>> “Sao” nam chụp nude – để làm gì?
Điều đáng sửng sốt nhất là, đang có không ít nam người mẫu coi việc có đại gia bao bọc là một trào lưu và thể hiện “cái giá” của mình. Họ hào hứng bước vào hành trình tới vực thẳm, mà không cần biết ngày mai sẽ ra sao… Nghề người mẫu, ở điểm xuất phát đầu tiên, nó vốn được coi là nghề của các cô gái. Những sải chân dài đi lại trên sân khấu, khoe những bộ quần áo đẹp. Và đến thời điểm hiện tại, nghề này vẫn ưu ái những cô gái chân dài. Còn các chàng trai vẫn đứng ở vị trí thứ hai. Họ thực sự lép vế trên sân khấu. Cát sê thấp hơn. Dư luận xã hội cũng chưa thực sự xem trọng và đánh giá chính xác công việc của những chàng trai như vậy. Ngay cả những người trong giới cũng cho rằng, người mẫu với đàn ông chỉ nên là một thứ “gia vị” cho cuộc sống. Họ cần có một công việc khác để chuẩn bị cho tương lai.
Người mẫu Quốc Cường, vốn là một trong những nam người mẫu thế hệ đầu tiên tại Việt Nam, sau thời gian dài gắn bó với nghề đã phải chuyển qua kinh doanh thời trang và đóng phim. “Thế hệ chúng tôi là thế hệ mở đầu. Cái gì cũng vất vả. Báo chí khi đó cũng rất hiếm. Để xuất hiện được trên một bài viết chân dung, chúng tôi có thể mất vài năm và các người mẫu phải cạnh tranh nhau rất quyết liệt. Thời gian đầu đi làm nghề, tôi thường giấu người thân. Ít ai coi đó là một nghề nghiệp nghiêm túc và bản thân chúng tôi cũng chưa nhìn rõ tương lai của mình. Nhưng lứa người mẫu chúng tôi đã làm việc nghiêm túc, có ý thức học nghề rất nhiều. Khi ấy chúng tôi có tham gia một số khóa học do chuyên gia nước ngoài giảng dạy. Khiếm khuyết lớn nhất của lứa chúng tôi là thể hình không đạt tiêu chuẩn. Lứa người mẫu sau này thì thể hình có tốt hơn nhiều. Nhưng sự dễ dãi của truyền thông, sự cưng chiều của dư luận khiến họ gần như không có ý thức rèn luyện và giữ gìn hình ảnh của mình. Vì thế mà các scandal liên tiếp xảy ra, và một số người mẫu là cho giới chân dài bị gắn với các đại gia như một thứ dây leo” – Quốc Cường chia sẻ.
Ảnh minh họa |
Những lứa người mẫu sau Quốc Cường có nhiều bệ phóng tốt cho nghề nghiệp. Đó là những cuộc thi mang tên siêu mẫu, các giải thưởng người mẫu, các cuộc kiếm tìm người mẫu làm đại sứ quảng cáo cho các nhãn hiệu lớn…
Nếu như các người mẫu nữ sẽ đến với các cuộc thi nhan sắc thế giới, thì đàn ông cũng có những cuộc thi tầm cỡ quốc tế dành riêng cho mình. Chính vì thế, giới truyền thông Việt Nam mới có thời gian lăng xê không mệt mỏi chân dung Ngô Tiến Đoàn với những cái tên rất kêu “Người đàn ông đẹp nhất thế giới”, “Hoa vương”… nhưng thực chất, sự góp mặt của Tiến Đoàn trong các hoạt động thời trang tại Việt Nam chưa nhiều bằng một số người mẫu khác, thậm chí cũng chưa thấy anh xuất hiện trên các mẫu quảng cáo lớn…
Hay như Hồ Đức Vĩnh, bỗng dưng được trao giải thưởng “Gương mặt của năm” trong Giải thưởng người mẫu năm 2008, nhưng sự xuất hiện thực sự trong hoạt động nghề nghiệp của người mẫu này khá mờ nhạt, ngoài việc là người mẫu dắt tay các cô hoa hậu trong một cuộc thi… Với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các trang báo điện tử, giới người mẫu có thể “tung hoành” với những hình ảnh bắt mắt nhất. Nhưng họ rất ít nói về nghề nghiệp (bởi đó là lĩnh vực không có gì nhiều để khai thác), cũng không bàn sâu về chuyên môn (bởi xuất phát điểm của họ là những người tay ngang, không được đào tạo chuyên nghiệp, nói ra rất dễ bị “hở sườn”). Họ chỉ có những hình ảnh gợi cảm và những câu chuyện đời tư. Mà rất nhiều chuyện đời tư là không có thật, được thêu dệt sao cho hấp dẫn và ly kỳ. Miễn sao được lên báo, thế là xong…
Thế nhưng, đời tư của không ít người mẫu nam còn là những khoảng tối khủng hoảng. Người mẫu nam có thể đi “cặp” với đại gia được không? Câu trả lời là có, thậm chí nó còn được coi là một thứ giá trị trong mắt những đồng nghiệp khác. Nhà thiết kế V tiết lộ, trong giới thời trang ai cũng biết tới người mẫu Đ với gương mặt nam tính khá ấn tượng. Nhưng ít ai biết, Đ từng qua tay rất nhiều người, trong đó có số đông là Việt kiều. Sẽ là không công bằng nếu gọi Đ là “callboy”, vì thực chất Đ không “đi khách” mà thường các mối quan hệ được tạo dựng theo sự “trao gửi” giữa các “khách hàng”, nhờ “chăm sóc”.
Một Việt kiều về nước, làm quen với Đ, sau khi trở lại nước ngoài sẽ giới thiệu Đ cho một người khác, như một cách làm quen. Cứ như vậy, không cần xuất hiện trên sàn diễn, Đ vẫn có thể có cuộc sống thong dong. Cho đến một ngày, Đ bị một người tình làm hại. Nhà thiết kế V và một số người thân của Đ phải đưa anh vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng bất tỉnh. Với Đ đó là một vết thương khó xóa. Đến thời điểm hiện tại, Đ công khai chuyện tình yêu của mình với một cô gái nhưng mục đích duy nhất là muốn được xuất cảnh ra nước ngoài.
Người mẫu T lại là một trường hợp điển hình của sự phù phiếm. T đặc biệt thích chụp những bức hình gợi cảm. Người ta luôn thấy T xuất hiện trên báo với những bức ảnh ngực trần, hoặc mặc quần rất trễ để khoe thân. Mới đây, trên blog cá nhân của T xuất hiện loạt hình khỏa thân. Một người bạn của T hỏi mục đích khi đăng loạt hình này, thì được anh trả lời thản nhiên: Đăng lên cho thiên hạ thèm muốn! Và quả tình là… không ít “thiên hạ” đã “thèm muốn” T thật.
Bằng chứng là có rất nhiều quý bà (và cả quý ông) tìm kiếm T. T nhận lời hẹn với tất cả, những bữa ăn sang trọng, những món quà xa xỉ… Nhưng sau khi nhận được quà, được rong chơi lần đầu tiên đó, T sẽ… biến mất. Anh mang món quà đó đi tặng nhân tình trẻ. T nói: “Thực ra có mất gì đâu. Họ tự nguyện và muốn gặp. Tôi đâu có nói rằng, tôi sẽ làm gì cho họ. Họ thích thì mời, yêu quý tôi thì mua tặng. Tôi không xin họ. Nhưng không vì thế mà tôi lại phải chiều theo ham muốn của họ”. Điều này thì có thể tin T thật, bởi T không thiếu tiền.
Gia đình T khá giàu có, sau khi tốt nghiệp đại học T đến với nghề người mẫu chỉ vì ham muốn nổi tiếng, còn những đồng cát sê của nghề không đủ cho T đổ xăng xe. Chính vì thế, sau khi bị trượt một giải thưởng của nghề, T đã khóc như mưa tại một quán nhậu khiến các thực khách trong quán phải bất ngờ. Dường như, T làm tất cả những điều phù phiếm trong cuộc sống chỉ với mục đích duy nhất, là tìm kiếm và khẳng định giá trị của mình. Nhưng cách mà T chọn, có vẻ mang nhiều nhầm lẫn và… bệnh hoạn.
Tuy không phải là người mẫu của sàn catwalk, nhưng M lại là một gương mặt ấn tượng trong khá nhiều mẫu quảng cáo sản phẩm tiêu dùng. Và đó là bệ phóng để anh bước vào phim ảnh. M đã đã được chọn làm diễn viên phim truyền hình với một số vai không đến nỗi quá tệ. Nhưng một số chuyên gia casting tiết lộ, M là hình ảnh méo mó của một lớp người “bỗng dưng nổi tiếng”. Để đến khi bắt đầu được săn đón, M mới tìm cách xóa bỏ quá khứ của mình. Nhưng M không dễ làm được điều ấy, khi mà những người từng qua đêm với M vẫn xuất hiện đâu đó trong làng giải trí. Không biết, đó có phải là “quá khứ đòi nợ” đối với M hay không…
Sự “mất tích” của một người mẫu nổi tiếng T trong thời gian gần đây để làm một người chồng, cũng khiến không ít người ngạc nhiên, vì những mối quan hệ “nổi loạn” trước đây của anh. T đã từng phát biểu trên báo chí về niềm đam mê của mình, nhưng đến khi kết hôn thì mọi hoạt động nghề nghiệp của T chấm dứt. Giờ đây, T thành một… trợ lý cho gia đình vợ. Không ai thấy T xuất hiện trong bất cứ chương trình nào, không chỉ là thời trang mà còn cả lĩnh vực khác nữa. Dám chấp nhận “ẩn dật” để làm “cái bóng bên bố vợ”, có lẽ T cũng là một trường hợp hiếm hoi…
Không có nghề nghiệp nào xấu và giá trị của mỗi con người chỉ phụ thuộc vào chính bản thân họ mà thôi. Tuy nhiên, những khoảng tối trong nghề sẽ làm cho những người làm việc nghiêm túc cảm thấy bị… làm phiền. Và họ sẽ dễ bị đánh đồng vào những thói xấu của đồng nghiệp trong quan niệm của những người ngoại đạo. Thế nên, giới người mẫu thường bị những cái “án oan” của dư luận cũng vì những điều như thế…
Theo ANTG