Ở nước ta, việc lựa chọn, quyết định hình ảnh được in trên đồng tiền do Bộ Chính trị quyết định.
Trước thềm kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, Ngân hàng Nhà nước có tập hợp ý kiến cử tri và trả lời cử tri về các vấn đề liên quan. Trong đó, cử tri tỉnh Long An có kiến nghị xem xét trong việc phát hành tiền giấy, ngoài in hình Bác Hồ ở tờ tiền có mệnh giá lớn, Nhà nước xem xét nên in hình các vị lãnh đạo có công với nước qua các thời kỳ trên các đồng tiền còn lại.
Bên lề kỳ họp Quốc hội chiều nay 21/10, trao đổi với phóng viên Dân trí về kiến nghị trên, đại biểu Quốc hội - Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: Việc nghiên cứu, xem xét in hình các vị lãnh đạo có công với nước qua các thời kỳ trên các đồng tiền còn lại nên được xem xét, bởi đó là “một trong những giá trị”, bên cạnh những hình ảnh thiên nhiên, sản vật.
“Việc đưa nhân vật lên tờ tiền Việt Nam là cần thiết nhưng là ai, điều này còn phải bàn. Đến thời điểm này, trên tờ tiền của Việt Nam mới chỉ có in một nhân vật duy nhất là Bác Hồ. Hình ảnh Bác Hồ, thiên nhiên, sản vật in trên các tờ tiền Việt Nam đã thành nếp nên nếu thay đổi cũng cần có một quá trình, nhất là phải tìm sự đồng thuận trong người dân”, đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Đánh giá về kiến nghị trên, TS.Nguyễn Minh Phong (chuyên gia kinh tế) cho đây là một ý kiến mới lạ, hay. Tuy nhiên, nếu ý kiến của các cử tri tỉnh Long An được xem xét, các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu kỹ, bởi tiêu chí về người có công với nước sẽ thay đổi theo thời gian.
“Nếu chỉ lấy tiêu chí người có công với nước để in hình lên tờ tiền Việt Nam sẽ tạo ra sự so sánh không đáng có trong lịch sử. Trong khi việc thay đổi những mẫu mã trên tờ tiền Việt Nam sẽ rất tốn kém. Theo tôi, ghi nhận công lao của các nhân vật có công với nước, chúng ta có thể xuất bản kỷ yếu, hoặc đặt tên đường. Trên tờ tiền Việt Nam chỉ nên có một hoặc hai người là cùng”, TS.Nguyễn Minh Phong nói.
Còn theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, việc thay đổi hình ảnh của tờ tiền Việt Nam cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng và phải trả lời được câu hỏi: “Thay đổi việc in hình người có công lên tờ tiền Việt Nam để làm gì? Theo tôi, trong bối cảnh hàng nghìn doanh nghiệp phá sản, giải thể, Nhà nước nên ưu tiên ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp, chứ chưa nên nghĩ đến việc in hình các vị lãnh đạo có công với nước qua các thời kỳ trên các đồng tiền còn lại”.
Cùng ý kiến này, TS. Vũ Viết Ngoạn – đại biểu Quốc hội nói: “Theo tôi là chưa phải lúc”.
Trước đó, trả lời đề xuất của các cử tri Long An, Ngân hàng Nhà nước cho biết: Đồng tiền được xem là “biểu trưng”, “hình ảnh” của mỗi quốc gia, là phương tiện nhằm chuyển tải những giá trị, thông điệp hàm súc đến người sử dụng. Vì vậy, những giá trị, hình ảnh tiêu biểu, đặc sắc về đất nước, con người thường được lựa chọn để thể hiện, khắc họa trên đồng tiền. Ở nước ta, việc lựa chọn, quyết định hình ảnh được in trên đồng tiền do Bộ Chính trị quyết định.
Lý giải việc in hình Bác Hồ lên tiền Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước nói: Chủ tịch Hồ Chí Minh là người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới kiệt xuất. Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở nên gần gũi, quen thuộc đối với nhiều thế hệ người dân Việt Nam và bạn bè thế giới. Vì vậy ngay từ năm 1945, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được lựa chọn, thể hiện trang trọng ở mặt trước các đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành. Ở mặt sau đồng tiền khắc họa hình ảnh quân và dân ta trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phong cảnh thiên nhiên, các công trình kiến trúc lịch sử, văn hóa và công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
“Việc đề xuất xem xét lựa chọn các vị lãnh đạo, anh hùng, danh nhân văn hóa, lịch sử có công với đất nước để in trên đồng tiền cần được cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng và đảm bảo phù hợp với kỳ vọng của đa số công chúng vì hình ảnh trên đồng tiền có vai trò hết sức quan trọng trong việc thiết lập mối quan hệ thân thiện, tích cực và chuyển tải những thông điệp hàm súc tới công chúng”, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.