyến bay 191) của hãng American Airlines (Mỹ) cất cánh từ thành phố New York để đến thành phố Las Vegas, Mỹ, theo hãng tin AP (Mỹ).
Đột nhiên cơ trưởng Clayton Osbon (49 tuổi lúc bấy giờ) rời khỏi buồng lái đến khoang hành khách nói lảm nhảm về chúa Jesus và khủng bố al-Qaeda, thét lên máy bay có bom và “các người hãy cầu nguyện”.
Thấy vậy, các hành khách đã khống chế cơ trưởng Osbon bằng cách lấy dây thắt lưng an toàn trói ông ta lại, để cơ phó chuyển hướng máy bay và hạ cánh khẩn cấp an toàn xuống sân bay thành phố Amarillo, bang Texas (Mỹ).
Cơ trưởng Osbon bị đem ra tòa xét xử về tội quấy rối chuyến bay, nhưng được tòa tuyên trắng do phát hiện ông bị bệnh điên.
Cơ trưởng Clayton Osbon (trái) bị khống chế đưa ra khỏi máy bay (phải) - Ảnh: Reuters |
5. Cơ trưởng lái máy bay đâm xuống rừng tự sát
Vào ngày 29.11.2013, máy bay Embraer 190 số hiệu TM470 của hãng hàng không Mozambique Airlines (viết tắt LAM), cất cánh từ Mozambique để đến thủ đô Luanda của Angola, thì mất tích, theo BBC.
Đến ngày 30.11.2013, xác máy bay mất tích được phát hiện tại một khu rừng hẻo lánh ở nước Cộng hòa Namibia, tất cả 33 người trên máy bay thiệt mạng.
Cục Hàng không Dân dụng Mozambique công bố kết quả điều tra sơ bộ cho thấy cơ trưởng Dos Santos Fernandes đã tự khóa mình trong buồng lái, khiến cơ phó không thể vào bên trong.
Sau đó, Fernandes chuyển hướng máy bay và liên tục thay đổi độ cao rồi đâm xuống khu vực hẻo lánh ở Cộng hòa Namibia. Công tác điều tra vụ máy bay này vẫn đang tiếp diễn.
Các mảnh vỡ cháy rụi của máy bay Embraer 190 hãng Mozambique Airlines (viết tắt LAM) - Ảnh: AFP |